Làm sạch hệ tiêu hóa tại nhà bằng muối biển, bạn đã biết cách?

Có một số biện pháp tự nhiên hỗ trợ cải thiện sức khỏe đường ruột như bổ sung những thực phẩm chứa lợi khuẩn, ăn nhiều rau củ, trái cây. Ngoài ra có thể định kỳ làm sạch hệ tiêu hóa bằng muối biển. Tuy nhiên có những lưu ý khi áp dụng phương pháp này để thực hiện hiệu quả và an toàn cho sức khỏe.

Nội dung

1. Một số cách đơn giản làm sạch đại tràng

2. Muối Himalaya và muối biển Celtic là muối gì?

3. Cách làm sạch đại tràng bằng muối biển

4. Nên thực hiện tẩy rửa bằng muối bao lâu một lần?

5. Rủi ro và tác dụng phụ

1. Một số cách đơn giản làm sạch đại tràng

Theo ThS.BS Trần Đức Cảnh, Khoa Nội soi và thăm dò chức năng, Bệnh viện K, có một số cách đơn giản giúp chúng ta làm sạch hệ tiêu hóa tại nhà dưới đây:

Uống nhiều nước và ăn các thực phẩm chứa nhiều nước như dưa hấu, cà chua hay rau diếp.
Chế độ ăn nhiều chất xơ như rau quả, ngũ cốc.
Nước trái cây và sinh tố là thực phẩm làm sạch đại tràng phổ biến, ngoài ra còn bổ sung thêm vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa và sức khỏe tổng thể.
Bổ sung các probiotic bằng các loại sữa chua.
Sử dụng các loại trà thảo mộc có nguồn gốc rõ ràng giúp điều trị táo bón và làm sạch hệ tiêu hóa.
Ngoài ra cũng có thể thử với muối biển như muối Himalaya, muối biển Celtic. (Người yếu, người có bệnh lý không sử dụng cách này.)

Không nên lạm dụng muối biển để làm sạch hệ tiêu hóa.

2. Muối Himalaya và muối biển Celtic là muối gì?

Muối Himalaya là một loại muối có màu hồng có nguồn gốc gần dãy núi Himalaya ở Nam Á. Muối Himalaya được khai thác ở vùng Punjab của Pakistan, gần chân đồi Himalaya. Nguồn gốc của khoáng chất có từ hàng trăm triệu năm trước, khi muối được lắng đọng trong một đầm phá thời tiền sử.

Là một khoáng chất, muối Himalaya không chứa calo, đạm, đường, chất béo, chất xơ hay carbohydrate mà chỉ chứa natri và những khoáng chất vi lượng chủ yếu là: canxi, kali, magie.

Không có nghiên cứu nào cho thấy muối Himalaya có bất kỳ lợi ích sức khỏe độc đáo hơn so với các loại muối ăn kiêng khác. Cần lưu ý, các tạp chất khoáng tạo nên màu hồng, thường được quảng cáo là có lợi cho sức khỏe, lại có nồng độ quá thấp để hỗ trợ dinh dưỡng. Tuy nhiên, việc sử dụng muối biển trong đó có muối Himalaya đã trở nên nổi tiếng khi nhiều người lựa chọn để làm sạch hệ thống tiêu hóa, góp phần bài tiết chất thải tích trữ dưới dạng độc tố.

Muối biển Celticcòn được gọi là muối xám, được thu hoạch từ nước biển ở các cửa sông gần thị trấn Gúerande của Pháp. Khi thủy triều lên, nước biển lắng đọng trong các nơi có phù sa sét, nơi tác động kết hợp của gió và mặt trời tạo thành nước muối đậm đặc. Sau đó, nước muối được dẫn đến các chảo muối cạn được đào trong đất sét bản địa và kết tinh thông qua quá trình bay hơi của mặt trời để tạo thành các tinh thể muối. Đất sét từ phù sa cũng như từ các chảo muối truyền tạo nên màu xám đặc trưng của loại muối này. Đây là một loại muối thô thường được thu hoạch với độ ẩm 15%, trong khi hầu hết muối biển và muối sản xuất thương mại đều duy trì độ ẩm dưới 1%.

100 g nồng độ muối biển Celtic hòa tan bao gồm:

Natri 34 gam
Canxi 287 mg
Kali 109 mg
Magiê 34 mg
Sắt 11 mg,
Mangan 1 mg
Kẽm 0,35 mg

Muối hồng Himalaya.

3. Cách làm sạch đại tràng bằng muối biển

Thanh lọc bằng nước muối biển Himalaya hay muối biển Celtic được cho là có hiệu quả nhất nếu bạn thực hiện nó vào buổi sáng khi bụng đói. Nếu làm điều đó muộn hơn trong ngày, cần đảm bảo rằng không ăn bất cứ thứ gì trong một đến hai giờ qua. Chìa khóa ở đây là uống hỗn hợp này khi không có nhiều thứ khác trong hệ thống tiêu hóa và hấp thụ dung dịch càng nhiều càng tốt để nhận được nhiều tác dụng "làm sạch" nhất.

