Làn sóng Hanfu tô điểm những lễ hội năm mới tại Trung Quốc

Đối với nhiều người Trung Quốc, trang phục truyền thống Hanfu đang bổ sung thêm yếu tố du hành thời gian và sắc màu rực rõ cho các ngày lễ hội chào đón năm mới 2024.

Ngược về quá khứ ở Tô Châu

Khách du lịch đi tàu điện ngầm ở Tô Châu, Trung Quốc trong tuần này có thể sẽ có cảm giác như họ đang du hành ngược thời gian về vài thế kỷ trước.

Nổi tiếng với nghề sản xuất tơ lụa và các khu vườn truyền thống, thành phố hơn 10 triệu dân này đang cung cấp một tuần đi tàu điện ngầm miễn phí trong dịp Tết Nguyên đán cho những hành khách mặc Hanfu (Hán phục) - một kiểu trang phục truyền thống của dân tộc Hán trước triều đại nhà Thanh (1644-1912).

Ưu đãi của Đường sắt Tô Châu không phải ngẫu nhiên. Mặc trang phục truyền thống khi tham quan các điểm tham quan địa phương đã trở thành một cách phổ biến để thể hiện tinh thần nghỉ lễ của một người ở Trung Quốc trong những năm gần đây, đặc biệt là trong giới trẻ, những người luôn hào hào hứng chia sẻ hình ảnh mặc Hanfu trên mạng xã hội.

Khách du lịch mặc Hanfu chụp ảnh dưới tuyết ở Phố cổ Xinshi, thành phố Hồ Châu, Trung Quốc - Ảnh: CNN

Vậy chính xác những gì đủ tiêu chuẩn là Hanfu? Có nhiều kiểu quần áo khác nhau được lấy cảm hứng từ nhiều triều đại Trung Quốc có thể thuộc thuật ngữ này, nhưng nhìn chung hầu hết bao gồm một chiếc áo choàng dài có cổ chéo.

Năm 2019, CNN Style từng đưa tin về sự trở lại của thời trang truyền thống Trung Quốc, lưu ý rằng tổng giá trị thị trường của ngành công nghiệp Hanfu vào thời điểm đó ước tính trị giá 1,09 tỷ nhân dân tệ.

Dù mức độ phổ biến đã giảm trong thời kỳ đại dịch, nhưng sự quan tâm đến Hanfu đã tăng trở lại mạnh mẽ khi Trung Quốc vượt qua dịch bệnh và đặc biệt trở nên sôi động trong thời gian gần đây.

Vào tháng 1, trước thềm Lễ hội mùa xuân/Tết Nguyên đán 2024, số lượt tìm kiếm trang phục Hanfu hiện đại và vải thổ cẩm nhà Tống trên trang web mua sắm nổi tiếng Taobao được ghi nhận đã tăng lần lượt 683% và 2.058%.

Nhiều địa điểm du lịch ở Trung Quốc hiện cũng cung cấp dịch vụ cho thuê Hanfu, một số có dịch vụ trang điểm và làm tóc, tương tự như các điểm du lịch và di tích lịch sử ở Seoul cho du khách thuê hanbok truyền thống của Hàn Quốc.

Khiến các điểm du lịch trở nên sống động

Đối với cả khách du lịch trong nước và quốc tế, việc mặc những bộ Hanfu khi tham quan các điểm lịch sử hoặc theo chủ đề có thể mang lại thêm yếu tố thú vị.

Trong dịp Lễ hội mùa xuân/Tết Nguyên đán kéo dài 15 ngày, khoảng thời gian du lịch bận rộn nhất trong năm ở Trung Quốc, nhiều địa điểm trong số này tổ chức trưng bày đèn lồng đầy màu sắc, tạo phông nền bắt mắt cho các bức ảnh.

