Làn đường riêng cho xe đạp có khả thi?

Nhiều người Hà Nội vẫn có thói quen đạp xe, vừa để di chuyển vừa nâng cao sức khỏe. Thế nhưng, không có làn đường ưu tiên nên nhiều người yêu thích xe đạp thường phải lựa chọn những cung đường vắng hoặc tuyến đường nội khu đô thị do lo ngại nguy cơ mất an toàn. Vậy liệu người đi xe đạp có cần làn đường riêng?

Xe đạp lép vế, rủi ro mất an toàn

Hiện nay, xe đạp không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là phương pháp rèn luyện sức khỏe của người dân. Có nhiều câu lạc bộ hay các hội nhóm yêu xe đạp với sự tham gia của hàng nghìn người. Điều này khiến cho xe đạp được sử dụng nhiều hơn trong thời đại mà mọi người đều bận rộn, không có thời gian rèn luyện sức khỏe.

Hiện nay xe đạp xuất hiện không chỉ là một phương tiện để đi lại mà còn là một phương pháp rèn luyện sức khỏe của người dân

Tuy nhiên, xe đạp cũng đang là phương tiện nguy hiểm khi lưu thông trên đường phố. Hiện chưa có làn đường riêng dành cho xe đạp nên việc đi cùng làn với những phương tiện xe cơ giới khác khiến cho xe đạp trở nên lép vế so với xe máy và ô tô. Người đi xe đạp không thuộc đối tượng ưu tiên ngay trong hạ tầng và tư duy tổ chức giao thông.

Sử dụng xe đạp làm phương tiện chính đi lại khắp thành phố trong nhiều năm, chị Mai Phương Thảo hiện là nhân viên văn phòng cho biết, lý do mình ưu tiên loại phương tiện này là để nâng cao sức khỏe cũng như giảm thiểu khí thải thải ra môi trường. Nhưng mỗi khi tham gia giao thông, chị thường phải chuẩn bị cho mình mũ bảo hiểm, bao đeo bảo hộ bởi không có lối đi ưu tiên, khiến cho xe đạp trở thành phương tiện nguy ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn nhất trong những giờ cao điểm.

Anh Đặng Xuân Thắng hiện đang sinh sống tại quận Đống Đa. Anh cũng làngười yêu xe đạp, nhưng việc sử dụng xe đạp để lưu thông trên đường phố thủ đô lại khiến anh lo lắng. Bởi hầu như vào giờ cao điểm, xe máy và ô tô đều chen vào làn trong cùng khiến nhiều người đi xe đạp lúng túng, không biết phải đi đường nào. Cộng với việc hầu như tất cả các cầu ở Hà Nội, kể cả cầu vượt đều cấm xe đạp, điều này dường như biến việc đi xe đạp bế tắc, đã khó lại càng khó hơn. Vì vậy, để tránh những rủi ro, anh thường phải lựa chọn những tuyến đường nội đô hoặc khung giờ khác trong ngày để tập luyện bằng xe đạp.

Với những người thường xuyên sử dụng xe đạp, tuyến đường ưu tiên cho xe đạp là cách giúp họ cảm thấy an tâm hơn khi lưu thông trên đường, đặc biệt là trong giờ cao điểm.

Thí điểm hai làn đường riêng cho xe đạp tại Hà Nội

Cụ thể, tuyến đường thứ nhất được Sở GTVT Hà Nội đề xuất tổ chức làn đường dành riêng cho xe đạp là đường chạy dọc sông Tô Lịch, đoạn từ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) đến Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) dài 2,3km. Theo phương án tổ chức làn xe đạp tại tuyến đường chạy dọc sông Tô Lịch, làn xe đạp sẽ được bố trí rộng 3m, 1m còn lại dành cho người đi bộ.

Theo phương án tổ chức làn xe đạp tại tuyến đường chạy dọc sông Tô Lịch, làn xe đạp sẽ được bố trí rộng 3m, 1m còn lại dành cho người đi bộ

Tuyến đường này có khả năng kết nối với ga Láng của đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông và ga số 8 của metro Nhổn - ga Hà Nội tại khu vực Cầu Giấy. Ngoài ra, tuyến đường sẽ tạo kết nối với các tuyến xe buýt trên đường Láng thông qua 6 trạm chờ.

Tuyến đường thí điểm thứ hai là vỉa hè quanh công viên Hòa Bình và đường Hoàng Minh Thảo (quận Bắc Từ Liêm). Tuyến đường này dành cho xe đạp khoảng 5,7km, trong đó khu vực đi trên hè quanh công viên Hòa Bình 1,8km, đi trên đường Hoàng Minh Thảo gần 4km, dọc tuyến đường cũng có các trạm xe buýt để phục vụ hành khách đi xe đạp kết nối với vận tải hành khách công cộng.

Mức kinh phí tổ chức thí điểm hai tuyến đường dành cho xe đạp trên dự kiến khoảng gần 10 tỷ đồng, trích từ ngân sách Nhà nước.

