Làm việc cùng AI hay mất việc vì AI?

A.I

(XUÂN KTSG) – Sự ra đời của ChatGPT hơn một năm qua đã thúc đẩy quá trình thương mại hóa công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và cũng tạo ra áp lực rất lớn đối với nguồn nhân lực tương lai khi mà những họ hàng AI được dùng phổ biến hơn. Xem xét kỹ lưỡng các vấn đề cốt lõi trong mối tương quan giữa con người và AI, nhận diện thực tế và tìm hướng phát triển hợp lý là điều nên làm và có thể bắt đầu từ giáo dục.

1. Trước ChatGPT, AI đã tồn tại, đã được dùng vào hầu hết các ứng dụng phổ biến để tăng mức độ tương tác như trong thanh tìm kiếm Google, Facebook và Twitter; được gắn vào các chức năng nền tảng thương mại giúp tạo ra các đề xuất trên Amazon và Netflix hoặc hiện diện trong các sản phẩm có sử dụng AI, như Alexa, Siri.

ChatGPT đổ bộ thị trường, mở màn cho các cuộc trò chuyện sâu của con người với AI về nhiều chủ đề mà trước đó AI chưa làm được. Điều quan trọng hơn, ChatGPT và các chương trình khác giống như nó có thể thực hiện công việc có độ phức tạp của tầng lớp trí thức, chẳng hạn như viết e-mail, phác thảo các bài thuyết trình và bài viết trên slide, lên ý tưởng về nhiều chủ đề khác nhau, trợ giúp một số nhiệm vụ giảng dạy (như xây dựng kết quả học tập, viết câu hỏi kiểm tra) và tìm hiểu về vô số chủ đề.

Các công cụ “AI sáng tạo” thậm chí còn có thể tiến xa hơn khi viết các bài báo hoàn chỉnh, tạo ra những hình ảnh tuyệt vời sắc nét, viết mã máy tính, tạo video, đưa ra lời khuyên y tế, cung cấp liệu pháp tâm lý, hỗ trợ đàm phán vụ việc pháp lý và sáng tác nhạc… Những chức năng này thật sự tác động đến các ngành nghề cụ thể trong xã hội, ví dụ như lập trình viên, nhà thiết kế đồ họa, bác sĩ, nhà báo, người sản xuất nội dung, nhà soạn nhạc và luật sư…

Phải thừa nhận rằng những gì các công cụ AI có thể làm được như nói trên khiến chúng ta thấy AI vừa thú vị vừa rất đáng lo ngại. Thú vị về khả năng của AI mới, và thấy lo khi AI đã “làm giúp” không ít phần việc mà con người đảm nhiệm. Những thông tin như vậy với tần suất lớn và độ lặp lại liên tục trên các trang báo và mạng xã hội càng khiến người ta tin rằng rồi đây AI sẽ cướp mất việc làm. Bài toán về nhân lực trong thời đại AI có vẻ hiện được số đông bây giờ xem là một trò chơi sinh tồn, trong đó chỉ có thể có một người chiến thắng. Tuy nhiên, tôi tin rằng cách nhìn này từ đầu đã là sai lầm.

Câu hỏi liệu AI có thay thế con người hay không phải được đặt trên giả định rằng AI và con người có những phẩm chất và khả năng giống nhau – nhưng trên thực tế thì không. Máy móc được nhúng hoặc kết hợp tri thức về AI sẽ xử lý yêu cầu nhanh hơn, chính xác hơn, hợp lý hơn và nhất quán hơn, nhưng chúng không nhạy cảm về các khía cạnh trực quan, cảm xúc hoặc văn hóa. Và chính những khả năng này thực sự giúp chúng ta làm việc hiệu quả hơn trong các mối quan hệ giữa người với người – mấu chốt của các giao dịch trong xã hội, dù là lớn hay nhỏ.

2. AI sẽ không thay thế tất cả công việc liên quan đến nhận thức, nhưng nó sẽ thay đổi đáng kể tính chất và cách thức triển khai các công việc đó.

Giúp làm việc nhanh, hiệu quả. ChatGPT và những công cụ AI khác, như WriteSonic, Google Bard, Bing, Anon ChatGPT, Copy.AI, Character.AI, Chat PDF, Legback, Source AI (Source HR), Phind… sẽ thay thế vị trí của nhân lực đảm nhiệm các công việc mang tính chất lặp đi lặp lại, ví dụ như xử lý việc nhập dữ liệu, tạo báo cáo, lập kế hoạch, tóm tắt vụ việc, tóm tắt e-mail, quét hệ thống nhân sự, tìm thông tin nhân lực trên mạng LinkedIn, và các việc mang tính chất “ít chất xám” nhưng “tốn thời gian” khác. Nghĩ đúng chính là AI đang giúp người làm việc dành thời gian quý báu để tập trung vào các nhiệm vụ chiến lược và phức tạp hơn.

Học dùng thành thạo công cụ AI. Bạn sẽ không bị thay thế bởi AI mà bởi một người có kỹ năng về AI. Nếu bạn hiện có thể sử dụng nhiều công cụ AI để gia tăng hiệu quả trong công việc thì điều này càng đúng với bạn. Những người thông thạo các công cụ AI khác nhau sẽ có thể làm được nhiều việc hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn, họ có điều kiện sáng tạo hơn và học hỏi nhanh hơn những người không có khả năng này. Đương nhiên là bạn phải thành thạo nhiều công cụ AI đang có mặt trên thị trường, ChatGPT không có lẽ chưa đủ.

