Làm lớp trưởng không phải là phần thưởng

Bên cạnh những bài học và cơ hội trải nghiệm, việc làm lớp trưởng có thể khiến học sinh gặp phải những căng thẳng, tổn thương nếu không được thầy cô chia sẻ, hướng dẫn và đồng hành.

Áp lực khi phải là một "tấm gương"

Làm lớp trưởng nhiều năm liền, để xứng đáng là một tấm gương toàn diện cho các bạn noi theo, Phạm Ngọc Kỳ Phương – học sinh lớp 9, thị trấn Yên Bình, tỉnh Yên Bái phải nỗ lực nhiều mặt: thành tích học tập cao; không được vi phạm nội quy của nhà trường; dành thời gian để tham gia mọi hoạt động của trường và lớp.

Phạm Ngọc Kỳ Phương – học sinh lớp 9, thị trấn Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Ảnh: NVCC

Việc không ngừng cố gắng hoàn thành toàn diện những tiêu chí trên khiến Kỳ Phương thường xuyên gặp áp lực: "Cao điểm là dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, em vừa phải vận động các thành viên trong lớp tham gia văn nghệ, vừa phải tập cùng các bạn, lại vẫn cần tập trung học để đạt thành tích cao trong đợt thi đua lấy điểm 10 nên phải học bài nhiều hơn.

May sao các bạn trong lớp cũng chủ động hưởng ứng các hoạt động nên em ít gặp khó khăn trong việc kêu gọi tham gia. Nhưng việc phải đảm bảo tốt nhiều yêu cầu trong một khoảng thời gian ngắn cũng làm em mệt mỏi và căng thẳng", Kỳ Phương bộc bạch.

Còn với Nguyễn Khang – học sinh lớp 7, Hà Nội, dù đã giữ vị trí lớp trưởng từ năm lớp 1 cho đến nay, nhưng nam sinh này cũng thường xuyên gặp khó khăn khi phải chịu trách nhiệm quản lý, đôn đốc các bạn trong lớp thực hiện tốt mọi nhiệm vụ của thầy cô, nhà trường giao cho, vừa phải làm tấm gương học tập trong lớp.

"Năm học 2022-2023, khi xếp loại của lớp không đạt xuất sắc như đăng ký chất lượng đầu năm, giáo viên chủ nhiệm đã phê bình em đầu tiên. Mặc dù đã cố gắng hết khả năng nhưng với cương vị là lớp trưởng, em luôn bị chê nhiều hơn khen. Bố mẹ thì luôn thích em làm lớp trưởng vì đó là hãnh diện của gia đình. Nhưng để thực hiện tốt được vị trí này, thật khó đối với em", Nguyễn Khang tâm sự.

Làm lớp trưởng: trên đe dưới búa

Làm lớp trưởng ở cấp học cao hơn, Bùi Ngọc Phương – sinh viên lớp Truyền hình Chất lượng cao K41, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, đảm nhiệm vị trí lớp trưởng từ trung học đến thời đại học, với kinh nghiệm dày ở vị trí chủ chốt này, bản thân Phương luôn phải tìm cách xử lý các tình huống sao cho khéo léo để thực hiện tốt vai trò vừa là cầu nối giữa thành viên trong lớp vừa hoàn thành tốt vai trò là cố vấn học tập.

Bùi Ngọc Phương – sinh viên lớp Truyền hình Chất lượng cao K41, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: NVCC

"Thầy cô giáo luôn cần sự chỉn chu, nghiêm túc của sinh viên trong giờ học và kiểm tra. Nhưng không phải sinh viên nào cũng làm được điều đó. Điển hình là việc nộp bài tập lớn, nhiều bạn nộp muộn vì nhiều lý do khác nhau, tôi lại phải lựa lời báo cáo với thầy cô để kết quả của các bạn không bị ảnh hưởng xấu. Tất nhiên, sau đó tôi cũng nhắc các bạn cần chú ý hơn ở những lần nộp bài tiếp theo", Bùi Ngọc Phương kể.