Người dân nói gì?

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, xe đạp và dịch vụ xe đạp công cộng đã phát triển và được triển khai tại Hà Nội thời gian qua. Tuy nhiên đến nay, tại thành phố Hà Nội vẫn chưa có làn đường dành riêng cho xe đạp. Việc này không chỉ gây khó khăn cho người dân khi đi lại, không khuyến khích được loại hình này phát triển mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các phương tiện tham gia giao thông chung khi xe đạp di chuyển trên đường. Do đó, đề xuất xây dựng làn đường dành riêng cho xe đạp lúc này là hoàn toàn hợp lý với sự phát triển của giao thông đô thị.

Đề xuất xây dựng làn đường dành riêng cho xe đạp lúc này là hoàn toàn hợp lý với sự phát triển của giao thông đô thị

Tiện lợi, an toàn, văn minh,… đó là nhận định của nhiều người dân khi nghe về đề xuất làn đường riêng dành cho xe đạp ở Hà Nội. Nhiều người dân Hà Nội khi được hỏi quan điểm về đề xuất này cũng đã bày tỏ sự hào hứng và đồng tình.

Anh Phí Anh Tú - Đống Đa cho biết: "Tôi thường sử dụng xe đạp. việc xe đạp thường phải đi chung làn đường với ô tô xe máy thì nguy hiểm. tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất v mọi người sẽ thoải mái hơn khi di chuyển và giảm sự khó chịu cho các phương tiện khác khi xe đạp đi chung làn đường với họ".

Đồng quan điểm, anh Đỗ Trí Thanh - Cầu Giấy chia sẻ: "Hợp lý, tách hẳn riêng ra như trên đường láng này thì cũng không vấn đề gì và cũng hợp lý với nhu cầu người dân bây giờ".

Chuyện thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp trước đây từng được đề xuất, và từng bị cho là "điên rồ". Tuy nhiên trên thực tế, vài năm trở lại đây, việc phát triển loại hình giao thông này ở Thủ đô đã có những bước tiến lớn. Thế nhưng, khi đề xuất đang từng bước được hiện thực hóa, một lần nữa nó vẫn vướng phải sự băn khoăn của một bộ phận không nhỏ người dân.

Với kinh phí đầu tư gần 10 tỉ đồng, cho hai làn đường dành riêng cho xe đạp, dài khoảng chừng 8km, nhiều người tự hỏi liệu rằng đề xuất này có hợp lý để triển khai hay mãi… vẫn sẽ nằm trên giấy?

Quan trọng nhất là tính khả thi

Dù mục đích tốt nhưng đề xuất làn đường dành riêng cho xe đạp cũng vấp phải không ít ý kiến trái chiều.

Nếu theo đúng dự kiến, trong tương lai không xa, khi thành phố Hà Nội triển khai lộ trình cấm xe máy, hạn chế ô tô cá nhân thì rõ ràng nhu cầu sử dụng các phương tiện công cộng, phương tiện giao thông xanh - như xe đạp, của người dân sẽ tăng lên. Việc nghiên cứu và triển khai thí điểm nhiều giải pháp giao thông hiện đại, tân tiến lúc này là rất cần thiết.

Tuy nhiên, bài học từ nhiều đề xuất trước đó vẫn còn hiện hữu, ví dụ như làn đường cho xe buýt nhanh BRT. Từ làn đường riêng trở thành làn đường chung, ùn tắc kéo dài, bất chấp giờ cao điểm hay thấp điểm. Theo chuyên gia giao thông, để không lặp lại sai lầm cũ hay phát sinh những vấn đề mới, cơ quan chức năng cần có sự nghiên cứu nghiêm túc, triển khai bài bản,…

Mặc dù mới chỉ được thí điểm trên hai tuyến phố nhưng đề xuất này vẫn nhận được sự quan tâm lớn của người dân. Bởi rõ ràng, dù là đường riêng nhưng nó ảnh hưởng đến giao thông chung và sự tiện lợi của hơn 2/3 lượng phương tiện khác trong thành phố là ô tô, xe máy…

Tuy nhiên, các chuyên giá cũng đánh giá, đây là hướng đi đúng đắn của Hà Nội trong lộ trình phát triển thủ đô bền vững. Viễn cảnh về "thành phố hòa bình" xanh, thân thiện có lẽ sẽ không còn xa với những bước tiến trong hành trình thay đổi thói quen di chuyển của người dân.

Quy hoạch giao thông đô thị không chỉ còn là câu chuyện tầm nhìn mà đã trở thành bài toán đầy khó khăn, thách thức cho những thành phố lớn như Hà Nội, nhất là khi tốc độ gia tăng dân số và phương tiện ngày càng nhanh và mạnh như hiện nay.

Đề xuất làn đường dành riêng cho xe đạp nếu được triển khai tốt chắc chắn sẽ góp phần giải quyết không ít vấn đề giao thông nhức nhối ở Hà Nội.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/lan-duong-rieng-cho-xe-dap-co-kha-thi-209960.htm