Lắng lại với 'Sắc màu'

Triển lãm 'Sắc màu' do Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Câu lạc bộ Mỹ thuật Siêu nhân nhí tổ chức, có gần 60 bức tranh được trưng bày.

“Dù thiệt thòi không được lớn lên trong vòng tay của cả bố và mẹ nhưng lúc nào con cũng vẽ tranh về một gia đình đủ đầy ăm ắp tiếng cười. Tôi luôn lặng người mỗi khi ngắm tranh của con…” - Chị Nguyễn Thị Hằng (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ về bức tranh “Gia đình của em” do cô con gái Trần Nguyễn Phương Uyên năm nay mới lên 5 của mình thực hiện và trưng bày tại triển lãm “Sắc màu”.

Chị Hằng kể, Phương Uyên thích vẽ từ nhỏ, hễ ở trường mầm non về là cô bé sà vào hộp màu và hí hoáy. Ban đầu, bé vẽ theo bản năng và bức tranh gia đình đầu tiên của Uyên có các thành viên đứng dàn hàng ngang hình… que trông rất ngộ nghĩnh.

Dịp Hè vừa rồi được mẹ đăng ký tham gia Câu lạc bộ Mỹ thuật Siêu nhân nhí, nét vẽ của Uyên đã “chuyên nghiệp” về phối màu, dựng hình rõ nét, sinh động hơn và luôn bảo với mẹ “cho con làm họa sĩ”.

Được các cô giáo gợi ý, con tự tưởng tượng để vẽ bức tranh gia đình của mình. Khi đó, bé Uyên diện váy đỏ xinh xắn được bố kiệu lên vai và cả gia đình đều nở nụ cười hạnh phúc.

“Con đặt tên bức tranh là “I like family”. Con thích được ở bên cả bố và mẹ. Khi đến câu lạc bộ con được các cô giáo dạy cách tô màu, tạo hình…”, đứng bên bức tranh để cùng mẹ chụp hình kỷ niệm, bé Phương Uyên thỏ thẻ nói.

“Con không may mắn vì chúng tôi sớm ly thân. Dù thiếu thốn tình cảm nhưng tâm hồn con vẫn tròn đầy cùng mong ước một ngày nào đó gia đình trọn vẹn, hạnh phúc, cười vui đi chơi với nhau. Vì thế mà nếu các bạn chọn vẽ những mẫu tranh phong cảnh thì ngoài cảnh hoàng hôn yêu thích vì màu trầm Uyên Nhi chỉ vẽ về gia đình của mình, đến nay là 3 bức. Hiểu mong ước của con được gửi gắm qua tranh làm gợn lên trong tôi nhiều suy nghĩ…”, chị Hằng bày tỏ.

Phương Uyên chụp hình cùng mẹ bên bức tranh về gia đình mà em mơ ước (ảnh phải). Ảnh: Bình Thanh.

Được cô con gái lên 8 nhảy chân sáo kéo tay tìm tranh của mình, mẹ Nguyễn Thảo Nguyên cảm thấy rất vui.

Ở triển lãm “Sắc màu”, Thảo Nguyên có hẳn 2 bức: “Biển đêm” (phong cảnh) và “Hoa quả” (tĩnh vật) được trưng bày. Với “Biển đêm” có màu sáng rạng rỡ chứ không phải màu tối u ám, Thảo Nguyên bảo đấy là con vẽ theo mẫu rồi lại chạy vù đi chơi.

Nhìn theo con gái, mẹ Thảo Nguyên bảo cô bé có dấu hiệu của bệnh tăng động nên gia đình cho con tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ Siêu nhân nhí hơn năm qua.

Nhờ được các cô kèm cặp mà Thảo Nguyên tập trung hơn, có thể ngồi trật tự vẽ tại lớp. Tuy nhiên con vẫn chưa thể tự hoàn thành sản phẩm nếu ở nhà.

