Làm rõ diện mạo và không gian điện Kính Thiên

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học không thể phủ nhận, năm 2009, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2010 được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới, đúng dịp tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2010). Hơn 10 năm qua, những giá trị còn ẩn chứa trong lòng di sản tiếp tục được Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long và Viện Khảo cổ học tiếp tục nghiên cứu để có thể dựng lại rõ nhất diện mạo kinh đô Thăng Long qua các thời kỳ, từ Đại La (thế kỷ 7-9) cho tới thời Nguyễn (thế kỷ 19).

Tìm lại diện mạo của kinh thành từ phế tích kiến trúc

Theo ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long, việc tiếp tục nghiên cứu nhằm thực hiện đúng khuyến nghị của UNESCO và cam kết của Chính phủ Việt Nam năm 2010. Đồng thời, tìm hiểu các dấu tích của Hoàng thành Thăng Long qua hơn 1.000 năm lịch sử, tìm hiểu cấu trúc tổng thể của không gian Chính điện Kính Thiên, cấu hình của Chính điện Kính Thiên thời Lê sơ (thế kỷ 15-16) và thời Lê Trung hưng (thế kỷ 17-18), thời Nguyễn (thế kỷ 19 đến 1945).

Dấu tích sân Đan Trì qua đợt khai quật năm 2022

Trong 13 năm khai quật và nghiên cứu (2011-2023), PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, đã phát hiện nhiều di vật quan trọng, tiêu biểu qua các thời như Đại La, Đinh - Tiền Lê…

Riêng với thời Lý, công tác khai quật đã phát hiện 23 dấu tích kiến trúc, trong đó đặc biệt quan trọng là dấu tích một tổ hợp kiến trúc có tường vây, đường nước lớn, cống nước, nền kiến trúc có móng cột lớn, nhiều kiến trúc khác có móng cột nhỏ. Tất cả các kiến trúc thời Lý đều đang có xu hướng tiến ra 4 hướng, trong đó có dấu hiệu kiến trúc hành lang có thể kết nối với hành lang thời Lý ở di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu.

Một trong những phát hiện đặc biệt quan trọng về thời Lý chính là dấu tích của “đường nước lớn”. Năm 2012, lần đầu tiên đường nước này phát lộ. Ban đầu đoán định, đây có thể là hệ thống thoát nước chính của Hoàng thành. Song cũng có ý kiến cho rằng, đây là công trình mang tính phong thủy. Đường nước lớn thiết kế bằng gạch vuông, gạch bìa, có 2 hàng cọc gỗ đóng sát hai bên chống lún, phần cao nhất còn lại 2m, phần rộng nhất 2m.

Ở lần khai quật năm 2014, với vị trí dịch về phía Đông của khu di sản, dấu tích đường nước tiếp tục rõ nét và những gì xuất lộ còn gần như nguyên vẹn. Thời điểm đó, đã có nhiều ý kiến trái chiều về công năng sử dụng của đường nước. Có người cho rằng đây chỉ đơn giản là hệ thống thoát nước, ý kiến khác nói là bể nước với kiến trúc mái phía trên. Cũng có nhà khoa học nhận định đây là ao hoặc hào nước hoặc đường hầm thoát hiểm, công trình phong thủy…

Thời Trần, cũng đã phát hiện 24 dấu tích kiến trúc, trong đó các dấu tích này có xu hướng nối tiếp truyền thống thời Lý. Song, sang thế kỷ 14 các kiến trúc biến đổi mạnh mẽ và xuất hiện nhiều di tích “bồn hoa” ở khu vực này. Trong cuộc khai quật năm 2022 cũng cho thấy một mô hình kiến trúc mới thời Trần là dấu vết “bồn hoa” dạng chữ nhật/gần vuông, được xây bằng gạch bìa đỏ, xếp thành các hàng.

Các “bồn hoa” thường bị phá hủy mất 2 hoặc 3 cạnh, thậm chí có những bồn hoa chỉ còn lại 1- 2 viên gạch bó. Kỹ thuật xây dựng của các “bồn hoa” tương đối đồng nhất, dùng gạch bó thành 2 lớp gồm một hàng gạch xếp nghiêng bên trong và một hàng bó chèn phía ngoài. Hai hàng gạch này được gia cố chắc chắn, phần lớn gạch đều bị vỡ đôi, hoặc vỡ phần lớn.

