Làm rõ trách nhiệm pháp lý của người đàn ông nước ngoài

Liên quan đến vụ án người phụ nữ bắt cóc 2 bé gái để quay clip khiêu dâm, luật sư cho rằng, ngoài xem xét cac tội danh của người phụ nữ, cũng cần xem xét vai trò của người đàn ông ngoại quốc được đối tượng đã nêu ra.

Vụ bắt cóc 2 bé gái để quay clip khiêu dâm:

Đối tượng Phạm Huỳnh Nhật Vi. Ảnh: CACC

Bắt cóc trẻ em để quay clip khiêu dâm

Ngày 10/4, CA Quận 1 đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Huỳnh Nhật Vi (21 tuổi, quê Tiền Giang) về tội Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. Qua điều tra, cơ quan chức năng bước đầu xác định, Vi quen một người đàn ông nước ngoài và được anh ta chu cấp tiền. Ngoài ra, người này còn yêu cầu Vi tìm mấy bé gái để quay clip khiêu dâm. Sau khi nhắm đến 2 đứa bé ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, Vi thuê căn hộ cao cấp tại chung cư Saigon Pearl với giá 18 triệu đồng/tháng từ ngày 3/4.

Tối hôm đó, bị can đến phố đi bộ Nguyễn Huệ, dẫn dụ 2 bé gái về chung cư trên và thực hiện hành vi đê hèn rồi gửi cho bạn trai. Kiểm tra điện thoại của bị can, cơ quan chức năng tìm thấy nhiều hình ảnh, clip nhạy cảm của các nạn nhân. Hiện vụ việc được CQCA điều tra, làm rõ. Trước đó, ngày 6/4, CA phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh tiếp nhận nguồn tin từ chị N.T.C, SN 1997, trú tại phường Tân Hưng, Quận 7, về việc bị thất lạc hai con ruột là cháu N.K.T.M, SN 2017 và cháu L.H.T.L, SN 2021 tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ (phường Bến Nghé, Quận 1) từ tối 3/4, mặc dù chị đã tự đi tìm và liên hệ tại nhiều nơi nhưng không tìm thấy 2 cháu bé.

Khẩn trương truy xét, Phòng Cảnh sát hình sự CATP Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp CA Quận 1, CA quận Bình Thạnh rà soát và phát hiện đối tượng Phạm Huỳnh Nhật Vi, SN 2003, trú tại huyện Gò Công Đông, Tiền Giang, khi đang khống chế 2 cháu bé con chị N.T.C tại một căn hộ thuộc chung cư Saigon Pearl. Lực lượng chức năng đã nhanh chóng khống chế đối tượng, giải cứu 2 cháu bé an toàn. Chỉ chưa đầy 42 giờ sau khi tiếp nhận thông tin về việc 2 cháu bé bị mất tích, phòng PC02 đã phối hợp với CA Quận 1 và các đơn vị nghiệp vụ, địa phương có liên quan khẩn trương giải cứu, trao trả 2 cháu bé cho gia đình đảm bảo an toàn.

Cần làm rõ trách nhiệm pháp lý của người đàn ông nước ngoài

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, bắt cóc trẻ em là nỗi ám ảnh không chỉ với trẻ em mà với cả người lớn, bởi hành vi bắt cóc trẻ em chỉ là khởi đầu cho một chuỗi những tội ác, bất hạnh có thể sẽ diễn ra ngay sau đó nên hành vi này cần được ngăn chặn và xử lý nghiêm minh.

Luật sư Nguyên viện dẫn, Luật Trẻ em quy định, trẻ em là người dưới 16 tuổi, nghiêm cấm các hành vi: bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em... Hành vi bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến các quyền cơ bản của trẻ em, tiềm ẩn nhiều hệ lụy, tiêu cực cho xã hội, tạo ra bi kịch buồn đau cho cha mẹ trẻ em.

Bởi vậy, người thực hiện hành vi bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi chiếm đoạt người dưới 16 tuổi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi” theo quy định tại Điều 153, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 với khung hình phạt từ 3 năm đến 7 năm tù. Trường hợp hành vi được xác định là có tổ chức, đối với từ hai người trở lên, phạm tội hai lần trở lên thì mức hình phạt có thể từ 5 năm đến 10 năm tù... Nếu hành vi được xác định là có tính chất chuyên nghiệp hoặc tái phạm nguy hiểm thì có thể tới 15 năm tù.

Còn theo luật sư Nguyễn Phương Tuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Điều 147, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, hình phạt đối với tội "Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm" được quy định như sau: Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức, 2 lần trở lên, đối với 2 người trở lên, đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh, có mục đích thương mại… thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên làm nạn nhân tự sát sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Cũng theo luật sư Nguyễn Phương Tuyến, ngoài ra, cần làm rõ trách nhiệm pháp lý của người đàn ông nước ngoài. Theo luật sư, cần xác định rõ các vấn đề về nhân vật này. Đó là người đàn ông đó hiện có ở Việt Nam hay không và vai trò của người đàn ông trong vụ án là gì.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/lam-ro-trach-nhiem-phap-ly-cua-nguoi-dan-ong-nuoc-ngoai-376888.html