Làm rõ việc có đồng phạm hay không trong vụ lừa đảo hơn 4,5 tỉ đồng

Từ một người làm nghề buôn bán các loại thực phẩm (rau, thịt, cá,…), Võ Thị Vân đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 27 người dân thông qua hình thức mua heo, vay mượn tiền… nhưng không trả với số tiền trên 4,5 tỷ đồng.

Theo cáo trạng truy tố, Võ Thị Vân (SN 1983, quê quán: huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định; nơi ĐKHKTT: Tổ 5, phường Tây Sơn, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai; nơi tạm trú: thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), làm nghề buôn bán các loại thực phẩm (rau, thịt, cá) tại thị xã An Khê.

Trong thời gian từ tháng 10/2017 đến tháng 01/2021, Vân nhiều lần bán hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho Tiểu đoàn Cối 100 và Tiểu đoàn 1 thuộc Sư đoàn 2, Quân khu 5 (đóng quân tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai). Các đơn vị này đã thanh toán tiền và chấm dứt việc mua bán với Vân.

Khoảng thời gian từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, do làm ăn thua lỗ và vay mượn nhiều người, Võ Thị Vân không còn khả năng tài chính duy trì hoạt động làm ăn, buôn bán nên nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền, tài sản của người khác, để tiêu xài và trả nợ cá nhân.

Bị cáo Võ Thị Vân tại phiên tòa.

Bị cáo Võ Thị Vân tại phiên tòa.

Trong thời gian từ tháng 2/2021 đến tháng 5/2022, Vân đã nói dối cần tiền vốn để mua heo và nhập hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho các đơn vị bộ đội để lừa vay mượn tiền và mua chịu hàng hóa, lương thực thực phẩm.

Để mua nợ heo của các hộ dân, Vân đưa ra giá mua cao hơn các thương lái khác và nói là mua heo bán cho các đơn vị bộ đội, phải từ 5 đến 10 ngày đơn vị mới thanh toán tiền để Vân trả cho các hộ mua heo. Từ đó, Vân làm cho người khác tin tưởng cho mượn tiền, bán heo và các hàng hóa lương thực thực phẩm khác rồi chiếm đoạt.

Mua vào với giá cao, nhưng Vân lại bán với giá thấp hơn thị trường, tiền bán được Vân trả một phần cho người bán, phần còn lại Vân chiếm đoạt cùng với số tiền vay mượn.

Với thủ đoạn trên, Võ Thị Vân đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 27 người dân trên địa bàn thị xã An Khê và huyện Đak Pơ với số tiền hơn 4,5 tỉ đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm mới diễn ra, HĐXX TAND tỉnh Gia Lai đã ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung một số nội dung liên quan, cũng như xác định rõ có hay không các đồng phạm trong vụ án.

Cụ thể, theo lời khai của các bị hại bán heo cho Vân tại phiên tòa: Khi đi giao dịch mua heo, bị cáo thường đi cùng Võ Thị Hạnh. Những lần khác, Hạnh đi một mình thực hiện cân heo và chở heo đi. Những lần này Hạnh đều nói với các bị hại là mua heo để Vân giao cho đơn vị quân đội và sẽ trả tiền sau.

Ngoài ra, trong những lần đi mua heo, Hạnh trực tiếp viết giấy và ký tên xác nhận nợ hoặc viết giấy và ký tên, còn Vân viết số tiền.

Khi các bị hại gọi điện thoại cho Hạnh để đòi nợ, Hạnh đưa ra thông tin là đơn vị bộ đội chưa trả tiền hoặc do đơn vị bộ đội bận công tác khác nên chưa lấy được tiền.

Nhiều khi, Hạnh cho rằng chỉ đi cân heo thuê cho Vân và chuyển số điện thoại của Vân cho các bị hại gọi trực tiếp cho Vân đòi tiền.

Bị cáo Vân xác nhận giai đoạn từ tháng 2/2021-5/2022, bị cáo mới thuê Hạnh và trả tiền công theo ngày. Bị cáo Vân xác nhận, bản thân mình nói với Hạnh là mua heo giao cho đơn vị bộ đội, chứ Hạnh không biết bị cáo có giao heo cho bộ đội hay không.

Như vậy, Hạnh chỉ nghe Vân nói là mua heo về giao cho đơn vị bộ đội, chưa lần nào thấy Vân giao cũng như không biết Vân có giao heo cho bộ đội hay không.

Hơn nữa, sau khi mua heo thì bị hại liên tục gọi điện đòi nợ, Hạnh nhiều lần trả lời các bị hại là do đơn vị bộ đội chưa thanh toán tiền. Hạnh biết rõ việc Vân chưa trả tiền cho các bị hại, nhưng vẫn tiếp tục đi mua heo để cho Vân bán nên có dấu hiệu đồng phạm giữa Hạnh với Vân.

Đối với những người chở heo cho Vân, Hạnh là anh Nguyễn Văn Quế, Trần Văn Hải, Đới Quang Phức và người chở Vân đi tìm mua heo là Nguyễn Thị Thu Thủy cần phải tiếp tục điều tra làm rõ có phải là đồng phạm với Vân không.

Quế, Hải, Phức có nghe Vân, Hạnh nói đến việc giao heo cho đơn vị bộ đội hay không. Ngoài ra, những người này đã giao lần nào chưa? Tại sao không thấy Vân, Hạnh giao heo cho đơn vị quân đội mà vẫn tiếp tục chở?

Đối với việc Vân chiếm đoạt hàng hóa của bà Nguyễn Thị Thanh V. là do bị cáo Vân cho bị hại V. xem “hợp đồng mua bán hàng hóa” giữa bị cáo Vân với đơn vị bộ đội nên bị hại V. mới tin tưởng giao hàng cho bị cáo.

Hồ sơ thể hiện, hợp đồng này là do Phức cho bị cáo Vân mượn chứng minh nhân dân, Phức đứng trước tiệm photocopy chờ Vân thuê đánh máy và mang hai hợp đồng ra.

Phức tự dùng hai màu mực khác nhau để ký hai hợp đồng và cả hai hợp đồng này Phức đều ký giả tên người khác là Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Văn Thanh (đại diện đơn vị bộ đội (bên mua)), bị cáo Vân là bên bán, còn người được ủy quyền thanh toán trong điều khoản hợp đồng là bị hại V. Phức biết rõ bà V là người bán hàng hóa mà Phức thường đến chở cho Vân.

Như vậy, Phức đã cùng Vân làm giả hợp đồng để Vân sử dụng đưa cho bị hại làm tin. Do đó, cần điều tra làm rõ Phức có đồng phạm hay che giấu cho hành vi phạm tội của Vân không.

Đối với Nguyễn Thế Phương chung sống như vợ chồng từ năm 2018 và có con chung với bị cáo Vân cũng cần phải đối chất, thu thập lời khai làm rõ việc Phương, Vân, Hạnh có bàn bạc gì với nhau không, Phương có đến chở heo tại nhà bị hại không, vì sao Phương không đến chở heo tại nơi Vân mua mà chờ ở khu vực cầu Sông Ba để sang heo qua xe Phương rồi giúp Vân chở đi bán... để kết luận Phương có đồng phạm hay che giấu, không tố giác tội phạm không.

Trần Sỹ

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/lam-ro-viec-co-dong-pham-hay-khong-trong-vu-lua-dao-hon-4-5-ti-dong-382377.html