Về vị trí phân bố, các bồn hoa tập trung tại hai nửa phía Đông và phía Tây của hố khai quật, trong đó tập trung chủ yếu tại nửa hố phía Đông - vị trí tiếp giáp hố khai quật 2015. Tại đây, phát hiện 7 dấu vết “bồn hoa”. Liên hệ cùng 3 dấu vết “bồn hoa” đã xuất lộ trước đó trong cuộc khai quật 2015, có thể thấy tại vị trí này phát hiện tổng cộng 10 “bồn hoa”, tạo thành 3 hàng liền kề. Các ô “bồn hoa” được thiết kế cân xứng nhau, ô ở giữa to và các ô ở hai đầu nhỏ hơn. Về niên đại, dựa vào địa tầng cũng như vật liệu xây dựng có thể xác định nhóm “bồn hoa” có niên đại vào khoảng thế kỷ 14, cuối thời Trần.

Dấu tích đường dẫn nước thời Lý

Ở địa tầng thời Lê sơ và Lê Trung hưng, tổng số 53 dấu tích được tìm thấy. Các dấu tích như Đan Trì, Ngự đạo của hai thời kỳ chồng xếp lên nhau có tính tương đồng về bố cục. Do đó, bước đầu làm rõ được cấu trúc tổng thể của không gian Chính điện Kính Thiên và Chính điện Kính Thiên thời Lê sơ và Lê Trung hưng. Còn ở thời Nguyễn, khai quật phát hiện được 9 dấu tích, trong đó cuộc khai quật mới nhất năm 2023 phát hiện một số dấu tích bó nền và lớp đầm phủ của kiến trúc điện Long Thiên - thành Hà Nội.

Dấu tích Đan Trì và Ngự đạo

Trong lần khai quật năm 2022, tại các hố thám sát vị trí nhà Cục Tác chiến, lần đầu tiên xuất lộ Ngự đạo thời Lê sơ được lát bằng gạch vuông đỏ cỡ lớn. Bên cạnh Ngự đạo lại có thêm một lối đi phụ ở phía Đông bằng gạch lát nghiêng. Lối đi này cũng trùng khớp vào cửa phụ phía Đông của cửa Đoan Môn. Hố thám sát ở giữa lòng nhà xuất lộ hàng gạch bó 2 lớp chạy theo chiều Đông - Tây, có khả năng là hàng gạch bó nền ngăn sân Đại Triều làm 2 cấp khác nhau (?). Đưa ra giả thiết, song theo PGS.TS Tống Trung Tín, thời gian tới vấn đề này phải tiếp tục nghiên cứu thêm.

Theo sử cũ, vào thời Lê sơ và Lê Trung hưng có sân Đan Trì (hay sân chầu, sân Đại Triều, sân điện Kính Thiên) là nơi diễn ra các nghi lễ quốc gia quan trọng nhất của đất nước. Các cuộc khai quật thăm dò tại đây đều tìm thấy dấu vết sân Đan Trì. Dấu tích sân Đan Trì thời Lê Trung hưng nằm trong lớp văn hóa Lê Trung hưng. Dấu vết nền sân phân bố rộng khắp hố khai quật. Dấu tích đã bị đào phá rất mạnh tại nhiều vị trí bởi các hoạt động/công trình giai đoạn sau (thời Nguyễn, thời Pháp thuộc, thời hiện đại).

Sân Đan Trì chạy theo hướng Bắc - Nam, trải dài từ thềm rồng điện Kính Thiên tới cổng Đoan Môn, được dấu vết móng đầm gia cố trục Ngự đạo phân chia thành 2 khu vực: phía Đông và phía Tây. Sân Đan Trì gồm có móng sân và mặt sân. Móng sân Đan Trì gồm 2 lớp: tôn nền và lót nền. Lớp tôn nền dày trung bình 25cm được đắp, nện tương đối công phu. Trong lớp tôn nền lẫn nhiều di vật giai đoạn trước đó. Lót nền là hỗn hợp bột vôi, bột gạch vụn trộn lẫn dày từ 3 - 5cm, một số vị trí còn lại dấu vết của việc sử dụng nước vôi loãng làm chất kết dính của gạch.

