Làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản văn hóa

Luật Di sản (sửa đổi) sẽ quy định rõ hơn về quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương các cấp, các cộng đồng chủ thể của di sản trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng.

Bảo vệ di sản

Việc xin ý kiến dự thảo Luật Di sản (sửa đổi) diễn ra trong bối cảnh vụ lấn biển xây dựng khu đô thị xảy ra phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh thời gian vừa qua gây xôn xao dư luận. Theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL Lê Thị Thu Hiền, khu vực thực hiện dự án ở vùng đất đồi núi, đầm lầy, khu nuôi thả vịt, không có người dân, không có di sản, di tích, không có quy hoạch du lịch. Đây cũng là khu vực cuối vịnh Bái Tử Long đổ ra biển. Tuy nhiên việc triển khai vẫn phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.

Việc đổ đất đá xuống vùng đệm vịnh Hạ Long gây lo ngại cho môi trường, đe dọa di sản. Ảnh: Hoàng Dương/Tienphong.

Việc đổ đất đá xuống vùng đệm vịnh Hạ Long gây lo ngại cho môi trường, đe dọa di sản. Ảnh: Hoàng Dương/Tienphong.

“UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành thanh tra, rà soát, có biện pháp ngăn chặn xử lý kịp thời, dừng thực hiện dự án sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ VHTT&DL về việc này. Chúng tôi đánh giá đây là biện pháp kịp thời, đúng đắn, phù hợp với quy định của pháp luật cũng như văn bản của Cục Di sản, Bộ VHTT&DL ban hành” - bà Lê Thị Thu Hiền cho biết và khẳng định, ô nhiễm môi trường ở đây không chỉ là vấn đề rác thải, chất thải mà còn ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của động thực vật và hệ sinh thái chung của di sản.

Về việc này, trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cũng đã bổ sung quy định về điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới. Trong đó nêu rõ khu vực bảo vệ I của di tích, di sản chỉ được điều chỉnh khi có phương án điều chỉnh đảm bảo việc bảo tồn nguyên vẹn yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di tích. Cùng với đó, vùng II (vùng đệm) của di tích chỉ được phép điều chỉnh khi phương án điều chỉnh bảo đảm được việc ngăn chặn các yếu tố có thể tác động, làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo vệ được cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di tích. Đặc biệt dự thảo cũng quy định biện pháp xử lý đối với các trường hợp di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam sau khi được đưa vào các danh sách của UNESCO không thực hiện đúng chương trình hành động bảo vệ di sản đã cam kết với UNESCO.

Đặc biệt, Cục trưởng Cục Di sản cho biết, dự thảo Luật Di sản (sửa đổi) sẽ quy định rõ hơn về quyền hạn, trách nhiệm cũng như trách nhiệm quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương các cấp có di sản cũng như các cộng đồng chủ thể của di sản trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng.

Tăng đãi ngộ với nghệ nhân

Theo Luật Di sản hiện hành, chính sách đãi ngộ với các nghệ nhân, những người nắm giữ và thực hành di sản văn hóa phi vật thể còn nhiều hạn chế như việc chi trả chậm, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được thực tiễn, vẫn còn thiên về danh hiệu hơn.

NNƯT Nguyễn Văn Quyền hướng dẫn các em nhỏ làm đèn ông sao.

NNƯT Nguyễn Văn Quyền hướng dẫn các em nhỏ làm đèn ông sao.

Giám đốc Sở VHTT&DL Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy cho hay chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể còn chậm, chưa đáp ứng được thực tế, thiếu đồng bộ, thiên về danh hiệu.

Mặc dù đã có những văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa liên quan tới nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể, tuy nhiên, chính sách đối với nghệ nhân vẫn còn nhiều nội dung khác mà hệ thống văn bản này chưa đề cập đến hoặc có đề cập nhưng còn nhiều vướng mắc trong thực hiện.

Theo ông Nguyễn Đắc Thủy, việc phong tặng các danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú bị chi phối bởi Luật Thi đua, Khen thưởng và các chính sách cũng đang chỉ tập trung vào nghệ nhân đã có danh hiệu. Ông Nguyễn Đắc Thủy đề nghị bổ sung thêm điều khoản về đãi ngộ nghệ nhân trong Dự thảo Luật.

Dự thảo Luật Di sản (sửa đổi) đề xuất bổ sung các quy định về chính sách đãi ngộ để tạo điều kiện cho các nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể có thể đóng góp hơn nữa vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng thông qua các hoạt động như: tôn vinh, hỗ trợ kinh phí thực hành, mở lớp truyền dạy… hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các nhóm, câu lạc bộ, cộng đồng thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Căn cứ tình hình của địa phương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và ban hành chế độ đãi ngộ quy định trên để thực hiện trên địa bàn. Trường hợp nghệ nhân sau khi được phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước mà sau đó có cơ sở xác định không đủ tiêu chuẩn thì Bộ trưởng Bộ VHTTDL trình Chủ tịch nước quyết định rút danh hiệu. Đối với các nghệ nhân chưa đủ tiêu chuẩn trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu, Chính phủ quy định thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, thành phố có hình thức khen thưởng phù hợp.

Minh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lam-ro-trach-nhiem-quan-ly-nha-nuoc-ve-di-san-van-hoa.html