AI sẽ tạo ra việc làm mới. Việc tạo ra và phát triển hệ thống AI đòi hỏi các kỹ sư máy học, chuyên viên phần mềm, chuyên viên phần cứng, kỹ sư thông tin, nhà khoa học dữ liệu và nhà nghiên cứu chuyên ngành NPL (Neuron Processing Languages). Nhu cầu tuyển dụng các chuyên gia này ngày càng nhiều, mức lương được trả cao. Việc triển khai AI cần có sự trợ giúp của chuyên gia và kỹ sư an ninh mạng, theo đó, ngành học này cũng sẽ được dự đoán là ngành học được sinh viên chọn nhiều trong những năm tới ở các quốc gia.

AI góp phần tái cấu trúc nhân lực ở các lĩnh vực truyền thống, tạo ra cơ hội việc làm mới. Ví dụ, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, AI có thể tăng cường chẩn đoán y tế, đẩy nhanh việc phát hiện thuốc và hỗ trợ y tế từ xa. Điều này mở đường cho những “nhà phân tích dữ liệu sức khỏe” chuyên nghiệp, những người diễn giải và phân tích dữ liệu do hệ thống AI thu thập để đưa ra các chẩn đoán chính xác và cá nhân hóa hơn.

Tương tự, trong lĩnh vực nông nghiệp, AI có thể giúp tối ưu hóa quản lý cây trồng, theo dõi sức khỏe cây trồng và dự đoán điều kiện thời tiết để cải thiện năng suất nông nghiệp. Điều này mở ra cơ hội cho những vai trò mới như “nhà công nghệ nông nghiệp”, người kết hợp chuyên môn nông nghiệp với kiến thức AI để tối ưu hóa hiệu quả và tính bền vững trong ngành.

3. Phát triển nguồn nhân lực sao cho có thể sẵn sàng với kỷ nguyên của AI là một vấn đề mang tầm quốc gia nhưng chỉ có thể bắt đầu từ việc thay đổi và dựa vào giáo dục.

Việt Nam vẫn là quốc gia thu hút sự chú ý của các công ty công nghệ lớn đang tìm cách thành lập nhà máy và phòng thí nghiệm nghiên cứu ở một quốc gia thứ ba. Khuynh hướng này mang lại cơ hội tăng trưởng đáng kể cho lực lượng lao động tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và AI. Để tận dụng tối đa tiềm năng này, điều quan trọng là các trường đại học Việt Nam phải ưu tiên phát triển các chuyên ngành liên quan đến AI và thực hiện các chiến lược toàn diện để mở rộng và nuôi dưỡng các lĩnh vực này.

Bằng cách khai thác lợi thế này và điều chỉnh các dịch vụ giáo dục phù hợp với nhu cầu của ngành, các trường đại học Việt Nam có thể khẳng định mình là những người dẫn đầu trong giáo dục AI, thu hút cả sinh viên trong nước và quốc tế, đồng thời tạo ra nguồn nhân tài lành nghề để hỗ trợ sự phát triển và đổi mới trong lĩnh vực công nghệ. Một số việc các trường đại học cần ưu tiên cân nhắc như sau:

Đổi mới chương trình giảng dạy ở trường đại học.

(1) Phát triển các chuyên ngành mới tập trung vào AI, khoa học dữ liệu, học máy, Robotics và ngôn ngữ học tính toán. (2) Tích hợp AI vào các ngành đào tạo hiện có, như đưa các khái niệm và kỹ năng AI vào các lĩnh vực đa dạng như kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe, tài chính và thậm chí cả với ngành khoa học xã hội – nhân văn, cung cấp cho sinh viên tốt nghiệp bộ kỹ năng có thể thích ứng. (3) Nhấn mạnh việc học tập qua trải nghiệm, như cung cấp các dự án thực tế, thực tập và hackathons, cho phép sinh viên áp dụng các kỹ năng của mình vào các vấn đề trong thế giới thực.

Tăng cường phương pháp giảng dạy. (1) Áp dụng các phương pháp học tập tích cực bằng cách sử dụng các công cụ AI trong lớp học, như phòng thí nghiệm ảo, hệ thống dạy kèm thông minh và nền tảng học tập được cá nhân hóa nhằm khích lệ việc nghiên cứu và tăng cường sự tương tác. (2) Thường xuyên tổ chức các chương trình thỉnh giảng, buổi nói chuyện chuyên đề với khách mời là các chuyên gia từ các công ty công nghệ hàng đầu nhằm thu hẹp khoảng cách giữa giới học thuật và thế giới thực tế.

Thúc đẩy sự hợp tác. Hợp tác với các công ty công nghệ nhằm tạo ra chương trình thực tập và sáng kiến phát triển tài năng, giúp sinh viên tiếp cận những thách thức trong thế giới thực và con đường sự nghiệp tiềm năng. Khuyến khích sinh viên phát triển các giải pháp hỗ trợ AI để giải quyết các thách thức địa phương hoặc toàn cầu, thúc đẩy sự đổi mới và kỹ năng kinh doanh.

Tóm lại, trong ngắn hạn, các công cụ AI mới sẽ thay đổi đáng kể chất và lượng của nhiều công việc trong xã hội. Để thành công trong một kỷ nguyên mà AI ngày càng phổ biến, người ta không chỉ phải thành thạo những công cụ này mà còn phải là một cá nhân tự tin, năng động, có tinh thần mạnh mẽ, có thể đối phó với sự không ổn định của thị trường bằng cách thích nghi và kiên cường. Các cá nhân cần biết cách tổng hợp các thông tin rồi lập kế hoạch và điều hướng sự nghiệp của mình.

(*) Chuyên gia thương mại hóa tài sản SHTT IPGeekLab

Nguyễn Ngọc Trâm (*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lam-viec-cung-ai-hay-mat-viec-vi-ai/