Lan tỏa văn hóa đọc trong các nhà trường

Đọc sách giúp học sinh mở rộng tri thức, hiểu biết và thói quen hữu ích, bởi vậy thời gian qua, các nhà trường đã thường xuyên khuyến khích học sinh đọc sách, qua đó lan tỏa tình yêu sách trong học trò.

Học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An đọc sách tại khu trưng bày sách Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An đọc sách tại khu trưng bày sách Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Trong một chuyến công tác đầu năm 2024, khi đến Trường THPT Chi Lăng, huyện Chi lăng, vào giờ ra chơi chúng tôi bắt gặp hình ảnh các em học sinh cùng nhau trao đổi, đọc sách ở góc thư viện xanh của nhà trường. Qua quan sát, thư viện được trang trí, sắp xếp gọn gàng, bắt mắt, thu hút nhiều học sinh tham gia đọc sách.

Trò chuyện với chúng tôi khi đến đọc sách tại đây, em Trần Thu Phương, lớp 11A1 chia sẻ: Em rất thích đọc sách vì đọc sách không chỉ giúp em mở rộng vốn kiến thức mà còn là phương pháp tuyệt vời để trau dồi vốn từ, phát triển khả năng tư duy sắc bén và rèn luyện sự kiên nhẫn, tập trung. Không chỉ tự đọc, em còn tuyên truyền tới các bạn lợi ích của đọc sách, cùng nhau thảo luận về các cuốn sách hay.

Tương tự, tại Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, trong những năm qua, trường luôn tích cực hưởng ứng việc phát triển văn hóa đọc, xây dựng phong trào đọc sách sâu rộng trong nhà trường. Việc này được thực hiện thông qua các hoạt động giới thiệu sách, qua những buổi chào cờ; tổ chức Ngày hội sách hằng năm để thu hút học sinh tham gia đọc. Em Hoàng Thị Minh Thùy, lớp 12A4 chia sẻ: Khi đọc một cuốn sách hay, em đều muốn chia sẻ với bạn bè. Do đó, trong hoạt động giới thiệu sách của nhà trường vừa qua, em đã tham gia thuyết trình, giới thiệu cuốn sách “Hà Nội 36 phố phường” của nhà văn Thạch Lam. Khi giới thiệu cuốn sách đến bạn bè, em cảm thấy mình đã góp phần tích cực lan tỏa tình yêu sách đến cộng đồng.

Để lan tỏa, thu hút học sinh đọc sách, tùy vào điều kiện, các trường học đã chủ động xây dựng mô hình “Thư viện xanh”, “Thư viện thân thiện”… đặt tại khuôn viên sân trường. Toàn tỉnh có 430 trường từ phổ thông đến chuyên nghiệp thì 100% trường đều có thư viện. Cùng đó hằng năm 100% đội ngũ giáo viên, nhân viên phụ trách thư viện đều được tham gia tập huấn, nâng cao nghiệp vụ công tác thư viện, giúp các thư viện hoạt động hiệu quả. Để thu hút học sinh đến thư viện đọc sách, các trường còn chủ động bổ sung thêm các đầu sách, tổ chức phong trào quyên góp sách...

Bên cạnh đó, để lan tỏa tình yêu sách cho học sinh, hằng năm, nhân ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, 100% trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đều tổ chức ngày hội đọc sách. Điển hình như Trường THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn, ngày 15/4 vừa qua, trường đã phối hợp với Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024, thu hút hơn 1.000 học sinh nhà trường tham gia. Cô Lê Trúc Hà, Bí thư Đoàn trường cho biết: Tại chương trình, học sinh được nghe giới thiệu về cuốn sách “Chiến binh cầu vồng” và tham gia trò chơi “Ai là mọt sách”, tìm hiểu về các cuốn sách và các tác giả nổi tiếng. Thông qua đó giúp các em cập nhật được những thông tin bổ ích về kiến thức cũng như đời sống. Ngoài ra, trong tháng 4 vừa qua, nhà trường còn tổ chức hoạt động quyên góp sách, qua đó huy động được 568 cuốn sách hay bổ sung vào thư viện trường.

Không chỉ ở các trường THPT mà các bậc học từ tiểu học, THCS, việc tự học, tự đọc cũng được hầu hết các nhà trường chú trọng. Đơn cử như tại huyện Đình Lập, trong tháng 4/2024, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện đều tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Bà Ninh Thu Giang, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Phòng đã hướng dẫn các trường tùy vào điều kiện của nhà trường tổ chức hoạt động “Ngày hội sách”. Qua đó các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện đều hưởng ứng, thực hiện nhiều hoạt động như: tuyên truyền giới thiệu sách, kể chuyện theo sách, trưng bày tranh, quyên góp ủng hộ sách cho thư viện trường… từ đó phát triển phong trào đọc sách và hình thành văn hóa đọc tại các trường.

Cùng với đó, nhằm từng bước hình thành thói quen đọc sách trong học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị, trường học tùy điều kiện thực hiện các hoạt động như: giới thiệu sách trong tiết chào cờ đầu tuần, tiết sinh hoạt lớp, tiết đọc thư viện, chọn sách hay, phù hợp với từng độ tuổi học sinh, giáo viên làm gương nhằm từng bước hình thành và duy trì thói quen, đam mê đọc sách trong học sinh. Đồng thời, tổ chức một số hoạt động, hội thi liên quan đến đọc sách như: thiếu nhi tuyên truyền, giới thiệu, kể chuyện sách; đại sứ văn hóa đọc. Ngoài ra, để tạo điều kiện tiếp cận sách cho học sinh, Sở Giáo dục và Ðào tạo đã chỉ đạo các phòng giáo dục chủ động phối hợp với Thư viện tỉnh thực hiện thí điểm luân chuyển giữa thư viện công cộng và thư viện nhà trường, phối hợp làm thẻ bạn đọc cho học sinh; tổ chức các chuyến xe thư viện lưu động để tạo điều kiện cho học sinh được tiếp cận với sách nhiều hơn.

Qua các hoạt động này, học sinh biết và được tiếp cận với sách nhiều hơn trong môi trường học đường, từ đó lan tỏa văn hóa đọc trong trường học. Ghi nhận tại các thư viện trường học, trung bình trong năm học mỗi thư viện có trên 1.000 lượt học sinh đến mượn sách về đọc.

THẢO NGUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/lan-toa-van-hoa-doc-trong-cac-nha-truong-5008395.html