Lan tỏa phong trào sống xanh nơi tôi sinh sống

Cứ mỗi chiều chủ nhật đầu tháng và cuối tháng, tại tòa nhà CT03, thuộc khu đô thị Gelexia Riverside nơi tôi sinh sống ở số 885 đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai, Hà Nội đều tấp nập, nhộn nhịp. Mọi người cùng nhau mang rác, nhựa, thủy tinh tới nơi tập kết để đổi rác lấy cây, chung tay vì một cuộc sống xanh, bảo vệ và giữ gìn môi trường.

Nhóm thu gom, phân loại rác và tiến hành tái chế tại khu đô thị nơi tôi sinh sống (Ảnh: Vương Lộc).

Nhóm thu gom, phân loại rác và tiến hành tái chế tại khu đô thị nơi tôi sinh sống (Ảnh: Vương Lộc).

Những “Chủ nhật xanh”

Dự án sống xanh, đổi rác lấy cây được Ban Quản lý tòa nhà CT03, khu đô thị Gelexia Riverside phát động và hợp tác cùng một nhóm bạn trẻ tại Thủ đô Hà Nội để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan bằng cây xanh và vận động người dân trong khu dân cư tăng cường xử lý rác, tái chế rác thải, làm cho cuộc sống xanh hơn. Hưởng ứng phong trào này, người dân nơi đây thường xuyên gom rác hàng tuần để đợi tới ngày “Chủ nhật xanh” mang rác đến đổi cây xanh.

Một ngày chỉ với việc ăn uống ta cũng có thể thải ra rất nhiều nhựa, gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Ví dụ như đi chợ nhận túi nilon, đặt đồ ăn về thải ra hộp xốp cùng thìa nhựa, hay uống cốc trà sữa là ít nhất một cốc kèm ống hút nhựa… Chúng ta có thể hạn chế dùng nhựa 1 lần để nâng cao sức khỏe chỉ với hành động giản đơn là thay thế chúng bằng các sản phẩm tái chế mà nhóm thực hiện như dùng làn cỏ bàng đi chợ thay túi nilon, đựng được 5 - 10kg tùy cỡ. Các gia đình có thể sử dụng các loại thìa gỗ tre, gỗ nhãn, gỗ mun vừa đẹp vừa giúp ăn đồ lạnh ngon thay vì dùng các loại thìa nhựa như hiện nay. Nhóm cũng có tái chế và làm ra ống hút tre, thủy tinh, inox có cọ rửa ống hút làm sạch. Bàn chải tre dùng 1 lần thay thế cho bàn chải đánh răng bằng nhựa tiện lợi.

Sau hơn 4 năm hoạt động, nhóm sống xanh ở khu đô thị nơi tôi sinh sống đã thu được 600 tấn rác, dù rất nhỏ so với lượng rác thải ra trong một ngày ở nội đô. Dự án sống xanh, đổi rác lấy cây của Ban Quản lý tòa nhà cùng nhóm mở rộng là vô cùng thiết thực, làm cho môi trường sống ngày càng trong lành hơn, giảm bớt rác thải.

Sử dụng nhiều hơn các sản phẩm tái chế

Hiện nay, gần 90% rác thải không được phân loại, 65% rác thải có thể tái chế nhưng phần lớn được xử lý theo cách chôn lấp, một số nhỏ hơn xử lý theo cách đốt gây ô nhiễm không khí, một số bị vứt bừa bãi gây tắc cống, theo hồ sông ra biển. Và chỉ 10% trong số chúng thật sự được tái chế. Trước những con số báo động như vậy, mỗi mảnh ghép của môi trường xanh là chính chúng ta, chỉ cần bắt đầu từ những việc nhỏ bé như "từ chối 1 túi nilon", những điều tích cực sẽ đến và đời sống sẽ có thêm thật nhiều màu xanh.

Đổi rác lấy cây như là một hoạt động môi trường tích cực ở khu đô thị của tôi (Ảnh: Vương Lộc).

Đổi rác lấy cây như là một hoạt động môi trường tích cực ở khu đô thị của tôi (Ảnh: Vương Lộc).

Thông điệp của Nhóm sống xanh tại khu đô thị là mong mọi người quan tâm và tin dùng sản phẩm tái chế, sản phẩm thay thế nhựa, nước giặt rửa sinh học, hữu cơ thay thế chất tẩy rửa hóa học, hóa chất.

Mặc dù thủy tinh là vật liệu được sử dụng nhiều lần, tuy nhiên cũng có không ít các chai thủy tinh được sử dụng chỉ 1 lần. Thủy tinh phân hủy rất khó, phải mất đến 1 triệu năm mới phân hủy được nên cách tốt nhất cho môi trường là hãy tái chế chúng. Vậy nên thay vì để chung thủy tinh vào rác thải sinh hoạt hàng ngày, nhờ Nhóm sống xanh tư vấn, người dân đã thực hiện phân loại thủy tinh và gửi chúng đến địa điểm tái chế của thành phố. Chỉ cần một hành động nhỏ như vậy thôi đã góp một phần vào công cuộc sống xanh.

