Làm rõ nguyên nhân, cụ thể hướng giải quyết

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Nghệ An diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn. Nhiều vấn đề dân sinh bức xúc như: khắc phục tình trạng người dân quay lưng với cây cam; phòng, chống bạo lực học đường; bảo đảm các mô hình tư vấn, hỗ trợ học sinh trong nhà trường hoạt động hiệu quả… đã được yêu cầu làm rõ nguyên nhân, cụ thể hướng khắc phục, giải quyết.

Kết nối thị trường để giữ thương hiệu cam Vinh

Trả lời chất vấn nguyên nhân người dân quay lưng với cây cam, giải pháp khắc phục của đại biểu Vi Văn Quý, Giám đốc Sở NN - PTNT Phùng Thành Vinh cho biết: thời gian qua, vì lợi nhuận cao nên người dân phát triển ồ ạt cây cam không theo quy hoạch. Do không kiểm soát giống, quy trình sản xuất, đất bị thoái hóa, điều kiện thời tiết khí hậu ngày càng cực đoan dẫn đến bất lợi cho sinh trưởng, phát triển của cây cam… Sở đã trình UBND tỉnh ban hành chương trình phục hồi, phát triển cam Vinh. Theo đó, sẽ đánh giá lại quy hoạch để phục hồi như trồng các cây họ đậu, dưa… Diện tích cam còn lại tiếp tục thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học chăm sóc và nhân rộng, kết nối thị trường để giữ được thương hiệu cam Vinh.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành trả lời chất vấn. Ảnh: T. Cường

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành trả lời chất vấn. Ảnh: T. Cường

Trước câu hỏi của đại biểu Phạm Tuấn Vinh về giải pháp khắc phục những hạn chế để phát triển sản phẩm OCOP, Giám đốc Sở NN - PTNT cho rằng: điều quan trọng hiện nay là việc phát triển các sản phẩm OCOP phải đi theo hướng bảo đảm sản xuất bền vững, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu. Do đó, cần quy hoạch lại theo vùng, miền, tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển vùng nguyên liệu cung cấp… Mặt khác, việc phát triển các sản phẩm OCOP, yếu tố hỗ trợ của Nhà nước chỉ chiếm 20 - 30%, ngoại trừ chính sách đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ được hỗ trợ 100%. Do đó, sản phẩm OCOP muốn phát triển bền vững phải tìm doanh nghiệp đầu tư và bản thân hộ sản xuất, kinh doanh phải có nguồn lực thực hiện.

Liên quan đến phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm, kết nối với Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM và sản phẩm OCOP, ông Phùng Thành Vinh cho biết: UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM. Trước hết, rà soát lại các sản phẩm có thể tham gia loại hình du lịch canh nông. Từ đó, phối hợp với Sở Du lịch tham mưu UBND tỉnh quy hoạch theo hướng du lịch ở nông thôn hợp lý, khoa học và bền vững.

Thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách tín dụng, đất đai; phát triển các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tạo các khu rừng đặc dụng, phòng hộ theo đúng Luật Lâm nghiệp; tổ chức rà soát, thống kê cụ thể về xây dựng các mô hình thí điểm du lịch canh nông để đánh giá kết quả, tồn tại, hạn chế mỗi mô hình, từ đó nhân rộng.

Quan tâm giáo dục, trang bị kỹ năng sống cho học sinh

Trước câu hỏi về tình trạng bạo lực học đường xảy ra ở mọi lứa tuổi, cấp học và giới tính của đại biểu Trình Văn Nhã, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành nhấn mạnh: giải pháp phòng ngừa chính là phải quan tâm giáo dục, trang bị kỹ năng sống cho học sinh, nhất là kỹ năng xử lý các tình huống, tự vệ trước những tác động có thể gây bạo lực...

Thừa nhận có những trường hợp sau khi bị bạo lực học đường có tâm lý sợ hãi không dám đến trường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin: hiện, ở các nhà trường đều xây dựng quy trình giải quyết khi có học sinh bị bạo lực học đường (phối hợp giữa Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và học sinh để nắm bắt tình hình ảnh hưởng thể chất, tâm lý và hành vi; đồng thời, phối hợp với các cơ sở y tế để bác sỹ tâm lý hỗ trợ tư vấn). Giáo viên chủ nhiệm và các tổ chức đoàn, hội trong nhà trường gần gũi, đồng hành với các em trong những ngày đến trường.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Anh Hoa liên quan đến mô hình tư vấn, hỗ trợ học sinh trong nhà trường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định: ngành sẽ chỉ đạo các nhà trường tăng cường phối hợp, kết nối với các bác sĩ, chuyên gia tâm lý để cùng với nhà trường trong hoạt động này. Bởi, nếu chỉ có giáo viên chủ nhiệm và một bộ phận khác trong nhà trường chưa có kinh nghiệm, chuyên môn chuyên sâu về tư vấn thì không thể hiệu quả, nhất là khi học sinh bị khủng hoảng tâm lý.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phan Thị Minh Lý liên quan đến Nghị định số 80 của Chính phủ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành thừa nhận: các trường học đã xây dựng kế hoạch theo đúng mục tiêu, nội dung và các giải pháp Nghị định 80 đề ra; thành lập các tổ tư vấn học đường… Tuy nhiên, trong bối cảnh tinh giản biên chế hiện nay thì chưa có đội ngũ chuyên trách làm nhiệm vụ này mà do giáo viên chủ nhiệm, Bí thư hoặc Phó Bí thư đoàn, Phó Hiệu trưởng trường kiêm nhiệm…

Cũng theo ông Thành, trong điều kiện vừa thực hiện hoạt động chuyên môn, vừa kiêm thêm nhiệm vụ tâm lý học đường mà số lượng học sinh ở mỗi trường lớn (có trường 1.500 - 2.000 học sinh), nên chưa đáp ứng được mong muốn. “Thời gian tới, ngành sẽ tập trung tích hợp các mô hình tổ tư vấn học đường và công tác xã hội thành một mô hình để bảo đảm hoạt động hiệu quả”, ông Thái Văn Thành cho biết.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý nhấn mạnh yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc vì tương lai các em, chứ không phải “khoán” cho nhà trường và ngành giáo dục. Cần tập trung xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường gắn với việc xây dựng kịch bản cụ thể để kịp thời giải quyết, xử lý các vấn đề, tình huống xảy ra.

Diệp Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/lam-ro-nguyen-nhan-cu-the-huong-giai-quyet-i337053/