Làm rõ khái niệm di sản tư liệu trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Sáng nay 8/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên họp thường trực Ủy ban mở rộng nhằm thẩm tra sơ bộ dự án luật Di sản văn hóa sửa đổi.

Sau 20 năm ban hành và hơn 10 năm sửa đổi, bổ sung, hiện Luật Di sản văn hóa dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập trong thực tiễn. Việc sửa đổi luật này được giao Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch chủ trì soạn thảo nhằm khắc phục bất cập, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật. Dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi gồm 9 chương, 102 điều, tăng 2 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành.

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào những nội dung sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật Dii sản văn hóa sửa đổi, đặc biệt là những nội dung sửa đổi để giải quyết các vấn đề nóng như: bảo tồn di sản, thẩm định, chuyển nhượng hay mua bán di vật và những quy định trong dự thảo đang có sự giao thoa, chồng chéo trong hệ thống pháp luật. Ví dụ như quy định về “di sản tư liệu”.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định tại khoản 1 Điều 6 theo hướng, mọi di sản văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam đều được quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của Luật này và các quy định của pháp luật khác có liên quan, để bảo đảm bao quát hết được các lĩnh vực, đồng bộ với các Luật, trong đó có Luật Lưu trữ. Tuy nhiên, về tiêu chí xác định tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt trong dự thảo Luật Lưu trữ sửa đổi còn đang chồng lấn, trùng lắp với tiêu chí xác định bảo vật quốc gia trong Luật Di sản văn hóa hiện hành. Do đó, cần phải rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ sửa đổi để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Đỗ Minh - Thế Anh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/lam-ro-khai-niem-di-san-tu-lieu-trong-du-thao-luat-di-san-van-hoa-sua-doi-217431.htm