Làm rõ các lợi ích, chi phí khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của 5 nhóm đối tượng bắt buộc

Phát biểu tại Hội trường ngày 23/11 về dự án Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi, Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, tỉnh Hưng Yên cho rằng cần đánh giá việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, quy định tại Điều 3.

Thể chế hóa Nghị quyết số 28 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã quy định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với 5 đối tượng: là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã và không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian, có mức tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất và trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.

Đại biểu cho rằng, thực tiễn vừa qua, tình trạng trốn, nợ đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng dễ quản lý và dễ xử lý hơn vẫn chưa được giải quyết triệt để. Do đó, nếu mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như dự thảo luật cần phải có chế tài quy định kiểm soát và thực hiện xử phạt nghiêm minh để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định.

Đại biểu cho rằng, quan trọng là cần có chế độ, chính sách phù hợp, đa dạng để người lao động nhận thấy quyền lợi của họ được đảm bảo. Chính sách hấp dẫn thì người lao động sẽ tự nguyện tham gia bảo hiểm xã hội chứ không cần bắt buộc.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Bích Hạnh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/lam-ro-cac-loi-ich-chi-phi-khi-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-bat-buoc-cua-5-nhom-doi-tuong-bat-buoc-200541.htm