Lần đầu tiên tổ chức trải nghiệm giáo dục di sản 'Ký ức mùa trăng 2023'

Ngày 19/9, Ban tổ chức sự kiện 'Ký ức mùa trăng 2023' công bố chủ đề của chuỗi hoạt động dip Trung thu năm 2023 với chủ đề 'Lý ngư vọng nguyệt' tại Hồ Văn, thuộc di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Chuỗi sự kiện tương tác, trải nghiệm giáo dục di sản “Ký ức mùa trăng” sẽ diễn ra từ ngày 23/9 đến hết ngày 1/10/2023.

Chương trình “Cá chép vượt vũ môn” gồm nhiều hoạt động tranh tài, người thắng cuộc sẽ là “Cá chép vượt vũ môn” trên con đường học vấn và sự nghiệp, để như “Lý ngư vọng nguyệt”.

Với trò chơi "Thắp sáng ước mơ tri thức", các thành viên trong 1 gia đình, cùng nhau vượt qua các thử thách như “nhanh mắt nhanh tay”, “khéo tay hay làm”, “thăng bằng trên cầu khỉ”... để cùng nhau treo được đèn lồng trung thu vào đúng nơi quy định sẽ là những “cá chép vượt vũ môn”. Trò chơi sẽ được tổ chức hàng ngày. Đội chơi xuất sắc nhất sẽ tham gia vào cuộc chơi cuối cùng. Giải thưởng gồm 1 giải đặc biệt trị giá 5 triệu đồng tiền mặt và gói quà tặng trải nghiệm, đào tạo kỹ năng mềm, phát triển bản thân, kỹ năng sinh tồn... trị giá 20 triệu đồng. Ngoài ra sẽ có 3 giải Nhất - Nhì – Ba với các phần quà giá trị. Bên cạnh đó, mỗi gia đình tham gia sự kiện sẽ được tặng 1 bộ hình khi trải nghiệm trò chơi.

Chương trình còn có các hoạt động: Giao lưu ảnh với chủ đề “Tôi yêu Hồ Văn”; Hội sách khởi động các hoạt động của không gian văn hóa đọc “nhân tri thức , tích tinh hoa”; Chuỗi hoạt động tương tác trải nghiệm giáo dục di sản chủ đề Trung thu dành cho đối tượng mầm non, học sinh từ khối trường học trong nội thành và vùng ven đô.

“Với không gian hơn 1,2 ha, bao gồm cả hồ nước và gò Kim Châu, Hồ Văn được chăm chút hàng ngày, là nơi nhiều người dân tìm đến trải nghiệm các hoạt động tương tác giáo dục di sản. Vì vậy, Trung tâm và đối tác LongLink Việt Nam tổ chức các sự kiện văn hóa tại Hồ Văn để quảng bá, phát huy giá trị của di tích, đảm bảo đúng những quy định của Nhà nước và điều kiện thực tiễn của Di tích”, TS Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chia sẻ.

“Thông qua các hoạt động vui đón Trung thu, Ban Tổ chức kỳ vọng sẽ truyền bá kiến thức về việc đón trung thu theo nghi lễ truyền thống, đan xen các hoạt động và sản phẩm văn hóa hiện đại. Nét đẹp văn hóa truyền thống được lưu truyền và hòa quyện với các hoạt động văn hóa hiện đại vừa giúp bảo tồn và khẳng định sức sống một cách bền bỉ, dung hòa”, bà Tăng Thu Hà, Trưởng ban tổ chức chia sẻ.

Chuỗi hoạt động trung thu xưa tại Hồ Văn sẽ là một điểm hẹn văn hóa, điểm hẹn giáo dục di sản cho người dân thủ đô và du khách.

Học sinh tham gia trải nghiệm làm tò he.

Học sinh tham gia trải nghiệm làm tò he.

Học sinh tham gia trải nghiệm làm bánh Trung thu truyền thống.

Học sinh tham gia trải nghiệm làm bánh Trung thu truyền thống.

Học sinh tham gia trải nghiệm làm đèn ông sao truyền thống.

Học sinh tham gia trải nghiệm làm đèn ông sao truyền thống.

Những sản phẩm Trung thu truyền thống được giới thiệu tới trẻ em tại chương trình.

Những sản phẩm Trung thu truyền thống được giới thiệu tới trẻ em tại chương trình.

Đèn ông sao cá chép.

Đèn ông sao cá chép.

Một góc Hồ Văn (di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám) sau khi được cải tạo, chỉnh trang.

Một góc Hồ Văn (di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám) sau khi được cải tạo, chỉnh trang.

Tin, ảnh, clip: XC/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/lan-dau-tien-to-chuc-trai-nghiem-giao-duc-di-san-ky-uc-mua-trang-2023-20230919121343008.htm