Mặt sân Đan Trì được lát từ gạch vồ nhiều kích thước, phần lớn là gạch vồ giai đoạn Lê Trung hưng, nhưng có hiện tượng tái sử dụng gạch vồ Lê sơ tại một số vị trí. Gạch vồ xám chiếm số lượng chủ yếu, gạch vồ đỏ có số lượng rất ít và chủ yếu xuất lộ tại khu vực phía trước thềm rồng Chính điện Kính Thiên. Kỹ thuật lát gạch tương đối đồng nhất, gạch được xếp so le thành các hàng theo chiều Đông - Tây, hàng gạch vỉa ngăn cách Đan Trì và Ngự đạo được xếp theo chiều Bắc - Nam. Sân được xây dốc dần về phía Tây và phía Đông để thoát nước.

Dấu tích đường lát gạch hoa chanh thời Trần

Cuộc khai quật này cũng đã làm xuất hiện móng Ngự đạo và vật liệu đá có thể được dùng để lát mặt Ngự đạo. Dấu vết Ngự đạo đã bị phá hủy nghiêm trọng bởi các công trình giai đoạn sau. Móng Ngự đạo chạy theo hướng Bắc - Nam, kéo dài từ cổng Đoan Môn tới thềm rồng Chính điện Kính Thiên. Mặt cắt Ngự đạo cho thấy được tôn đắp trực tiếp trên nền Ngự đạo cũ thời Lê sơ, hiện còn 3 lớp đầm bằng gạch, bột gạch, đất sét và đá răm.

Ngự đạo được chia thành 3 làn, làn giữa rộng 3,8m, 2 làn hai bên rộng mỗi làn 1,5m. Giới hạn Đông, Tây của Ngự đạo có các dấu vết hố đào để kè đá lát đường (rộng 35 - 40cm, sâu 25cm). Theo phán đoán của các nhà khảo cổ, Ngự đạo có thể được lát bằng đá xanh. Những viên đá lát này đã tìm thấy phía trong lòng nhà Cục Tác chiến. Các viên đá hình chữ nhật, nhiều kích thước, độ dày tương đối đồng nhất (dài 40 - 80cm, rộng 21,5 - 51cm, dày 9 - 16cm).

Không gian Chính điện Kính Thiên thời Lê sơ và Lê Trung hưng

Sang đến năm 2023, các cuộc khai quật được mở rộng hơn so với năm 2022, các nghiên cứu về điện Kính Thiên cũng cho các nhà khoa học cái nhìn rộng hơn và toàn cảnh hơn. Theo đó, đã phát hiện được kiến trúc thời Lê sơ, phần đã phát lộ dày 2,7m. Trên nền móng này đã phát hiện 7 móng cột thời Lê sơ, kích thước dài 3,6 - 3,8m, rộng 2,07 - 2,2m.

Gần mặt bằng thời Lê sơ là mặt bằng kiến trúc thời Lê Trung hưng sử dụng lại trọn vẹn mặt bằng thời Lê sơ. Dấu tích điện Kính Thiên thời Lê Trung hưng xuất hiện 17 móng cột gồm 7 móng kép, 10 móng đơn quy ra thành 24 đơn vị móng đơn. Theo tính toán của các nhà khảo cổ, tổng diện tích điện Kính Thiên thời Lê Trung hưng là khoảng 1.485m2.

Theo chiều ngang (Đông - Tây) có thể phân thành 6 hàng móng cột tương đương với 1 vì kèo có 6 hàng chân cột với bước cột gồm 5 khoảng, khoảng giữa 6,8m, hai hàng bên là 5,35m, hai hàng ngoài cùng là 3,40m. Dấu tích móng phía Đông và phía Tây cho thấy mặt bằng kiến trúc có dấu hiệu của 2 gian hồi, nghĩa là đã khoanh lại quy mô của kiến trúc.

PGS.TS Tống Trung Tín cho biết, từ các dấu hiệu này đối chiếu với tham số của cổng Đoan Môn, Ngự đạo, các nhà khảo cổ bước đầu xác định được phần móng nền đã xuất lộ bước đầu có quy mô 9 gian, trong đó gian giữa là 6,8m, các gian bên rộng 5,35m, hai gian hồi mỗi gian rộng 3,4m. Đối với dấu tích ngự đạo, tại các vị trí thăm dò, dấu tích móng Ngự đạo thời Lê Trung hưng khớp với móng Ngự đạo thời Lê sơ, rộng 6,8m và chia thành 3 làn đường, làn giữa rộng 3,8m, hai bên rộng 1,5m.

