Lan tỏa giá trị tích cực từ 'bữa tiệc' văn hóa đa sắc màu

Diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 22 đến 26/11), Tuần 'Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam' tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã đem tới cho khán giả 'bữa tiệc' văn hóa đa sắc màu. Không chỉ quảng bá văn hóa của các dân tộc, Tuần 'Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam' còn có ý nghĩa tôn vinh, kết nối và vun đắp tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc - di sản quý giá của đất nước ta.

Đồng bào Cơ Tu (thành phố Đà Nẵng) tái hiện Lễ ăn trâu mừng lúa mới. Ảnh: Tào Đạt

Đồng bào Cơ Tu (thành phố Đà Nẵng) tái hiện Lễ ăn trâu mừng lúa mới. Ảnh: Tào Đạt

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: “Văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam nói chung, của các dân tộc thiểu số nói riêng là di sản quý báu, đó không chỉ là tài sản của riêng một vùng đất, con người hay địa phương, mà còn là tài sản vô giá của quốc gia, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam”.

Với sự lan tỏa mạnh mẽ, Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" đã truyền đi tình yêu, sự trân quý những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc ta và nhân lên tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc. Ý nghĩa hơn cả là những thông điệp mà sự kiện này mang lại, đó là đồng bào các dân tộc tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết để nhân lên khát vọng cháy bỏng, đoàn kết để nỗ lực cao nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, các giá trị văn hóa truyền thống từ bao đời nay đã và đang được Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị cùng các dân tộc chung tay bảo tồn, củng cố và phát triển. Đó là những giá trị tiến bộ, nhân văn được kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần hướng tới một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển hài hòa trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước.

Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” là sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nhằm tôn vinh tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong nền văn hóa thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc. Đây cũng là dịp để các thế hệ kế thừa và thực hành các loại hình văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam; nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu bền vững của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đề ra.

Với phương châm “Để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình”, Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2023 mang lại những trải nghiệm quý báu và nhiều cảm xúc cho nhân dân và du khách khi được sống trong không gian văn hóa, các lễ hội độc đáo của các dân tộc, các tiết mục dân ca, dân vũ đặc sắc, trình diễn trang phục dân tộc, thi đấu các môn thể thao dân tộc. Trong đó có các sự kiện lần đầu được tổ chức như: Ngày hội trình diễn cây nêu, trình diễn trích đoạn nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc tại địa phương gắn với cây nêu, Lễ hội Pồn Pông (Lễ hội thưởng hoa) của dân tộc Mường Thanh Hóa, Triển lãm ảnh “Sắc màu các dân tộc Việt Nam”... khiến cho không ít chủ nhân văn hóa, khán giả tò mò, thích thú. Đây cũng là cơ hội để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững và thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tham dự Ngày hội trình diễn cây nêu, ông Lò Văn Vương, dân tộc Thái, người có uy tín, thầy cúng đến từ xã Chung Đồng, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu phấn khởi cho biết: “Tôi rất vui vì được giới thiệu văn hóa của dân tộc mình tới bạn bè và người dân cả nước. Trong những năm qua, tôi và bà con trong bản đã luôn gìn giữ văn hóa của mình, trong đó có tục dựng cây nêu liên quan đến nghi thức Lễ hội Kin pang Then (tiếng Thái có nghĩa là Then xuống trần chơi hội cây nêu). Tôi cảm ơn Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc”.

Các vận động viên thi đấu các môn thể thao dân tộc. Ảnh: Nguyên Lê

Các vận động viên thi đấu các môn thể thao dân tộc. Ảnh: Nguyên Lê

Cùng với các nghệ nhân Cơ Tu tham dự Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam”, nhà nghiên cứu văn hóa Cơ Tu Đỗ Thanh Tân chia sẻ niềm vui vì có cơ hội giới thiệu văn hóa của người Cơ Tu sinh sống ở thành phố Đà Nẵng tới người dân thủ đô. Ông Tân cho biết: “Cây nêu có trong tín ngưỡng, đời sống văn hóa tinh thần của nhiều dân tộc ở Việt Nam. Đối với đồng bào Cơ Tu, cây nêu là một tác phẩm nghệ thuật về điêu khắc dân gian và mang nhiều ý nghĩa biểu đạt về văn hóa, trong đó, trục nêu gọi là cột x’nur, giống như cột thông thiên, nối trời và đất. Cây nêu không thể thiếu trong các nghi lễ hiến tế, cúng dâng lễ đối với Giàng và ông bà đã mất”.

Theo miêu tả của ông Tân, cây nêu là những cây tre hoặc cây thân gỗ được trang trí rất cầu kỳ, đặt tại nơi hành lễ. Hai cánh của cây nêu tượng trưng cho hai cánh tay của người phụ nữ trong điệu múa tung tung da dá. Trên thân cây nêu, người ta chạm những cái cối nằm đối xứng với nhau biểu đạt ý nghĩa dân làng có sẵn những cái cối để mà giã lúa, giã gạo. Ngoài ra, còn nhiều thứ dùng để trang trí cho cây nêu là các chùm tua rua như hoa và bông lúa, biểu trưng cho sự sinh sôi, no đủ và phát triển.

Ông Tân cho biết thêm, hiện, thành phố Đà Nẵng đang triển khai nhiều chương trình bảo tồn văn hóa Cơ Tu. Đồng thời, Cộng đồng người Cơ Tu cũng nỗ lực cùng chính quyền địa phương bảo tồn, giữ gìn văn hóa của mình và tăng cường giao lưu, học hỏi các dân tộc khác làm giàu bản sắc văn hóa của mình để dựa vào đó, phát triển du lịch cộng đồng.

Xuân Hương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lan-toa-gia-tri-tich-cuc-tu-bua-tiec-van-hoa-da-sac-mau-post469468.html