Làm sao để tránh 'vết xe đổ'?

Trong kế hoạch chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 vừa ban hành, TP Hà Nội đề ra hàng loạt giải pháp, trong đó có nghiên cứu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp. Tuy nhiên, trước thất bại của nhiều dự án, lần thí điểm giảm ùn tắc giao thông trước đó, người dân và chuyên gia lo ngại lần thí điểm này có thể đi vào 'vết xe đổ'.

Thông tin cụ thể về giải pháp này, ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: Ngày 5-4-2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP “Về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025”, trong đó giao cho UBND các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nghiên cứu thí điểm làn đường dành cho xe đạp. Trên cơ sở đó, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 235/KH-UBND ngày 31-8-2022 đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cụ thể, trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu thí điểm làn đường dành cho xe đạp trên địa bàn thành phố. “Hiện nay, Sở Giao thông vận tải được thành phố giao chủ trì, phối hợp với công an thành phố cùng các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã có liên quan nghiên cứu, đề xuất, triển khai thí điểm bố trí làn đường đi ưu tiên cho xe đạp trên một số tuyến đường phù hợp, bảo đảm an toàn giao thông. Nội dung này mới đang ở bước nghiên cứu”, ông Trần Hữu Bảo cho biết thêm.

 Người dân đạp xe trên phố Nguyễn Đình Thi, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Ảnh: THÁI HƯNG

Người dân đạp xe trên phố Nguyễn Đình Thi, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Ảnh: THÁI HƯNG

Trước thông tin này của thành phố, chị Lê Thị Thảo, ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, làm việc tại phường Kim Mã, quận Ba Đình, chia sẻ: “Nếu có làn đường dành riêng cho xe đạp, tôi sẽ bỏ xe máy để sử dụng xe đạp. Tôi rất muốn đạp xe đi làm để rèn luyện sức khỏe, nhưng hiện tại thành phố không có làn đường riêng cho xe đạp nên đi lại rất khó khăn”. Còn anh Vũ Tiến Xuân, người dân phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân cho biết: “Cách đây khoảng 8 năm, TP Hà Nội thí điểm đề án cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng tại 4 điểm trường: Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Điện lực, Đại học Thương mại và Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Mức giá cho thuê xe từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, dự án này cũng nhanh chóng thất bại vì sự thờ ơ của người dân do thói quen sử dụng xe máy, xe điện; thiếu điều kiện hạ tầng cơ sở. Vì thế, lần thí điểm này, thành phố phải tính toán kỹ xem có thực hiện thí điểm không. Nếu có thì phải cẩn trọng triển khai từng bước và đánh giá kết quả một cách nghiêm túc để tránh lãng phí ngân sách nhà nước”.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia về giao thông, việc tách riêng làn đường xe đạp với xe máy, ô tô tại Hà Nội là có khả thi. Xe đạp rất phù hợp cho đoạn đường từ 6km đến 7km. Ông cho rằng, để tách làn riêng cho xe đạp thì mặt đường phải bảo đảm từ 25m đến 30m trở lên và làn xe đạp chỉ cần rộng từ 1m đến 1,5m, có rào chắn mềm để tách riêng. Thành phố cũng phải khảo sát xem lượng người đi xe đạp trên từng tuyến là bao nhiêu để quyết định có tách làn hay không; bố trí các điểm trông, giữ phù hợp; kết nối thuận tiện với hệ thống giao thông công cộng. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cũng đặt vấn đề việc cơ quan, cá nhân nào sẽ chịu trách nhiệm quản lý làn đường xe đạp? Tuyến phố này có làn đường riêng cho xe đạp nhưng tuyến phố khác thì không, như vậy liệu có ích nữa hay không? Ông cho rằng, để giảm ùn tắc thì thành phố phải đồng bộ nhiều giải pháp từ phát triển hạ tầng đô thị, giao thông công cộng, giảm mật độ dân cư...

Những băn khoăn, lo lắng của người dân Thủ đô trước thông tin thành phố thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp là có cơ sở bởi nhiều dự án với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội đã thất bại, tiêu tốn không ít ngân sách nhà nước và làm giảm sút niềm tin của người dân. Ngoài dự án cung cấp xe đạp dịch vụ nêu trên, có thể kể hàng loạt dự án thất bại khác của Hà Nội như: Xe buýt nhanh BRT; dự án xe buýt dành riêng cho phụ nữ và trẻ em do Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công ty Vận tải Hà Nội dự kiến thí điểm từ ngày 5-1-2015; lắp đặt dải phân cách cứng phân làn đường ô tô, xe máy những năm từ 2010 đến 2014... Chính vì thế, trước khi thí điểm, TP Hà Nội cần cân nhắc, tính toán kỹ các vấn đề phát sinh.

LINH AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/lam-sao-de-tranh-vet-xe-do-707449