Mặt ngự đạo đã bị phá hủy hầu hết, nhưng vật liệu để lại cho thấy có thể thời Lê Trung hưng mặt đường lát đá, thời Lê sơ lát gạch vuông cỡ lớn. Dấu tích sân Đại Triều hay Đan Trì cũng có 2 lớp sân chồng xếp lên nhau. Dự đoán, tổng thể sân Đại Triều có quy mô rất lớn, khoảng 12 nghìn m2. Các vị trí thăm dò đều xuất hiện dấu tích sân thời Lê Trung hưng lát gạch vồ màu xám và màu đỏ, dấu tích sân thời Lê sơ lát gạch vuông màu đỏ, móng nền đắp đất sét sạch, công phu.

Qua các cuộc khai quật, các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện dấu dích hành lang và cổng hành lang. Hành lang thời Lê sơ lệch một chút so với thời Lê Trung hưng. Các hành lang được kết cấu bởi vì kèo 4 cột. Bước gian thời Lê sơ là 4,5m, bước gian thời Lê Trung hưng là 4,9m. Một số móng cột thời Lê sơ giữ nguyên vị trí chân đá tảng hình vuông (45x45cm). Tại góc Tây Nam xuất lộ dấu tích 1 cổng hành lang, cổng hành lang này nối thông sang phía Tây, nói dự đoán sẽ có cổng hành lang đối diện tương tự.

Trong đợt khai quật mới đây, tại vị trí nền điện Kính Thiên cũng đã tìm thấy 2 loại móng tường vây bao quanh không gian Chính điện Kính Thiên. Móng tường Đoan Môn phía Nam đã phát hiện có chiều rộng 3m, chiều cao còn lại là 1,40m. Móng tường đông rộng 2m, cao 1,60m. Với tất cả những di vật là dấu tích kiến trúc đã được tìm thấy, các nhà nghiên cứu của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội và Viện Khảo cổ đưa ra đoán định ban đầu.

Kết cấu tổng thể của không gian Chính điện Kính thiên được bố cục: Chính điện ở vị trí cao to nhất được xây dựng ở chính giữa, hơi lệch về phía Bắc; chính giữa ở phía Nam là Đoan Môn, cổng chính cuối cùng của cấm thành Thăng Long; nối liền giữa Đoan Môn và nền điện Kính Thiên là Ngự đạo dài 136,7m; hai bên ngự đạo có sân Đại triều có tổng chiều rộng khoảng 12.000m2; bốn xung quanh là tường vây phía ngoài; phía trong tường có hành lang tránh mưa nắng, đan xen là các cổng ra vào.

Theo ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu di sản Thăng Long - Hà Nội, theo Căn cứ Cam kết 2010, Thông cáo Hà Nội 2022 (Hội thảo khoa học Quốc tế: “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” tháng 9-2022), Khuyến nghị 2023 và kết quả khai quật khảo cổ học từ năm 2011 - 2023… thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ phối hợp với Viện Khảo cổ học xây dựng “Chiến lược khảo cổ học tại khu vực trục trung tâm Hoàng thành Thăng Long”, trong đó trọng tâm là Chính điện Kính Thiên và không gian Chính điện Kính Thiên. Ngoài ra, sẽ tiếp tục nghiên cứu khu vực Nội điện (phía sau điện Kính Thiên) nơi làm việc hàng ngày của nhà vua.

Kết quả nghiên cứu khảo cổ học giai đoạn này có vai trò trọng yếu mang lại những căn cứ xác thực cho chiến lược diễn giải di sản và hướng tới phục dựng Chính điện Kính Thiên và không gian Chính điện Kính Thiên.

Đoàn Tư vấn liên ngành UNESCO/ICOMOS: Khuyến nghị tiếp tục nghiên cứu, phát huy giá trị di sản

Báo cáo của Đoàn Tư vấn liên ngành UNESCO/ICOMOS tháng 7-2023 đã chỉ rõ, việc khai quật tiếp tục ở sân Đan Trì và nền điện Kính Thiên là cần thiết nhằm xác định không gian rộng của sân Đan Trì, sự kết nối giữa Đoan Môn và Đan Trì, thềm Rồng. Báo cáo cũng khuyến nghị nhiều công việc thiết thực hữu ích cho việc nghiên cứu và phát huy giá trị khu di sản như: Xây dựng tầm nhìn tổng thể, xây dựng chiến lược bảo tồn, chiến lược thuyết minh diễn giải (bảo tàng trong nhà, bảo tàng tại chỗ, bảo tàng số, xây dựng mô hình 3D).

