Làn gió mới trên sân khấu Việt

Việc bắt tay với các đạo diễn, diễn viên nước ngoài hay chuyển thể các tác phẩm kinh điển của thể giới đang mang đến làn gió mới cho sân khấu Việt. Ở đó, việc 'quốc tế hóa' không chỉ lấp những khoảng trống về kịch bản mà còn tạo ra những hiệu ứng tích cực đến từ khán giả.

Vở kịch “Bến không chồng” kết hợp giữa Nhà hát Kịch Việt Nam và Hiệp hội Các nhà sản xuất chương trình biểu diễn Hàn Quốc (KAPAP).

Giao lưu, gắn kết văn hóa

Mới đây, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL) giới thiệu vở Opera “Công nữ Anio”. Vở diễn do nhạc trưởng người Nhật - Honna Tetsuji (Giám đốc âm nhạc kiêm chỉ huy chính Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam) làm Tổng đạo diễn; nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng giữ vai trò tác giả âm nhạc; ca sĩ Opera Daisuke là đạo diễn, tác giả kịch bản, tác giả soạn lời tiếng Nhật; nhạc sĩ Hà Quang Minh soạn lời tiếng Việt. Đặc biệt, có sự góp mặt của nghệ sĩ của cả 2 nước là Đào Tố Loan, Đào Thị Trang (Việt Nam) và Kobori Yusuke, Yamamoto Kohei (Nhật Bản).

Theo Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) Nguyễn Phương Hòa, dự án Opera “Công nữ Anio” là sự kiện văn hóa đối ngoại có ý nghĩa đặc biệt. Thông qua sáng tạo về văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc, hội họa, ngôn ngữ ca từ, tác phẩm là sự tôn vinh những giá trị văn hóa chung của hai nước Việt Nam, Nhật Bản.

Vở “Con chim xanh” của Nhà hát Tuổi trẻ có sự đồng hành của đạo diễn Xavier Lukovski.

Đây không phải là lần đầu tiên các đơn vị sân khấu, nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam “mạnh tay” trong việc mời các nghệ sĩ nước ngoài tham gia các dự án nghệ thuật và gặt hái được những “quả ngọt”. Trước đó, vở “Tấm Cám” dựa trên kịch bản chuyển thể của nhà văn Nguyễn Hiếu từ chuyện cổ tích cùng tên do đạo diễn người Singapore Chua Soo Pong chỉ đạo thực hiện, các nghệ sĩ sân khấu Lệ Ngọc biểu diễn cũng tạo được hiệu ứng tốt. Bên cạnh đó, đạo diễn Chua Soo Pong cũng đã “bắt tay” với Nhà hát Tuồng Việt Nam dàn dựng vở “Dưới bóng đa huyền thoại”; Nhà hát Kịch Việt Nam với vở “Hồng Lâu Mộng”… Hay Nhà hát Tuổi trẻ cũng có một số dự án chung tay của các nghệ sĩ nước ngoài như “Cậu Vanya”, đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama trong vai trò cố vấn nghệ thuật; vở “Vòng phấn Kavkaz” (Kịch bản Bertolt Brecht - Đạo diễn: Dominik Gunther) hợp tác với Viện Goethe Việt Nam đã tạo được hiệu ứng với khán giả; vở “Con chim xanh” (Kịch bản Maurice Maeterlinck - Đạo diễn: Xavier Lukovski và NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến) là kết quả sự hợp tác với Phái đoàn Wallonnie - Rruxelles tại Việt Nam… Nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Hàn Quốc, mới đây, Nhà hát Kịch Việt Nam kết hợp với Hiệp hội Các nhà sản xuất chương trình biểu diễn Hàn Quốc (KAPAP) cũng cho ra mắt vở kịch “Bến không chồng” đã tạo “cơn sốt” cho khán giả không chỉ ở Việt Nam mà cả của Hàn Quốc.