Ví dụ, Yu Garden ở Thượng Hải, nơi tổ chức hội chợ đèn lồng Lễ hội mùa xuân kéo dài 40 ngày, đã trở thành điểm đến phổ biến cho những người hâm mộ Hanfu. Khu mua sắm thương mại Wujiaochang gần đó thậm chí còn tổ chức cuộc diễu hành Hanfu Tết Nguyên đán để thu hút người vui chơi đến khu vực này trong năm nay.

Một phụ nữ mặc Hanfu đi chơi chợ hoa ở Quảng Châu, Trung Quốc - Ảnh: CNN

Tại thủ phủ của tỉnh Hải Nam, thành phố Hải Khẩu, có Phố cổ Qilou, nơi có sự kết hợp giữa kiến trúc châu Á và châu Âu từ những năm 1920. Theo một người địa phương, số lượng du khách trẻ tuổi mặc trang phục truyền thống trong các chuyến thăm nơi đây trong dịp Tết cũng tăng lên.

Cai Pa, một nhà sử học ở Hải Khẩu cho biết: “Có rất nhiều người - từ du khách, hướng dẫn viên du lịch đến những người có ảnh hưởng - mặc Hanfu ở Qilou của Hải Khẩu trong vài năm gần đây”.

“Sự trỗi dậy của Hanfu là một biểu tượng quan trọng của thời kỳ phục hưng văn hóa Trung Quốc. Thế hệ trẻ thường là những người cởi mở hơn với các xu hướng mới và do đó, họ là những người đầu tiên đón nhận sự trẻ hóa truyền thống”, Cai Pa nói thêm.

Phát huy truyền thống

Song Weixia, một nhà thiết kế thương hiệu 30 tuổi đến từ tỉnh miền núi An Huy, người đã kết hợp các yếu tố thời trang lấy cảm hứng từ Hanfu vào trang phục hàng ngày của mình, cho biết hồi tưởng về thời trang này còn nhiều điều hơn là chỉ tinh thần ngày lễ.

“Tất nhiên có những người chỉ tham gia xu hướng này vào dịp Tết Nguyên đán - nhưng đối với hầu hết mọi người, đó không chỉ vì lễ hội”, cô nói với CNN Travel. “Đó là mong muốn tìm hiểu và đánh giá cao văn hóa Trung Quốc trong giới trẻ ngày càng tăng trong những năm gần đây. Trên thực tế, đó là biểu hiện của một quốc gia cảm thấy tự tin với nền văn hóa của mình".

Những cô gái Trung Quốc hiện đại đang “du hành quá khứ” với những trang phục truyền thống tại một lễ hội Hanfu ở Liêu Ninh - Ảnh: CGTN

Trong khi đó, nhà sử học Cai Pa nhận định: “Có một nhóm người mặc nó như một xu hướng hoặc một món đồ thời trang. Nhưng điều quan trọng là phải có những người bảo tồn truyền thống một cách chính xác để nền tảng của truyền thống không bị mất đi".

Câu hỏi về tính xác thực của Hanfu đã được tranh luận trong nhiều năm, với một số học giả và những người đam mê chỉ ra rằng người Hán mặc trang phục khác nhau qua các triều đại, với hàng chục kiểu dáng tùy thuộc vào khoảng thời gian, khu vực địa lý và tầng lớp kinh tế xã hội.

Những người khác cho rằng thuật ngữ “Hanfu” quá hẹp, do có sự chia sẻ ảnh hưởng linh hoạt giữa các nhóm dân tộc khác nhau ở Trung Quốc. Nhưng bất chấp những tranh luận có phần học thuật ấy, làn sóng Hanfu vẫn đang lan tỏa, làm rực rỡ thêm những không gian lễ hội và đưa người Trung Quốc trở về với quá khứ trong những thời khắc thiêng liêng nhất của một năm âm lịch.

Nguyễn Khánh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lan-song-hanfu-to-diem-nhung-le-hoi-nam-moi-tai-trung-quoc-post284353.html