Nhóm còn có sản phẩm giấy vệ sinh làm từ 100% giấy tái chế, được làm từ giấy bìa, vỏ hộp sữa. Sản phẩm không dùng chất tẩy trắng nên an toàn cho người sử dụng, dễ tan trong nước nên không lo tắc cống, và rất dai nên dùng rất tiết kiệm. Các dụng cụ nhà bếp bằng gỗ đang dần thay thế cho các sản phẩm bằng nhựa. Đây là một xu hướng tất yếu hiện nay của cuộc sống. Bởi lẽ các sản phẩm bằng nhựa thường không an toàn, có thể chứa nhiều chất độc hại ngấm vào thức ăn khi tiếp xúc với nhiệt độ cao và dung dịch có tính acid. Trong khi đó, các thìa tre, gỗ rất xinh xắn, sang trọng và dẫn nhiệt chậm, an toàn sẽ không bị nóng hoặc khó chịu khi dùng ăn đồ nóng hoặc để lâu trên chảo. Đồng thời các thìa tre gỗ vừa có thời gian sử dụng bền lâu, lại giúp giữ gìn các dụng cụ nấu ăn thêm bền khác như chảo chống dính.

Toàn bộ rác từ đồ nhựa đến thủy tinh được nhóm phân loại và xử lý, sau đó là tái chế (Ảnh: Vương Lộc).

Toàn bộ rác từ đồ nhựa đến thủy tinh được nhóm phân loại và xử lý, sau đó là tái chế (Ảnh: Vương Lộc).

Khu đô thị xanh nhờ lối sống xanh

Mong rằng việc thu gom rác, đổi rác lấy cây, tăng cường việc sử dụng các sản phẩm tái chế từ nhựa, thủy tinh, nylon ở khu đô thị nơi tôi sinh sống sẽ góp phần vào việc giữ gìn môi trường nói chung. Hy vọng lối sống xanh này không chỉ dừng lại, bó hẹp trong phạm vi khu đô thị nơi tôi đang sống mà còn lan tỏa, phổ biến rộng khắp hơn nữa ở nhiều khu đô thị khác, vùng khác và toàn thành phố nói chung.

Có một sự thật là trước khi túi nylon ra đời, chúng ta đều sử dụng túi giấy và Sten Gustaf Thulin - kỹ sư người Thụy Điển chính là cha đẻ của sản phẩm túi nilon mà hiện nay cả thế giới đang sử dụng. Việc phát minh ra túi nylon của ông bắt nguồn từ mong muốn con người có thể tái sử dụng túi nylon nhiều lần hơn để hạn chế gây ô nhiễm môi trường vì việc dùng túi giấy khiến rừng bị chặt phá. Bên cạnh đó, túi nilon lại chắc chắn hơn và có thể dùng được nhiều lần. Bản thân ông cũng không thể ngờ được rằng, chính vì túi nilon quá rẻ và tiện lợi nên nhiều người thường chỉ dùng 1 lần và không muốn tái sử dụng chúng. Điều trớ trêu hơn nữa là hiện nay nhiều người lựa chọn túi vải và túi giấy để thay thế cho túi nilon với mong muốn bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, quá trình sản xuất túi giấy phải tiêu hao một lượng nước và năng lượng rất lớn, bên cạnh đó chi phí vận chuyển và sản xuất cũng rất cao. Còn đối với túi vải trong quá trình sản xuất cũng tiêu tốn nhiều nước và tài nguyên.

Niềm vui là có nhiều trẻ em tham gia, như một cách để giáo dục con trẻ về lối sống xanh trong các khu đô thị (Ảnh: Vương Lộc).

Niềm vui là có nhiều trẻ em tham gia, như một cách để giáo dục con trẻ về lối sống xanh trong các khu đô thị (Ảnh: Vương Lộc).

Vì thế, một trong các cách để giảm bớt gánh nặng cho môi trường sống chính là hãy tái sử dụng dài lâu nhất có thể để kéo dài vòng đời của sản phẩm. Dù là túi nylon (nếu tái sử dụng túi nylon là khó thì mình có thể hạn chế dùng túi nylon), túi vải hay túi giấy, vì xét cho cùng những sản phẩm này đều không thực sự tốt cho môi trường nếu chỉ dùng 1 lần. Tuy rằng làm vậy có thể hơi mất thời gian, hơi bất tiện nhưng lại mang đến một môi trường xanh sạch cho chính chúng ta và thế hệ mai sau.

Ngoài ra, để chung tay giúp hồi sinh vỏ hộp giấy trở thành những sản phẩm hữu ích mới, nhiều công ty đã đồng hành cùng nhóm sống xanh của khu dân cư trong liên minh thu gom và tái chế vỏ hộp đồ uống giấy.

Mong rằng chúng ta đều luôn ý thức được việc giữ gìn môi trường, yêu thích cuộc sống xanh, không khí trong lành như lời bài thơ “Hãy bảo tồn thiên nhiên”: “Hãy làm gì tốt nhất/ Để giữ lại màu xanh/ Cho thiên nhiên trong lành/ Để trẻ em ca hát”.

Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.

Vương Lộc

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/lan-toa-phong-trao-song-xanh-noi-toi-sinh-song-359496.html