Vở “Tấm Cám” của sân khấu Lệ Ngọc có sự tham gia của đạo diễn Singapore Chua Soo Pong.

Mở ra nhiều cơ hội

Có thể nói, trong khi sân khấu Việt Nam đang “gặp khó” cả về yếu tố chủ quan và khách quan như thiếu kịch bản, loay hoay tìm cơ chế tự chủ, khó khăn trong việc thu hút khán giả… thì việc kết nối với các tổ chức, nghệ sĩ nước ngoài trong lĩnh vực này đang mang đến một màu sắc tươi mới cho sân khấu Việt. Đặc biệt, những sự kết hợp này ngoài việc học hỏi kinh nghiệm, giao lưu văn hóa giữa hai bên khi hợp tác với các dự án nước ngoài, các đơn vị nghệ thuật biểu của Việt Nam còn nhận được sự hỗ trợ về phương tiện kỹ thuật âm thanh, ánh sáng. Các tác phẩm sân khấu Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để “xuất ngoại”.

Từng đồng hành với nhiều dự án liên kết với các nghệ sĩ quốc tế, NSƯT Chí Trung, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ bày tỏ, việc mời các đạo diễn, nghệ sĩ nước ngoài tới cộng tác lâu dài tại Việt Nam là một trong những lựa chọn táo bạo nhưng rất đúng đắn của các đơn vị nghệ thuật trong nước hiện nay, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, mang tới cho đông đảo khán giả trong nước cơ hội được thụ hưởng những vở diễn có chất lượng. Bên cạnh đó, mở rộng hiểu biết, nâng cao kỹ năng diễn xuất và tính chuyên nghiệp của các nghệ sĩ, diễn viên trong nước.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, không ít ý kiến băn khoăn khi cho rằng cần cân nhắc nhiều mặt trong việc hợp tác. Đơn cử như việc chuyển thể tác phẩm, cố vấn nghệ thuật, nếu chúng ta mải chạy theo xu hướng này rất có thể sẽ sa vào việc tuyên truyền cho văn hóa, hình ảnh và thị hiếu của người nước ngoài, mà dần xem nhẹ yếu tố truyền thống, nhất là đối với lớp trẻ – họ sẽ quen dần với những sản phẩm ngoại mà quên mất sự mặn mòi của sân khấu Việt truyền thống.

Nhà lý luận, phê bình sân khấu, TS Cao Ngọc cho rằng, lý thuyết sân khấu nước ngoài được tiếp nhận và vận dụng trong thực tiễn sân khấu ở Việt Nam còn mang tính manh mún, thiếu chiều sâu. Dường như tư duy ít nhiều còn nặng về cảm tính và có xu hướng coi trọng tính hình tượng đã khiến việc tiếp nhận lý thuyết của nhiều người làm sân khấu vẫn chưa thật sự nhuần nhuyễn, chưa được quan tâm thấu đáo, dẫn đến tình trạng thiếu thận trọng khi vận dụng để sáng tạo một cách phù hợp với sân khấu kịch hát dân tộc đang rất cần được bảo lưu.

Theo TS Cao Ngọc, tới đây, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Viện Sân khấu – Ðiện ảnh (Trường Đại học Sân khấu – Ðiện ảnh),… các cơ quan liên quan, các nghệ sĩ tâm huyết với nghề cần đặt vấn đề hệ thống hóa, xác định hướng đi và tiếp biến có hiệu quả các lý thuyết sân khấu trên thế giới để nỗ lực học hỏi, trang bị kiến thức cần thiết, vận dụng một cách phù hợp, sáng tạo trên cơ sở tiếp nối nền nghệ thuật nước nhà. Như vậy sẽ góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị tinh hoa của sân khấu truyền thống, góp phần đổi mới, phát triển các loại hình nghệ thuật dân tộc trước yêu cầu ngày một khắt khe của công chúng và xã hội.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lan-gio-moi-tren-san-khau-viet-5718726.html