Lần đầu đến Vĩnh Long, nên tham quan những đâu?

Trải nghiệm du lịch xanh tại cù lao An Bình, tìm hiểu làng nghề tàu hủ ky ở Mỹ Hòa hay viếng thăm Văn Thánh Miếu… là những hoạt động du khách có thể thử khi đến Vĩnh Long.

Văn Thánh Miếu

Ảnh: Trúc Nhã

Văn Thánh Miếu là một công trình kiến trúc tiêu biểu còn sót lại từ thời Nguyễn, sau khi quân Pháp chiếm thành Vĩnh Long. Nơi đây được mệnh danh là “Quốc Tử Giám phương Nam”, lưu giữ nhiều dấu ấn về tinh thần hiếu học của cha ông ta thời xưa.

Ảnh: Ngọc Khuyến

So với các Văn miếu khác ở Nam Bộ thì Văn miếu ở Vĩnh Long xây dựng muộn nhất và là công trình duy nhất còn tồn tại cho đến hôm nay. Hiện, Văn Thánh Miếu tọa lạc tại đường Trần Phú, phường 4, thành phố Vĩnh Long. Trải qua hơn 150 năm với nhiều biến cố của lịch sử, nhưng ngôi miếu vẫn gần như không đánh mất nét kiến trúc cổ.

Lò gạch Mang Thít

ẢnhL Nguyễn Tuấn

Làng nghề truyền thống làm gốm, nung gạch Mang Thít nằm dọc theo dòng sông Cổ Chiên, sông Cái Nhum, dòng kênh Thầy Cai và các tuyến đường huyết mạch của huyện Mang Thít. Cuộc sống của người dân địa phương đều gắn liền với từng viên gạch nung đỏ, từng lò gạch luôn cháy lửa bập bùng.

Ảnh: Nguyễn Tuấn

Đến đây, du khách không khỏi thích thú trước những hình ảnh hàng trăm lò gạch đã phủ màu thời gian nằm thẳng tắp, lắng nghe những câu chuyện về làng nghề gạch gốm… Ngày ngày, người dân vẫn tất bật cho công việc chuẩn bị nguyên liệu đất sét, vào khuôn gạch, phơi gạch, đốt lò nung gạch.

Làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa

Ảnh: Nguyễn Tuấn

Có dịp đến xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long tìm hiểu về các công đoạn làm tàu hủ ky, du khách mới phần nào hiểu được những vất vả, cảm nhận nét đẹp lao động của người dân nơi đây, ngày đêm giữ bếp lò rực đỏ, bảo tồn nghề truyền thống trăm năm của quê hương.

Nghề làm tàu hũ ky ở xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Lê Dân Nam

Với vị trí địa lý thuận lợi, cách trung tâm thành phố Cần Thơ chưa tới 10km, và trung tâm thành phố Vĩnh Long gần 30km, du khách rất dễ dàng di chuyển đến tham quan làng nghề truyền thống nổi tiếng nơi đây. Đến đây, du khách sẽ được chứng kiến quy trình sản xuất ra những miếng tàu hủ ky thơm ngon, lắng nghe bà con kể về những câu chuyện lý thú về sự hình thành và phát triển của làng nghề.

Chùa Phật ngọc Xá Lợi

Ảnh: Henry Dương

Khi đến Vĩnh Long, du khách có thể dừng chân chiêm bái Chùa Phật Ngọc xá lợi, tọa lạc tại xã Tân Ngãi, thành phố Vĩnh Long (ngay gần chân cầu Mỹ Thuận).

Ảnh: Henry Dương

Chùa được xây dựng từ năm 1970, do cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa trụ trì. Nổi bật giữa ngôi chùa là tượng đài Đức Quán Thế Âm với chiều cao 32m và Bảo tháp cao 45m uy nghiêm.

Cù lao An Bình

Một góc cù lao An Bình nhìn từ trên cao. Ảnh: TTXTDL Vĩnh Long

Cù lao An Bình gồm 4 xã, gồm An Bình, Hòa Ninh, Đồng Phú và Bình Hòa Phước thuộc huyện Long Hồ, với diện tích hơn 60km2, được bao bọc bởi sông Cổ Chiên và sông Tiền.

Du khách nước ngoài tại cù lao An Bình. Ảnh: Ngoc Phuong Homestay/Booking.com

Với lợi thế tự nhiên của hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, khí hậu xanh mát cùng những vườn cây ăn trái trĩu quả quanh năm, cù lao An Bình trở thành một điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến Vĩnh Long.

Nhà cổ Cai Cường

Ảnh: Henry Dương

Cũng nằm trên cù lao An Bình, nhà cổ Cai Cường là một trong những ngôi nhà cổ đẹp bậc nhất trên cù lao này. Theo TTXVN, nhà cổ Cai Cường được xây dựng năm 1885 theo hình chữ Đinh, bao gồm hai nếp nhà bố trí vuông góc, đầu nhà sau đấu vào giữa nhà trước, mặt chính quay về hướng Bắc.

Ảnh: Henry Dương

Nét độc đáo của ngôi nhà chính là sự pha trộn Đông – Tây trong kiến trúc nội thất và ngoại thất. Đây là kiểu thiết kế theo phong cách kết hợp, giao thoa giữa hai lối kiến trúc Việt -Pháp cùng “nội ứng ngoại hợp”, tức nội thất bên trong ứng với mỹ thuật truyền thống và văn hóa phương Đông còn ngoại thất bên ngoài hòa hợp với kiến trúc phương Tây.

Đăng Huy

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/lan-dau-den-vinh-long-nen-tham-quan-nhung-dau/