Làm việc từ xa không có nghĩa không bị sếp giám sát

Hiện tại, một ngày làm việc từ xa của nhân viên có thể bị sếp giám sát bằng nhiều phần mềm khác nhau. Các chuyên gia cho rằng cách quản lý này dẫn đến nhiều hệ lụy.

 Nhiều nhân viên đang bị sếp giám sát từ xa. Ảnh: Smartway2

Nhiều nhân viên đang bị sếp giám sát từ xa. Ảnh: Smartway2

Tờ The Washington Post nhận định các phần mềm "quen thuộc" Microsoft Office, Zoom, Google Workspace và Slack có thể cung cấp cho sếp những thông tin về số lượng cuộc họp video nhân viên đã thực hiện, mức độ trò chuyện trực tuyến với đồng nghiệp và số lượng tài liệu nhân viên đã lưu trữ.

Theo các chuyên gia, những dữ liệu này không thể đánh giá chính xác năng suất làm việc của nhân viên.

Nhu cầu phần mềm giám sát nhân viên ngày càng tăng

Thời kỳ đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, môi trường làm việc tại nhà đã trở nên phổ biến hơn. Gallup ước tính, vào tháng 6/2022, khoảng 34 triệu người lao động đang làm việc ở môi trường kết hợp giữa văn phòng và nhà ở. Đầu tháng 8, theo khảo sát của Cục thống kê dân số Mỹ, khoảng 36,5 triệu người ở đất nước này làm việc từ xa ít nhất 5 ngày/tuần.

Đối diện với việc chuyển đổi hình thức làm việc, các nhà tuyển dụng đã tìm kiếm cách thức quản lý mới để đảm bảo năng suất làm việc từ xa của nhân viên. Trong đó, không ít người lựa chọn sử dụng phần mềm giám sát nhân viên từ xa. Theo công ty bảo mật Internet và quyền kỹ thuật số Top10VPN, đầu năm 2022, nhu cầu về phần mềm giám sát nhân viên trên thế giới đã tăng 65% so với năm 2019.

Việc tìm kiếm phần mềm giám sát nhân viên đối với các ông chủ không quá khó khăn. Điển hình là trên ứng dụng Microsoft 365, các nhà quản lý có thể lấy những dữ liệu như số lượng email nhân viên đã gửi, thư mục đã lưu hoặc chia sẻ, các cuộc họp video nhân viên đã tham gia.

Ở phần mềm Google Workspace (hệ thống công cụ làm việc của Google), quản trị viên có thể xem nhân viên đã gửi và nhận bao nhiêu email, số lượng tệp đã lưu và truy cập trên Google Drive, thời điểm nhân viên bắt đầu cuộc họp video và những người cùng tham gia cuộc họp ấy.

Trong khi đó, trên phần mềm Zoom, khi quản trị viên tổ chức các cuộc họp, họ có thể xem được số lượng nhân viên tham gia và thời lượng diễn ra. Người quản lý cũng thấy nhân viên nào đã mở camera và microphone trong suốt buổi họp.

Đối với người quản lý sử dụng phần mềm Slack, họ có thể thấy tài khoản của nhân viên đã hoạt động bao nhiêu ngày và số lượng tin nhắn nhân viên đã gửi trong suốt thời gian làm việc.

Theo Daniel Kahn Gillmor, nhân viên công nghệ cao cấp của American Civil Liberties Union, ngoài những phần mềm trên, sếp cũng có thể giám sát nhân viên bằng cách kiểm tra nhật ký wifi cục bộ và camera an ninh.

"Không có gì ngăn cản bất kỳ ai thu thập dữ liệu từ các phần mềm. Khi nhân viên thực hiện công việc qua các dịch vụ trực tuyến ngày càng nhiều, các nhà cung cấp dịch vụ càng có thêm thông tin", Gillmor nói.

 Sếp có thể giám sát nhân viên bằng nhiều phần mềm khác nhau. Ảnh: Suger Mint.

Sếp có thể giám sát nhân viên bằng nhiều phần mềm khác nhau. Ảnh: Suger Mint.

Không nên sử dụng phần mềm giám sát để đánh giá nhân viên

Đối với nhu cầu sử dụng phần mềm giám sát nhân viên từ xa của nhiều quản lý, các chuyên gia nhận định không gian làm việc trên các ứng dụng chỉ là một phần trong "bức tranh" tổng thể về hoạt động làm việc của nhân viên. Các hoạt động khác của nhân viên như trao đổi trực tiếp, suy nghĩ, phác thảo kế hoạch hoặc sử dụng phần mềm ngoại tuyến sẽ không xuất hiện trong dữ liệu của những ứng dụng này.

Theo các chuyên gia, những dữ liệu được thu thập có nguy cơ trở thành vấn đề đáng báo động nếu sếp sử dụng nó để gây sức ép, quản lý thời gian làm việc, phân biệt đối xử hoặc định đoạt tương lai lương thưởng và thăng tiến của nhân viên.

Một trong số những ứng dụng nêu trên cũng khẳng định dữ liệu họ cung cấp không phải để người quản lý đánh giá và giám sát nhân viên. Trong đó, Microsoft tuyên bố việc sử dụng công nghệ để giám sát nhân viên là phản tác dụng và một số nhà quản lý có thể mắc chứng "hoang tưởng về năng suất" (đánh giá sai năng suất làm việc của nhân viên).

Trên trang web của mình, Slack thông báo dữ liệu ứng dụng này cung cấp phải được "sử dụng để hiểu cách làm việc của cả tập thể, chứ không phải đánh giá hiệu suất của một cá nhân".

Brian Elliott - Phó chủ tịch và Tổng giám đốc của Slack - khẳng định việc sử dụng dữ liệu của các phần mềm để đánh giá năng suất làm việc nhân viên không phải là cách quản lý hiệu quả. Nó sẽ phản tác dụng, thể hiện sự độc đoán của sếp và làm tăng căng thẳng, mất lòng tin của nhân viên.

Nhà phân tích Bart Willemsen của Gartner khẳng định nếu người quản lý chọn cách âm thầm sử dụng dữ liệu để đánh giá nhân viên, lòng trung thành của người lao động đối với công ty sẽ giảm dần. Họ sẽ làm việc "vừa đủ" để đáp ứng các chỉ số trong công việc thay vì cố gắng thực hiện công việc hiệu quả.

Liz Shuler - Chủ tịch AFL-CIO - cho biết đối với sự âm thầm giám sát của sếp, nhân viên không nên "ngồi yên" và bất lực chịu đựng. Người lao động có thể dựa trên sức mạnh tập thể, tạo áp lực để trình bày ý kiến đối với vấn đề này.

Minh Uyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lam-viec-tu-xa-khong-co-nghia-khong-bi-sep-giam-sat-post1364388.html