Lan tỏa mạnh mẽ phong trào nghiên cứu khoa học

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học cấp tỉnh, năm học 2023-2024, được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức đã thành công tốt đẹp, khẳng định tính hiệu quả từ chỉ đạo của ngành cùng phong trào đam mê nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo của thầy và trò các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Nhiều dự án đã ứng dụng kiến thức được học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống, tạo sự lan tỏa phong trào thi đua nghiên cứu khoa học trong tuổi trẻ học đường.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT trao giải cho các dự án đạt giải Nhất Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh.

Tăng cường cọ sát thực tế

Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) của học sinh đã đi sát nhu cầu thực tế, có triển vọng và ứng dụng vào đời sống, điều này cho thấy năng lực NCKH của các nhà trường đã được nâng lên đáng kể. Hoạt động NCKH cũng giúp học sinh nâng cao năng lực trong quá trình học tập, cọ sát thực tế, trau dồi nhiều kỹ năng mềm.

Em Hoàng Đức Trọng, học sinh lớp 11A4, Trường THPT Kỹ thuật Việt Trì chia sẻ: “Khi tham gia NCKH, em được tiếp cận với những vấn đề cụ thể, từ đó nâng cao ý thức đào sâu suy nghĩ và phong cách tư duy để tự nghiên cứu, giải quyết đề tài. Trong quá trình thực hiện đề tài, em và các bạn đã đưa ra nhiều hướng giải quyết khác nhau”.

Em Nguyễn Gia Linh, học sinh lớp 11A1 chất lượng cao cùng nhóm nghiên cứu với Hoàng Đức Trọng và cùng đạt giải Nhất dự án “Phân lập vi khuẩn Vibrio alginnolyticus gây bệnh trên cá” tại Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh, năm học 2023-2024, cho rằng: “NCKH giúp em có thêm kiến thức sâu rộng, biết dùng kiến thức được học để áp dụng vào thực tế. Em luôn nhận được sự động viên, giúp đỡ từ phía giáo viên hướng dẫn”. Hoạt động NCKH cũng rèn giũa cho học sinh kỹ năng diễn đạt, trình bày một vấn đề, các kỹ năng thuyết trình, tập cho học sinh phong thái tự tin. Đây cũng là trải nghiệm thú vị mà không phải bất kỳ học sinh nào cũng có được.

NCKH trong trường học không chỉ giúp học sinh học tập tốt hơn mà còn gắn việc học với thực hành, trải nghiệm thực tế. Đây chính là nền tảng để các em tiếp tục phát triển tư duy độc lập, sáng tạo, khả năng làm việc nhóm, từ đó hoàn thiện về phẩm chất, năng lực NCKH sau này. Dự án “Hệ thống lan can cầu thang thoát hiểm” của thầy và trò Trường TH&THCS Nga Hoàng, huyện Yên Lập đã ghi dấu ấn mạnh mẽ với việc đoạt giải Nhất. Dự án do nhóm học sinh Đinh Hữu Đăng, Trịnh Thị Thanh Mai, lớp 8 thực hiện cùng sự hướng dẫn chu đáo của thầy giáo Dương Văn Nghị.

Thầy Nghị chia sẻ: Thiết kế của hệ thống lan can cầu thang thoát hiểm là hình thức thay thế lan can bằng sắt của các nhà chung cư cao tầng, trong đó kết hợp chuyển đổi thành hệ thống thoát hiểm khi hỏa hoạn xảy ra. Như vậy, về hình thức hệ thống lan can cầu thang thoát hiểm này sẽ như lan can của các nhà chung cư bình thường, ngoài ra còn đảm bảo về mặt thẩm mỹ, an toàn khi sử dụng trong cuộc sống hằng ngày và đặc biệt là an toàn khi xảy ra hỏa hoạn. Trong suốt quá trình nghiên cứu, các em được rèn luyện thêm về khả năng làm việc nhóm, về sự tỉ mỉ, cẩn trọng của người làm khoa học, tình cảm thầy, trò càng thêm gắn kết.

Học sinh giới thiệu Dự án “Phân lập vi khuẩn Vibrio alginnolyticus gây bệnh trên cá” - Dự án đạt giải Nhất tại Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh, năm học 2023-2024.

