Lan tỏa tình yêu di sản qua hội họa

Cố gắng sáng tạo bằng nhiều hình thức để đưa mọi người đến gần với di sản, Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã tổ chức thành công cuộc thi vẽ tranh 'Di sản văn hóa Việt Nam' qua hội họa lần thứ nhất. Đáng chú ý, cuộc thi được thực hiện hoàn toàn từ nguồn kinh phí xã hội hóa, cho thấy tình yêu và trách nhiệm bảo vệ di sản đang ngày càng lan tỏa.

Cuộc thi đã thu hút 839 tác phẩm của gần 500 tác giả gửi đến tham dự. Các tác phẩm đã phản ánh những nét hay, nét đẹp, nét độc đáo trong kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng của đất nước. Bức tranh "Lễ hội Kh'mer ở Cà Mau" được tác giả Lại Lâm Tùng chuẩn bị tư liệu, ghi chép trong thời gian dài và được vẽ trong vòng 8 tháng. Những nét đặc trưng trong văn hóa Khmer được thể hiện vô cùng chi tiết.

Bức tranh "Lễ hội Kh'mer ở Cà Mau".

Bắt nguồn từ cảm xúc về ấn vàng Hoàng đế chi bảo, tác giả Nguyễn Tiến Việt đã thể hiện những dấu ấn của vương triều Nguyễn. Gam màu với hòa sắc nhẹ nhàng, tươi sáng, những đường nét kiến trúc cung đình gợi về một kinh thành Huế rất trữ tình.

Được thực hiện hoàn toàn từ nguồn kinh phí xã hội hóa, cuộc thi là sân chơi rộng rãi, bổ ích, bình đẳng dành cho những người yêu di sản văn hóa, yêu hội họa trong cả nước, khuyến khích các họa sĩ trẻ, sinh viên các trường mỹ thuật, trường văn hóa nghệ thuật trong nước và cả sinh viên, học sinh Việt Nam ở nước ngoài tham dự.

Thành công của cuộc thi không chỉ ở những con số, mà quan trọng hơn, còn là sự lan tỏa tình yêu, sự tự hào của thế hệ trẻ về di sản văn hóa của đất nước. 100 tác phẩm tiêu biểu của cuộc thi đang được trưng bày tại tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/lan-toa-tinh-yeu-di-san-qua-hoi-hoa-214847.htm