Làng nấu bánh chưng Cát Trù (Phú Thọ): Đỏ lửa đón Tết trước cả tháng

Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, làng bánh chưng ở Cát Trù, xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) luôn hối hả, tất bật hơn bao giờ hết. Mùi thơm của gạo nếp, đậu xanh và thịt lợn hòa quyện vào nhau lan tỏa khắp xóm khiến cho không khí Tết sớm tràn ngập cả một làng quê.

Nghề làm bánh chưng ở Cát Trù, xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đã có từ rất lâu đời được truyền lại từ đời này qua đời khác, nhưng không một ai nhớ rõ có từ bao giờ, chỉ biết rằng, xưa kia, bánh chưng Cát Trù đã có mặt ở khắp các chợ quê, được mọi người ưa chuộng.

Bà Nguyễn Thị Ảnh tự hào bởi vào ngày Giỗ Tổ hàng năm, bánh chưng của cơ sở làm ra thường được lựa chọn đưa vào mâm lễ dâng lên các Vua Hùng

Là cơ sở 7 lần đoạt giải cao trong hội thi làm bánh dâng các Vua Hùng; Bà Nguyễn Thị Ảnh - chủ cơ sở bánh chưng Chính Ảnh chia sẻ: "bà sinh ra trong một gia đình 4 đời làm nghề gói bánh chưng. Thời gian từ ngày 15/12 Âm lịch đến Tết Nguyên Đán, trung bình 1 ngày, cơ sở gói khoảng trên 3 tạ gạo. Để có lượng bánh cung cấp cho các tiểu thương, nhà hàng và các tỉnh lân cận, bà phải huy động tất cả các thành viên trong gia đình, người già đến trẻ con, đồng thời thuê thêm 10 - 15 lao động/ngày để đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng bánh chưng của người dân trong dịp Tết.

Theo bà Ảnh, tiêu chuẩn của chiếc bánh tiến Vua phải có hình thức đẹp, vuông thành sắc cạnh, màu sắc tươi tắn, gạo rền, thơm hương. Bánh thơm ngon không chỉ bởi lớp nhân đậm đà, lớp vỏ gạo cũng phải dẻo, mềm rền hạt, không nhão. Quá trình tạo nên sản phẩm kỳ công, đòi hỏi người gói có kỹ thuật, tâm huyết. Người làm bánh chọn kỹ lá dong to bản sạch, gạo nếp chắc mẩy ngâm trong nước mưa lắng lọc, trong ngọt, gói ghém với đậu xanh, thịt tươi thớ nạc thớ mỡ, nêm gia vị muối tiêu thơm nức.

Chị Nguyễn Thị Hương, chủ cơ sở bánh chưng Hương Sơn (Cát Trù, xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) cho biết, ngoài những dịp Tết cơ sở gói nhiều để phục vụ khách hàng. Những ngày thường, gia đình làm khoảng 50 - 60 kg gạo/ngày, bán chủ yếu tại Hà Nội. Nhưng vào ngày Tết, nhu cầu sử dụng bánh chưng tăng gấp 3- 4 lần, trung bình 1 ngày, chị xuất ra thị trường trên 3.000 chiếc bánh.

Nghề làm bánh chưng Cát Trù có quanh năm, đặc biệt vào các dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu lại tăng cao và đây được coi là vụ sản xuất chính trong năm.

Với những nguyên liệu cơ bản: Gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong cũng như nhiều nơi khác đã làm nên thương hiệu bánh chưng Cát Trù. Tuy nhiên, điều làm nên sự khác biệt của bánh chưng Cát Trù có lẽ nằm ở khâu chuẩn bị nguyên liệu và cách gói.

Chị Nguyễn Thị Hương cho biết, để bánh ngon, không bị nhão thì khâu chuẩn bị nguyên liệu rất quan trọng. Lá dong phải chọn lá bánh tẻ, dày và cuống mỏng được trồng ở các tỉnh Hà Giang, Yên Bái... gạo là gạo nếp cái hoa vàng hoặc nếp nhung trồng ở Thái Bình, Nam Định... Đỗ xanh phải sạch vỏ, thơm, ngon, thịt lợn thường là thịt ba chỉ hoặc thịt nửa mỡ nửa nạc.

Mùi thơm của gạo nếp, đậu xanh và thịt lợn hòa quyện vào nhau lan tỏa khắp xóm khiến cho không khí Tết sớm tràn ngập cả một làng quê

Trước khi gói, lá dong cần được rửa sạch, lau khô; gạo vo thật kỹ trước một giờ, để ráo nước, không nên ngâm gạo lâu vì như vậy gạo sẽ bị nở, khó gói và làm chua bánh nhanh; đỗ xanh nấu vừa chín tới, thịt lợn ướp đủ các loại gia vị cho đậm đà, gói xong phải luộc ngay bánh mới xanh.

Bánh chín, vớt ra, rửa sạch sau đó xếp 2 chiếc úp vào nhau để lên một chiếc bàn và dùng một tấm ván đặt lên trên. Ngoài ra, đặt thêm một số vật nặng, như cái cối đá hay chiếc nồi gang to đầy nước, để ép cho bánh ráo nước, rền và ngon, có màu tươi xanh hấp dẫn và có thể để lâu không bị mốc.

Mặc dù, không gói bánh bằng khuôn nhưng bánh chưng Cát Trù vẫn được du khách trong và ngoài tỉnh “đánh tiếng” là ngon, dẻo và vuông vức, đều đẹp.

Xuân Hiền - Lê Quân

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/lang-nau-banh-chung-cat-tru-phu-tho-do-lua-nua-thang-nay-de-don-tet-d188497.html