Lần đầu đến Krong

Cho đến thập niên 90 của thế kỷ trước, những người có mặt ở Gia Lai sau năm 1975 như chúng tôi cũng chỉ nghe nói đến căn cứ địa cách mạng Krong chứ không mấy ai vào được nơi này, bởi điều kiện giao thông và phương tiện đi lại vô cùng gian khó.

Vì thế, chuyến đi bằng chiếc Win 100 huyền thoại của tôi và anh Nguyễn Hữu Tài (viên chức nhiếp ảnh của Sở Văn hóa-Thông tin) theo con đường mòn dọc sông Ba, xuyên qua những cánh rừng để đến Krong hồi tháng 3-1997 là một kỷ niệm khó quên.

Năm 1975, khi các ban, ngành của tỉnh từ Krong chuyển về Pleiku thì “trái tim” của Gia Lai trong kháng chiến dần chỉ còn là kỷ niệm. Do đặc thù của công việc nên tôi phải suốt ngày ngồi săm soi kho ảnh cũ. Hơn thế, tôi còn chung cơ quan với một chị vốn là người của “văn công Gia Lai”. Thỉnh thoảng, chị lại nhắc về suối Knia (nơi đoàn của chị đóng chân), kể chuyện các anh chị biểu diễn giữa rừng già, chuyện ăn ở, sinh hoạt hồi còn “trong cứ”… Vì thế mà chuyến đến Krong năm ấy, dù là lần đầu nhưng tôi lại có cảm giác quá đỗi thân quen, như mình vừa gặp lại Krong sau một “giấc ngủ” dài.

Di tích lịch sử căn cứ địa cách mạng khu 10. Ảnh: Minh Châu

Krong đón chúng tôi bằng chiếc... cổng chào “lạ mà quen”. Nó là phiên bản của những chiếc cổng chào phổ biến ở căn cứ địa cách mạng Khu 10 mà tôi đã từng thấy trong các tập ảnh tư liệu. Ngoài 4 chiếc cột bằng gỗ xếp thành hàng ngang, phía trên là khung sắt được uốn cong hình bán nguyệt, ở chính giữa có ngôi sao 5 cánh, ghép bằng những đoạn le, lồng trong một vòng tròn.

Chúng tôi đến trụ sở UBND xã vào lúc chiều muộn. Sau khi xuất trình giấy tờ, nói chuyện về công việc, chú Hlang-Bí thư Đảng ủy xã, chú Danh-Chủ tịch UBND xã bảo anh em tôi xuống nhà ăn để ăn cơm cùng du kích xã, rồi về nghỉ ở nhà rông văn hóa. Thời điểm ấy, mô hình nhà rông văn hóa đang được ưa chuộng nên nhiều xã vùng sâu, vùng xa có thiết chế văn hóa này. Cùng có mặt tại Krong hôm ấy, ngoài chúng tôi, còn có anh Bình-Chủ tịch Hội Nông dân huyện và anh Thu-Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện. Hai anh tới để giúp xã chuẩn bị Đại hội Hội Nông dân.

Buổi tối, tôi rủ anh Tài tranh thủ vào nhà chú Kueng ở ngôi làng bên kia đường xin tư liệu. Thấy chúng tôi vào, chủ nhà nhanh nhẹn cột ghè rượu mời khách. Rồi không biết có ai mời báo mà chẳng mấy chốc, căn nhà nửa sàn nửa trệt khoảng 16 m2 đã chật ních người. Dưới ánh sáng bập bùng của bếp lửa, không gian chật hẹp, nóng nực những ngày cuối tháng 3 càng như quánh lại vì khói thuốc. Giữa lúc đang không biết làm gì khi mục đích chính không thành, tôi nghe vọng vào bài hát: “Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước…”.

Để tránh vòng xoay của chiếc cần rượu sắp đến lượt mình và hít thở không khí trong lành hơn, lại cũng vì tò mò muốn biết những ai đang hát, tôi bước ra ngoài. Sau vài phút căng mắt làm quen với bóng tối, tôi lần theo hướng có tiếng hát ở phía góc sân thì thấy một tốp thiếu nhi đang hát rất say sưa. Thấy người lạ, các em ngại ngùng, rồi im bặt. Tôi đến làm quen và hát cùng bọn trẻ. Những bài hát mà các em thuộc chủ yếu là bài từ thời kháng chiến và một số bài hát của tuổi mẫu giáo. Thì ra đến năm ấy, giữa chốn núi rừng này vẫn chưa bắt được sóng ti vi, radio cũng lúc được lúc mất. Vì vậy, các em thiếu nhi chủ yếu hát các bài hát nghe lại từ ông bà, cha mẹ, còn các bài hát mẫu giáo là do các cô giáo dạy. Đêm ấy, tôi dạy lũ trẻ hát bài: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” và “Trái đất này là của chúng mình”. Bọn trẻ học như nuốt lấy từng lời.

Đấy là đêm đầu tôi đến với Krong, nơi nằm trong vùng chuyển tiếp giữa núi Kon Ka Kinh (thuộc dãy Mang Yang) và cao nguyên Kon Hà Nừng cách trở. Sau đó, tôi cùng các cán bộ địa phương như chú Hlang, chú Danh, chú Kueng, anh Kram, chị Huêr, anh Đới… lần mò xác định địa điểm các cơ quan: Văn phòng Tỉnh ủy, cánh đồng Ban Kinh tài, Tỉnh đội Gia Lai… trong những năm chống Mỹ, khởi đầu cho nhiều hoạt động về nguồn sau này.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/lan-dau-den-krong-post275195.html