Làm trái ngành: Lắm cơ hội, nhiều thách thức

Phó giáo sư, tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn nhận định: 'Ngày nay, đúng là ranh giới 'ngành - nghề' dần mờ nhạt; xu hướng học ngành này làm nghề khác ngày càng phổ biến'.

Trên thực tế, hiện nay có đến khoảng 70% sinh viên tốt nghiệp ra trường không làm đúng ngành học được giảng dạy tại giảng đường đại học, điều này vừa là cơ hội những cũng không ít khó khăn, thách thức.

Lựa chọn “đá chéo sân”, tự tạo cơ hội cho mình

Theo một thống kê của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tỷ lệ sinh viên thất nghiệp sau ra trường lên đến 26,2%. Để không bị rơi vào con số này, một số lượng lớn sinh viên vừa mới ra trường chọn ngay cho mình một công việc bất kỳ chỉ để không bị thất nghiệp.

Bên cạnh những ngành nghề phổ biến, cần nhiều nhân lực thì có những ngành đào tạo mà nhu cầu về nhân lực của xã hội chỉ ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, mỗi năm các trường đào tạo các ngành này không ngừng cung cấp thêm nguồn nhân lực sau đại học mới.

Tình trạng này khiến các sinh viên ra trường phải làm các công việc không liên quan đến ngành học của mình.

Nguyễn Tuấn Minh không còn thấy hứng thú với ngành nghề theo học mà quyết định chuyến hướng sang làm việc theo đam mê. (Ảnh: Phương Thảo)

Nghề nghiệp ngày càng theo xu hướng đa, xuyên lĩnh vực, tạo điều kiện cho sinh viên ra trường làm được nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau. Bên cạnh đó các lý do thuộc về năng lực ngành nghề, nguyện vọng làm trái ngành, không thành công ở lĩnh vực chuyên ngành,… cũng góp phần đẩy số lượng sinh viên làm trái ngành sau đại học lên đến khoảng 70%.

Mặc dù tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, nhưng Nguyễn Mỹ Duyên (sinh năm 2001) lại lựa chọn làm trái nghề ở lĩnh vực Marketing dù trước đây ngành Duyên theo học được đánh giá là “ngành hot”.

Duyên nhận thấy rằng, ngành học của bản thân rất khó xin việc tại địa phương, và vì 'hot' nên trong tương lai đã bị bão hòa. Do vậy, tại thời điểm mới ra trường, ngoài việc tìm các công việc đúng ngành được đào tạo, Duyên còn nộp hồ sơ nhiều lĩnh vực khác nhau với hy vọng tìm được công việc, sớm có thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống.

Không giống Duyên, anh Nguyễn Tuấn Minh (sinh năm 1997), tốt nghiệp chuyên ngành Tự động hóa, Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội may mắn đã tìm được công việc đúng chuyên ngành sau khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc, anh lại nhận thấy mình không hứng thú, không đủ đam mê để tiếp tục theo đuổi công việc đó, anh Minh đã quyết định chuyển sang hoạt động ở lĩnh vực truyền thông.

Anh Minh chia sẻ: “Ở đại học, tôi đã thích tham gia tổ chức các sự kiện của khoa, trường và cũng đã tìm hiểu các công việc liên quan đến hoạt động truyền thông. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, cũng muốn bố mẹ vui lòng, tôi vẫn quyết định làm việc trong môi trường chuyên môn, đúng chuyên ngành mình học và cũng hy vọng có thể gắn bó lâu dài với công việc đó”.

Anh Minh cho hay, sau khi làm việc được một thời gian anh dần mất hứng thú, không thể phát huy được hết năng lực, vì vậy anh đã chuyển sang lĩnh vực mình đam mê từ khi học đại học.

Để có thể hiểu rõ hơn về lĩnh vực truyền thông cũng như đáp ứng những yêu cầu cần thiết của công việc này, anh Minh đã chủ động đăng ký tham gia các khóa học về truyền thông, tự tìm tòi, tự trau dồi, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho bản thân. Tuy không ngại học hỏi và bắt nhịp công việc mới khá tốt song anh Minh đánh giá rằng không phải bạn trẻ nào quyết định làm trái ngành cũng thuận lợi và dễ dàng.

Chấp nhận rủi ro

Không phải bất cứ ai khi lựa chọn trái ngành, trái nghề cũng may mắn tìm được cho mình một công việc như mong muốn. Khi lựa chọn công việc không phù hợp với lĩnh vực được đào tạo, với người lao động khó khăn sẽ là điều dễ thấy.

Chị Phạm Linh Chi, TP Hà Nội phải dành hàng giờ để phân tích câu chữ trong hợp đồng bảo hiểm, tìm hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của các bên. Vì công việc hiện tại không liên quan nên những kiến thức chuyên sâu của ngành Triết học mà Linh Chi theo đuổi suốt 4 năm đại học. Khi đi làm tại công ty bảo hiểm, Linh Chi buộc phải học lại từ đầu.

"Vào công ty bảo hiểm, tất cả kiến thức phải học lại từ đầu nên lúc mới đầu vào rất vất vả, rất khổ. Gia đình phản đối và việc bắt nhịp với công việc cũng khó khăn. 3 - 4 tháng vẫn giậm chân tại chỗ, rất áp lực, nhiều lần mình muốn bỏ việc", Linh Chi chia sẻ.

Theo học ngành Luật nhưng lựa chọn công việc sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Nếu được lựa chọn lại, Vũ Ngọc Độ (Hải Dương) không ít lần mong muốn mình chọn đúng chuyên ngành học - phục vụ cho công việc hiện tại.

Ngọc Độ chia sẻ: "Công việc của em hiện là reviewer trên youtube và tiktok, không liên quan ngành nghề em theo học. Nếu được học lại thì em muốn học ngành truyền thông".

Mất thời gian, công sức để tiếp cận một ngành nghề mới, phần lớn người lao động làm trái ngành được khảo sát cho rằng, họ phải nỗ lực gấp đôi thậm chí gấp 3 người khác để học hỏi và bù đắp chuyên môn lẫn kỹ năng cho công việc mà họ đang thiếu.

Cũng theo các chuyên gia việc làm, nhóm lao động làm trái ngành sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi thăng tiến trong công việc, bởi nhiều đơn vị sử dụng lao động vẫn đòi hỏi bằng cấp, kinh nghiệm khi lựa chọn các vị trí cấp cao.

Hiện tượng làm việc trái ngành nghề nếu chỉ là một số ít sẽ không có vấn đề, song với những con số biết nói ở trên thì buộc các nhà quản lý, người lao động và đặc biệt là các trường đào tạo nghề nghiệp, chuyên môn và người học phải chú ý xem xét để tìm ra những hướng đi phù hợp.

Phương Thảo

Dân sinh

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/lam-trai-nganh-lam-co-hoi-nhieu-thach-thuc-20240424234836048.htm