Mang tính ứng dụng cao

Theo thống kê của Ban tổ chức, tham gia Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học năm nay có 173 dự án của 13 Phòng GD&ĐT, 37 trường THPT với năm nhóm lĩnh vực chính là Khoa học xã hội và hành vi, Hóa-Sinh, cơ khí, phần mềm hệ thống và lĩnh vực hệ thống nhúng (trong đó cấp THCS có 116 dự án, cấp THPT có 57 dự án).

Trong cuộc thi năm nay, đa số các dự án dự thi thể hiện được ý tưởng khoa học mới và khá phù hợp. Các tác giả có kỹ năng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khá hoàn chỉnh; nhiều dự án mang tính thực tiễn, có tính khả thi cao, thể hiện sự đam mê trong NCKH, ứng dụng kiến thức được học vào thực tiễn, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh THCS, THPT trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đánh giá, phần lớn các dự án đã đặt ra câu hỏi nghiên cứu, vấn đề nghiên cứu và có nội dung, phương pháp nghiên cứu, thực hiện tiến trình nghiên cứu phù hợp với học sinh trung học. Hầu hết các em đã trình bày báo cáo khoa học theo đúng yêu cầu của một công trình khoa học. Nhiều đề tài khoa học và phần trình bày của học sinh đã chú ý tới việc vận dụng thành thạo kiến thức học được trên lớp, kiến thức thực tiễn trong cuộc sống áp dụng vào NCKH.

Đáng chú ý là một số dự án đạt giải cao tại Cuộc thi như: Biện pháp tăng cường ý thức pháp luật cho học sinh THCS khi sử dụng mạng xã hội của học sinh Hà Phương, lớp 8D và Kim Gia Bảo, lớp 9D, Trường THCS Hùng Vương, thị xã Phú Thọ; dự án thiết kế các hoạt động nhằm phát triển năng lực định hướng cho học sinh THPT trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 của học sinh Bùi Thanh Mai, lớp 12G và Hạ Chí Thành là bạn học cùng lớp, Trường THPT Hùng Vương, thị xã Phú Thọ; dự án của học sinh Nguyễn Thị Ánh Tuyết, lớp 9A và Trần Anh Thư, lớp 8B, Trường THCS Tiên Du, huyện Phù Ninh về rèn kỹ năng làm chủ bản thân trong giao tiếp của học sinh THCS; dự án nghiên cứu chiết xuất hoạt chất từ vỏ quả bưởi và lá chè xanh ứng dụng làm sản phẩm dược liệu dành cho người tóc rụng, hói đầu của học sinh Trần Thùy Dương, Nghiêm Mạnh Hiếu, học sinh lớp 11, Trường THPT Chuyên Hùng Vương...

Ban Tổ chức đã trao giải cho 156/173 dự án (chiếm 90,0%), trong đó có 19 dự án đạt giải Nhất, 37 dự án đạt giải Nhì, 44 dự án đạt giải Ba, 56 dự án đạt giải Tư. Ban Giám khảo cũng đã đề xuất 10 dự án có triển vọng để Ban Tổ chức tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn hai dự án tham dự Cuộc thi KHKT cấp Quốc gia sẽ được tổ chức tại tỉnh Bắc Giang vào tháng 3/2024.

Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: Cuộc thi nhằm khuyến khích học sinh trung học NCKH, vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống; tạo cơ hội để các em giới thiệu kết quả NCKH, tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế; gắn hoạt động NCKH của học sinh với đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đánh giá kết quả học tập của học sinh, góp phần phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, giúp giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học. Đồng thời, chuẩn bị cho học sinh trung học tác phong khoa học, năng lực nghề nghiệp, tiềm năng khởi nghiệp sau khi học xong các trường trung học, góp phần thực hiện giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; thực hiện giáo dục tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong giáo dục trung học theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Để cuộc thi lan tỏa mạnh mẽ trong học sinh, thời gian tới, các cơ sở giáo dục tiếp tục đồng hành cùng các em trong tư vấn, hỗ trợ, chỉ đạo, khích lệ học sinh hăng say nghiên cứu khoa học và hoàn thiện hơn dự án của mình cũng như phát hiện, định hướng để các em có nhiều đề tài ý nghĩa, thiết thực trong cuộc sống.

Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/giao-duc/lan-toa-manh-me-phong-trao-nghien-cuu-khoa-hoc/204932.htm