Công thức làm sạch nước muối biển:

2 thìa cà phê muối biển (1 thìa cà phê khoảng 4-5 g)
1 hũ thủy tinh có nắp
1 lít nước lọc ấm nóng
2 thìa nước cốt chanh tươi hoặc một cốc nước chanh

Đun nóng một lít nước lọc nhưng không đun sôi hoặc quá nóng (nước ấm hơn nhiệt độ phòng, thấp hơn nhiệt độ sử dụng để pha trà hoặc cà phê).

Lấy một lọ thủy tinh có nắp và thêm muối, nước nóng và một ít nước cốt chanh tươi hoặc nước chanh (giúp giảm bớt vị mặn), sau đó đậy nắp lại và lắc mạnh để muối thực sự hòa tan hoàn toàn. Điều này rất quan trọng vì khi muối biển hòa tan hoàn toàn vào nước, nó sẽ giúp các cơ quan tiêu hóa xử lý hỗn hợp một cách hiệu quả và an toàn nhất.

Uống hỗn hợp một cách nhanh chóng, trong vòng vài phút nếu có thể (dưới 5 phút là mục tiêu).

Mục tiêu của xả muối là đưa nước xuống đường ruột. Đôi khi nước mặn không chảy vào đường ruột đúng cách. Để có kết quả tốt nhất, hãy uống dung dịch nước muối được khuyến nghị và sau đó nằm nghiêng về bên phải trong 30 phút. Điều này đảm bảo rằng nước muối sẽ nhanh chóng rời khỏi dạ dày và đi vào ruột non. Nằm nghiêng và xoa bóp bụng ở một bên, sau đó lặp lại với bên còn lại. Lỗ thông từ dạ dày vào ruột non trông giống như vòi ấm trà. Khi nước muối ở trong ruột non, các cơn co thắt cơ sẽ đưa nó xuống phần còn lại. Trong khoảng một giờ, có thể xoa bóp bên trái bụng dưới và nghe thấy tiếng ọc ọc của chất lỏng. Đây là những chất lỏng đã chảy vào ruột già gần như đã sẵn sàng để đào thải.

Trong một thời gian ngắn sau khi hoàn thành hỗn hợp, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy muốn đi vệ sinh và có thể phải đi vệ sinh nhiều lần để "làm sạch" hoàn toàn đại tràng.

4. Nên thực hiện tẩy rửa bằng muối bao lâu một lần?

Có thể thực hiện một vài lần xả trong khoảng thời gian đầu nếu muốn nhưng không phải liên tục hàng ngày. Thỉnh thoảng thanh lọc bằng nước muối có thể là một cách an toàn và trị liệu để làm sạch hệ tiêu hóa, nhưng nếu thực hiện quá thường xuyên sẽ dẫn đến các vấn đề về cân bằng chất điện giải và các tác dụng phụ có thể nguy hiểm (mất nước, chóng mặt, thay đổi huyết áp, yếu cơ, mệt mỏi…). Tốt nhất là sau vài tuần để cơ thể có đủ thời gian điều chỉnh lại và tái tạo lại hệ vi sinh vật bằng vi khuẩn tốt.

Xả muối giúp hầu hết mọi người đào thải trong vòng 30 đến 60 phút và có thể kích thích đào thải thứ cấp trong hai giờ hoặc hơn sau đó.

Nếu thực hiện quá thường xuyên sẽ dẫn đến các vấn đề về cân bằng chất điện giải và các tác dụng phụ có thể nguy hiểm.

5. Rủi ro và tác dụng phụ

Không nên lạm dụng cách làm sạch hệ tiêu hóa với muối biển. Cách tốt nhất vẫn là uống đủ nước, ăn các thực phẩm có chứa chất xơ, bổ sung men vi sinh... Phương pháp làm sạch với muối chỉ nên áp dụng với người trưởng thành, khỏe mạnh, không có bệnh lý. Những người có bệnh lý tiêu hóa nặng, tăng huyết áp, suy tim, suy thận... không sử dụng cách này.

Làm sạch bằng muối biển có thể gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn hoặc suy nhược ở một số người. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Khoa Phẫu thuật Đại trực tràng tại Bệnh viện Hoàng gia Melbourne ở Australia đã phát hiện ra rằng hỗn hợp muối dường như gây ra tác dụng phụ tương tự như các chất làm sạch ruột kết khác (như chuột rút, buồn nôn…).

Ngoài ra, hãy chú ý đến phản ứng của cơ thể khi thực hiện phương pháp này và cho bản thân nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, nên bổ sung men vi sinh và bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh, giúp thiết lập vi khuẩn lành mạnh trong hệ vi sinh vật đường ruột bên trong khi dùng muối để làm sạch hệ tiêu hóa.

Nên dùng loại muối hồng Himalaya, muối biển Celtic có màu hơi xám, không phải loại màu trắng rẻ tiền và được bán giá vài nghìn đồng một kg ở hầu hết các cửa hàng tạp hóa.

Hoàng Nam

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lam-sach-he-tieu-hoa-tai-nha-bang-muoi-bien-ban-da-biet-cach-169230809235545717.htm