Làm thế nào để tránh bạo lực học đường?

Gần đây, những vụ việc bạo lực học đường xảy ra liên tiếp khiến nạn nhân bị tổn hại cả về thể chất và tinh thần. Trước thực trạng này, một số chuyên gia tâm lý chia sẻ về cách phòng tránh bạo lực học đường đối với học sinh.

Gần đây, những vụ việc bạo lực học đường xảy ra liên tiếp khiến nạn nhân bị tổn hại cả về thể chất và tinh thần. Trước thực trạng này, một số chuyên gia tâm lý chia sẻ về cách phòng tránh bạo lực học đường đối với học sinh.

Hình ảnh cắt từ clip cho thấy nhóm nữ sinh bạo hành 2 em học sinh nữ lớp 8 và 9 trường THCS Phú Cường ở Hà Đông, Hà Nội hôm 26-12-2020.

Hình ảnh cắt từ clip cho thấy nhóm nữ sinh bạo hành 2 em học sinh nữ lớp 8 và 9 trường THCS Phú Cường ở Hà Đông, Hà Nội hôm 26-12-2020.

Bạo lực không có nguyên nhân

Mới đây, ngày 26-12-2020, vụ việc đau lòng tại quận Hà Đông (Hà Nội) đã xảy ra khi 2 em học sinh nữ lớp 8 và 9 trường THCS Phú Cường đi học về bị một nhóm nữ sinh khác bạo hành. Clip được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy 3 nữ sinh đạp liên tiếp vào phần bụng và đầu nạn nhân. Hai trong số nạn nhân đã phải nhập viện trong tình trạng đau đầu, buồn bôn và được chẩn đoán chấn thương sọ não.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo phòng GD-ĐT Hà Đông (Hà Nội) cho biết: "Hai nữ sinh bị đánh ở trường THCS Phú Cường không hề có mâu thuẫn gì với nhóm nữ sinh kia. Còn nhóm nữ sinh kia khi được hỏi thì trả lời "không quen biết nhưng vì nhìn không thấy thích nên đánh". Nhiều người không khỏi phẫn nộ trước thái độ và hành vi ngang ngược của nhóm nữ sinh này. Trước đó không lâu, trên mạng xã hội có lưu truyền clip một nữ sinh lớp 10 ở Bến Tre bị một nhóm bạn cùng khóa đánh hội đồng rất dã man, rồi xé rách áo dài ngay trong lớp học. Vụ việc được các học sinh khác quay lip rồi tung lên mạng khiến dư luận vô cùng giận dữ.

Tương tự, Thanh Hóa cũng xảy ra liên tiếp 2 vụ nữ sinh bị bạo lực. Cụ thể, ngày 20-11-2020, tại địa bàn xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương, một nữ sinh lớp 12, Trường THPT Quảng Xương 4, bị "đàn em" lớp 11 cùng trường bạo hành. Trong nội dung của clip được đăng tải, một nữ sinh cầm mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu bạn và sau đó bắt người này quỳ xuống đất xin lỗi trước mặt nhiều người... Có nhiều bạn học cùng trang lứa chứng kiến sự việc, nhưng không ai vào can ngăn.

Học kỹ năng phòng tránh

Những vụ việc bạo lực học đường xảy ra ngày càng gia tăng cho thấy kỹ năng ứng phó với bạo lực học đường của một bộ phận học sinh hiện nay vẫn còn hạn chế. Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý về những vụ bạo lực học đường, hầu hết trẻ gây ra bạo lực học đường hay trẻ là nạn nhân của bạo lực học đường đều là người thiếu kỹ năng sống để ứng phó trước những hoàn cảnh bạo lực cụ thể. Các kỹ năng sống đó là: Cách ứng xử, hành vi, lời nói để thoát ra khỏi những bế tắc trong các tình huống nảy sinh bạo lực như bắt nạt, cô lập, hành hung...

Trước những trường hợp nạn nhân bị đánh chỉ vì đối tượng hành hung "không thấy thích" thì sẽ xử trí ra sao? TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội - người từng "gỡ" nhiều ca học sinh cá biệt ở trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho biết: "Những tình huống này không hề xa lạ. Các em gặp phải tình huống trên cần được học kỹ năng đối phó từ trước. Trước hết, học sinh nên bình tĩnh để tìm cách thoát thân, cầu cứu người xung quanh". Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội là một trong những trường THPT đầu tiên ở Hà Nội có phòng tâm lý học đường. TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết: "Phòng tâm lý này chính là nơi học sinh "dốc bầu tâm sự" của tuổi mới lớn, những xích mích với bạn bè, gia đình. Trường cũng mở một số buổi tập huấn kỹ năng xử lý tình huống khi gặp đối tượng côn đồ có ý định tấn công, hành hung. Mặt khác, quy định hiện hành chỉ phạt hành chính với những trường hợp bạo lực học đường thương tích nhẹ là chưa đủ sức răn đe".

PGS Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: Những học sinh rơi vào các vụ việc bạo lực học đường nghiêm trọng thường là các em có vấn đề về tâm lý, do bị ức chế quá mức, không kiểm soát được cảm xúc. Nếu vấn đề tâm lý của các em được phát hiện sớm, các em được hỗ trợ và tư vấn thì sẽ giảm được những vụ việc bạo lực học đường".

Gia đình cũng phải chịu trách nhiệm

Theo các chuyên gia, bạo lực học đường (BLHĐ) còn có trách nhiệm của gia đình, không chỉ của riêng nhà trường.

Trong khi hiện nay việc xử lý các vấn đề, ở nhà trường hầu hết chỉ dừng ở việc tổ chức hòa giải, kỷ luật cảnh cáo hay đình chỉ việc học tập... Và đây mới chỉ là cách để giải quyết phần ngọn. Theo các chuyên gia tâm lý học, cần thẳng thắn nhìn nhận công tác tuyên truyền của các nhà trường còn yếu và thiếu, chưa đánh trúng vào tâm lý của đối tượng học sinh tuổi mới lớn, nhất là các bạn nữ. Một đứa trẻ bị bắt nạt cho thấy các em đang ở thế yếu hơn. Vì thế trẻ thường có tâm lý bất an, lo sợ và tự nghĩ nếu nói ra sự thật thì đối phương sẽ trả thù. Bởi vậy, để ngăn chặn được tận gốc của nạn bạo lực học đường, bên cạnh vai trò của nhà trường, hơn ai hết, gia đình, phụ huynh phải là người hiểu con mình nhiều nhất, là niềm tin tuyệt đối để con tâm sự, sẻ chia và là chỗ dựa vững chắc của con. Cha mẹ cũng phải là bác sĩ tâm lý giỏi nhất để điều trị lành vết thương mỗi khi con bị "va vấp".

"Cần phải có chương trình giáo dục hành vi làm cha mẹ không bạo lực ở gia đình, đó là nền tảng rất quan trọng góp phần phòng chống bạo lực học đường. Bên cạnh đó có thể là chương trình an toàn trong khu dân cư, phố (thôn, xóm), phường (xã)... thuộc sự quản lý của các cơ quan, ngành chức năng khác ngoài ngành giáo dục. Đó là những nền tảng không thể thiếu trong phòng chống bạo lực học đường", PGS Trần Thành Nam cho biết.

B.T

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_237477_lam-the-nao-de-tranh-bao-luc-hoc-duong-.aspx