“Đây là cả chặng đường thử thách lòng kiên trì đối với chúng tôi, lúc con quậy phá, lúc thời tiết khắc nghiệt – nhất là những buổi đưa đón con đi học dưới nắng nóng lên đến hơn 40 độ. Từ bản thân mình, tôi rút ra điều: Cha mẹ sẽ dễ dàng bỏ cuộc nếu thực sự không quan tâm và dành thời gian cho con cái. Khi đó, những đứa trẻ còn non nớt là người thiệt thòi hơn cả…”, mẹ Thảo Nguyên nói.

Triển lãm “Sắc màu” do Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Câu lạc bộ Mỹ thuật Siêu nhân nhí tổ chức có gần 60 bức tranh (trong đó phần nhiều của các học viên nhí và một số bức của giáo viên trong câu lạc bộ) được trưng bày.

Ở đó, dòng tranh phong cảnh chiếm đa số, tiếp đó là tranh chân dung và một vài bức dòng ấn tượng và phong cách hoặc một số còn được gắn hạt phát sáng, nơ ruy băng, sợi đay… khá cầu kỳ, bắt mắt.

Điểm trừ của triển lãm là có không ít tác phẩm được các em vẽ theo mẫu nên đôi khi còn khuôn sáo và chưa thể hiện hết được góc nhìn trong trẻo của trẻ thơ. Song ở đây cũng có một số tác phẩm có nét cọ khá gần gụi, hồn nhiên của các “họa sĩ” nhí.

Ví như, hình ảnh cầu Thê Húc trong bức tranh “Hồ Gươm” của Đặng Anh Thư, vẫn sơn đỏ nhưng có sự tạo dáng giống như chú tôm cong mình bắc nhịp. “Người bạn” của Tăng Hà Vy là chú cá heo tung mình lên cao đưa cô bé bay lên vũ trụ và hội ngộ cùng trăng sao… “Quê em” của Phạm Thanh Phúc không chỉ êm ả bởi nếp nhà, khu vườn, dòng sông, vạt núi… mà còn bừng vui khi có những đứa trẻ chơi thả diều bay cao. Con diều mang hình trái tim vươn tay tới chú chim, đám mây như thể cùng dạo chơi trên bầu trời thênh thang…

Bức tranh 'Quê em' của Phạm Thanh Phúc.

Riêng Nguyễn Minh Thanh góp bức “Em được lên vũ trụ” thể hiện ước mơ chinh phục bầu trời, trong đó có cả niềm tự hào khi được ghi tên Việt Nam lên không gian bao la ấy…

Bà Lưu Thị Hương Thủy, người đồng sáng lập và quản lý Câu lạc bộ Mỹ thuật Siêu nhân nhí bày tỏ niềm vui các tác phẩm của các học viên nhí được đến với công chúng qua triển lãm “Sắc màu”. Từ đây giúp các em phát triển năng lực tư duy, sáng tạo qua bộ môn mỹ thuật.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hòa, Trưởng phòng Trưng bày – Tuyên truyền, Bảo tàng Hà Nội, trong khuôn khổ của triển lãm “Sắc màu”, công chúng, nhất là các em nhỏ vừa được thưởng lãm tranh vừa được tham gia workshop làm và tô mặt nạ giấy theo phương pháp truyền thống. Còn các bậc phụ huynh thì tham dự tọa đàm “Ý nghĩa của việc học tập, vẽ tranh góp phần phát triển toàn diện trí tuệ của nhiếu nhi”.

“Những bức tranh đầy sắc màu của triển lãm đưa Bảo tàng Hà Nội trở thành không gian sáng tạo và là điểm đến cho công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước. Hoạt động triển lãm và vẽ tranh tạo sân chơi thú vị, ý nghĩa và bổ ích cho thiếu nhi, đặc biệt là các em nhỏ yêu thích hội họa, góp phần kích thích tư duy sáng tạo, bố cục và màu sắc, giúp trẻ phát triển thể chất và tinh thần một cách toàn diện. Từ đây góp phần đa dạng hóa các hoạt động xã hội của bảo tàng theo định hướng hoạt động của tổ chức Bảo tàng Quốc tế ICOM”, bà Hòa chia sẻ.

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lang-lai-voi-sac-mau-post655658.html