Lan tỏa giá trị nhân văn

Thời gian qua, các tổ chức hội phụ nữ trên địa bàn thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình mang ý nghĩa nhân văn rất lớn với điểm chung là biến phế liệu thành những món quà ý nghĩa dành tặng những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Những cái tên như "Điểm nhân ái", "Thùng rác thân thiện - Thùng rác từ thiện"... đã trở thành "người bạn đồng hành" hết sức ý nghĩa, thiết thực, nhân văn với các hội viên phụ nữ.

Mô hình Điểm nhân ái của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mê Linh.

Hai năm nay, mô hình "Điểm nhân ái" đã được coi là điểm sáng trong hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mê Linh. Chẳng ai ngờ từ việc triển khai thí điểm tại xã Thạch Đà vào năm 2021, đến nay mô hình đã được nhân rộng tại nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện và gây được tiếng vang trong cộng đồng. Chỉ riêng trong năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mê Linh đã phát động 8 buổi ra quân tổng vệ sinh môi trường, thu gom bao bì, vỏ chai, phế liệu để bán rồi gửi vào quỹ "Điểm nhân ái" với số tiền gần 900 triệu đồng. Từ số tiền này, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ, qua đó giúp họ vươn lên, vững tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Chị Bùi Ánh Dương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mê Linh khẳng định, "Điểm nhân ái" là mô hình mang "ý nghĩa kép" khi vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa lan tỏa tinh thần nhân ái, đoàn kết, gắn bó, sẻ chia trong cộng đồng. "Các hoạt động của mô hình "Điểm nhân ái" như một vòng tròn khép kín và mục tiêu cuối cùng là hướng đến sức khỏe, sự bình yên, hạnh phúc của người dân. Số tiền hỗ trợ tuy chưa nhiều nhưng đã giúp những người được nhận thêm ấm lòng, là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần để họ tiếp tục cố gắng làm việc, chăm lo cho gia đình, động viên con cái học hành tấn tới. Như trường hợp chị Nguyễn Thị Mùi (Khu 1, thôn Văn Lôi, xã Tam Đồng) làm công nhân với tiền lương ít ỏi, chồng thì mất đã lâu, trong khi 4 người con đang tuổi ăn, tuổi học. Gia đình này đã được chúng tôi hỗ trợ nuôi 1 người con với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng. Hoặc, cùng với số tiền trích ra từ "Điểm nhân ái", chúng tôi đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể trên địa bàn vận động nguồn xã hội hóa để tặng xe đạp cho các em học sinh vượt khó học giỏi, tặng quà cho trẻ em mồ côi, học sinh nghèo..." - chị Ánh Dương chia sẻ.

Mô hình Điểm nhân ái của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mê Linh.

Cũng mang ý nghĩa tương tự như mô hình "Điểm nhân ái", Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Đông đã triển khai mô hình "Thùng rác thân thiện - Thùng rác từ thiện" rộng khắp trong các chi hội. Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Đông Lại Hà Phương thì đây là một trong những mô hình trọng điểm của Hội Liên hiệp Phụ nữ quận được triển khai rộng khắp xuống đến tổ dân phố, khu dân cư. "Sau nhiều năm triển khai hoạt động, số tiền hỗ trợ được trích từ mô hình này đã rõ ý nghĩa thiết thực với cộng đồng. Ngoài hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trong đợt dịch Covid-19, chúng tôi còn đóng góp vào Quỹ vắc xin phòng Covid-19 của quận. Hà Đông là địa bàn rộng, có nhiều làng nghề, lại giáp ranh với khu vực nông thôn nên có thể nói phế liệu rất đa dạng, nếu không được thu gom, xử lý thì sẽ gây hại cho môi trường. Từ khi phát động mô hình "Thùng rác thân thiện - Thùng rác từ thiện", chị em đã tích cực tham gia, trong đó có những hội viên đã ở tuổi 90, như bà Nguyễn Thị Thịnh ở phường Phúc La vẫn ngày ngày góp nhặt phế liệu, bán để góp quỹ. Còn điều gì ý nghĩa hơn khi mà hoạt động này vừa giúp môi trường sống của chúng ta xanh - sạch - đẹp vừa tạo kinh phí cho các hoạt động nhân ái" - chị Hà Phương bày tỏ.

Trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Xuân đã vận động thực hiện mô hình "Phụ nữ Thanh Xuân thu gom rác thải nhựa, phế liệu, làm sạch môi trường - góp 5.000 phần quà hỗ trợ phụ nữ, trẻ em khuyết tật, mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn". Theo chị Trịnh Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Xuân, ngoài hỗ trợ, giúp đỡ những hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, số tiền trích từ nguồn quỹ thu gom phế liệu còn được sử dụng để tặng quà cho phụ nữ và trẻ em bị bệnh nặng có hoàn cảnh khó khăn đang được điều trị tại Bệnh viện K Tân Triều trong dịp Tết Nguyên đán. "Như vậy, mô hình có sức lan tỏa rộng, mang thông điệp nhân ái, nghĩa tình đến những mảnh đời khó khăn ngoài địa bàn quận, đến những nơi cần sẻ chia như Bệnh viện K Tân Triều" - chị Hồng Thủy nhận xét.

Nghĩ ra được mô hình ý nghĩa đã khó, nhưng để duy trì nó còn khó khăn hơn. Chia sẻ kinh nghiệm để duy trì sự bền vững của mô hình "Điểm nhân ái" trên địa bàn huyện Mê Linh, chị Bùi Ánh Dương cho biết: "Sở dĩ mô hình tồn tại, phát triển và có tiếng vang trong xã hội là do nó rất phù hợp với thực tế địa phương, đơn giản là mọi người đều có thể dễ dàng thực hiện, dễ dàng trao đi yêu thương. Từ những hoạt động này, chúng tôi đã lồng ghép việc thực hành chủ trương tiết kiệm của Đảng, Nhà nước với các hoạt động xã hội, từ thiện, giúp đỡ, tạo sợi dây gắn bó mật thiết giữa các hội viên phụ nữ" - chị Ánh Dương nói.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Đông Lại Hà Phương cho rằng, mô hình "Thùng rác thân thiện - Thùng rác từ thiện" cũng như các mô hình tương tự là sự cụ thể hóa Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17-3-2021, của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025". "Những nghĩa cử cao đẹp, nhân văn vì cộng đồng chính là một biểu hiện cụ thể, sinh động trong việc xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, sống nhân ái, nghĩa tình" - chị Hà Phương chia sẻ.

Ghi nhận và đánh giá cao mô hình "Thùng rác thân thiện - Thùng rác từ thiện" trên địa bàn phường cũng như các mô hình có ý nghĩa tương tự trên địa bàn thành phố, anh Lê Trung Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Phú La (quận Hà Đông) khẳng định, những việc nhỏ của chị em phụ nữ đã làm nên những điều lớn lao, thắp lên niềm hy vọng cho những mảnh đời còn khó khăn để họ tiếp tục nỗ lực, cố gắng nhiều hơn. "Đó là những mô hình mang tính tiên phong, mở đường để toàn xã hội vào cuộc, cùng hành động vì một xã hội tốt đẹp hơn, nơi mà "không có ai bị bỏ lại phía sau" - anh Lê Trung Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo anh Lê Trung Dũng, điều quan trọng là những mô hình nói trên mang ý nghĩa giáo dục đối với con trẻ, để thế hệ trẻ biết tiết kiệm, biết yêu thương, giúp đỡ người khác. Theo anh, "việc các bà, mẹ, cô giáo, các chị... cùng tham gia mô hình ý nghĩa này có tác động rất lớn đến suy nghĩ, tư tưởng, hành động của các em nhỏ. Đó chính là bài học về đạo làm người mà có lẽ trong khuôn khổ một bài giảng không thể nói hết, không thể truyền tải hết được".

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/lan-toa-gia-tri-nhan-van-638634.html