Trong đó, chính việc nghiên cứu, phục dựng điện Kính Thiên cũng là một hình thức sinh động mà các nhà quản lý, nhà nghiên cứu bảo tồn ở Hoàng thành Thăng Long đang hướng tới. Các cuộc khai quật này đã phát hiện bằng chứng liên quan đến cách bố trí của Hoàng thành Thăng Long các giai đoạn khác nhau, bao gồm vị trí của sân Đan Trì, hướng của Ngự đạo, vị trí của điện Kính Thiên và vị trí của một số công trình cột đỡ.

Các cuộc điều tra khảo cổ đã thu được vô số các di vật có thể di chuyển được làm sáng tỏ lịch sử di sản, và những thành tựu của văn hóa Việt Nam trong suốt nhiều thế kỷ. Tất cả những thành tựu này và tài liệu khoa học tích lũy được đã hỗ trợ cho việc điều tra sâu hơn, việc chia sẻ kết quả từ trục trung tâm sẽ góp phần hiểu biết sâu hơn về lịch sử các triều đại và vị thế của di sản.

Những di vật đặc biệt của Hoàng Thành Thăng Long

Cấu kiện gỗ được sơn son thếp vàng

Các cuộc khai quật diễn ra từ 2011 đến 2023 đã có những phát hiện đặc biệt quan trọng như: Tìm thấy trên 70 cấu kiện kiến trúc gỗ, sơn son thếp vàng 9999 của một kiến trúc gỗ cao tầng thời Lê sơ; hệ thống ngói rồng tráng men xanh, men vàng được thể hiện thành con rồng chạm nổi độc đáo chỉ có ở Thăng Long cũng như chỉ có ở Việt Nam. Đặc biệt thú vị là cuộc khai quật còn tìm thấy mô hình kiến trúc đất nung nhiều tầng, tráng men ghi lại cấu hình của 1 kiểu mái lợp, 1 kiến trúc khung gỗ thời Lê sơ có trang trí hình rồng, sen.

Hiện trạng phát hiện trong quá trình khai quật

Hiện vật chỉ còn lại từ đầu cột đến bộ mái, có các khớp nối để chồng tiếp một tầng nữa ở phía trên. Kích thước dài 36,1cm, rộng 33cm, cao 17,2cm. Mô hình có cách thể hiện vô cùng chi tiết và tỉ mỉ, các bộ phận được làm rời rồi ghép lại bằng tăm tre khiến hiện vật giống như một kiến trúc hiện hữu. Nghiên cứu và so sánh mô hình kiến trúc đất nung này với các hiện vật khác được phát hiện ngay tại Hoàng thành Thăng Long cho thấy có nhiều điểm tương đồng. Vì thế, hiện vật là mô hình minh chứng, phản ánh sinh động cấu trúc bộ khung gỗ và hệ mái của kiến trúc cung điện đương thời. Với những giá trị quan trọng, hiện vật đã được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2023.

Thẻ bài ra vào cung của cung nữ

Tìm thấy một thẻ đồng có tên “Cung nữ xuất mãi bài” là thẻ cấp cho cung nữ được phép ra vào nội cung để mua bán, minh chứng sinh động cho một khía cạnh sinh hoạt đời thường của cấm cung Thăng Long thế kỷ 15. Thẻ là tấm hợp kim đồng phẳng, mỏng hình thang cân, không trang trí hoa văn. Cao 12,7cm, cạnh trên rộng 4,6 cm, cạnh dưới rộng 4,9cm, đỉnh có một lỗ nhỏ, để luồn dây đeo.

Cấu trúc của mô hình đất nung

Hai mặt khắc chữ Hán dọc theo thân thẻ, mặt chính ghi “Cung nữ xuất mãi bài”. Mặt sau ghi “Cung tự ngũ hiêu” và “Quang Thuận thất niên tứ nguyệt tạo”. Có nghĩa, thẻ bài của cung nữ ra vào cung, số hiệu 5, được tạo vào tháng 4, niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466). Đây là hiện vật quan trọng, gắn với khu vực nội cung. Là hiện vật độc bản thời Lê sơ. Với giá trị này, hiện vật đã được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2023.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/lam-ro-dien-mao-va-khong-gian-dien-kinh-thien-post562112.antd