Cô sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền này cũng cho biết, điều khó nhất khi làm lớp trưởng là gắn kết các thành viên trong lớp để tích cực tham gia các hoạt động của trường. Nếu lớp hoạt động không tốt, giảng viên sẽ phàn nàn, phê bình trong các cuộc họp. Điều này đồng nghĩa rằng năng lực của lớp trưởng sẽ bị đánh giá kém.

Cũng phải chịu áp lực tương tự, T.T.H.T - học sinh lớp 8, Nam Định, chưa bao giờ hết lúng túng khi phải nhắc nhở thành viên trong lớp thực hiện nội quy nhà trường.

T.T.H.T cho hay: "Em nhắc nhở mãi mà các bạn vẫn không tuân thủ đúng quy định của trường về trang phục, vệ sinh, học tập. Cuối tuần hay cuối tháng lớp bị trừ điểm thi đua, xếp hạng thấp trong khối, cô giáo chủ nhiệm lại quay sang phê bình lớp trưởng đầu tiên. Điều này khiến em rất buồn, đôi lúc cảm thấy bất lực nữa".

Nữ sinh này kể bản thân từng bị một số bạn nói xấu, trêu chọc, cô lập, thậm chí bị bạo lực khi đề cập đến sai phạm của bạn đó trước tập thể để thầy cô xử lý.

Sau nhiều tình huống, T.T.H.T nhận ra rằng bản thân không giỏi mọi mặt nên sẽ phải chia sẻ công việc cho các thành viên trong lớp bởi ai cũng phải có trách nhiệm xây dựng tập thể vững mạnh. Vấn đề ở đây là lớp trưởng phải động viên, nhắc nhở và lan tỏa tinh thần để mọi người có thể cùng hợp tác.

Nữ sinh Nam Định này giãi bày: "Nghĩ thì như vậy nhưng để thực hiện một cách cụ thể thì em vẫn chưa biết phải làm sao. Nhất là trong các tình huống đặc biệt, em còn rất bối bối. Em mong muốn nhận được sự động viên từ phía các thầy cô và sự chia sẻ từ phía các bạn".

Giáo viên chủ nhiệm phải là người quản lý chính trong lớp

Chia sẻ với những khó khăn mà một lớp trưởng thường gặp phải, cô giáo Mai Thị Thu (Trường Tiểu học Lam Sơn 3, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cho rằng: "Nhiều người nghĩ lớp trưởng là một công việc đơn giản nhưng để làm được, học sinh phải là những bạn thực sự nghị lực, ý chí cao mới có thể cân bằng giữa học tập và trách nhiệm, luôn giữ hình ảnh gương mẫu, đáng tin cậy trong mắt thành viên của lớp.

Do đó, để các em không cảm thấy áp lực, chán nản, thậm chí ghét lớp, không được lòng các bạn, giáo viên chủ nhiệm phải biết quan tâm, giúp đỡ, luôn đồng hành và chia sẻ cùng với lớp trưởng. Giúp các học sinh hiểu, chia sẻ và cùng thực hiện với lớp trưởng các nhiệm vụ của lớp".

Để làm tốt vai trò của một lớp trưởng, học sinh cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng phù hợp. Ảnh: Thu Hoài

Đồng tình với ý kiến trên, thầy giáo Hà Mạnh Tuấn (Trường Trung học phổ thông Phố Ràng 1, Lào Cai) chia sẻ: "Khi gánh vác thêm một trách nhiệm trên vai, lớp trưởng cũng không thể tránh khỏi những áp lực từ nhiều phía.

Tuy nhiên, để san sẻ với các lớp trưởng, còn nhiều vị trí khác trong lớp như: bí thư, lớp phó, các tổ trưởng, tổ phó. Chính vì vậy, muốn tránh những xích mích không đáng có của các em, tôi thực hiện việc phân chia công việc đồng đều, luôn có mặt để giải quyết mọi việc phát sinh. Suy cho cùng việc quản lý bao quát chung cả lớp vẫn thuộc về trách nhiệm chính của giáo viên chủ nhiệm".

Đánh giá vai trò của lớp trưởng, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hoài (Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Xuân Long, tỉnh Yên Bái) nhận định, lớp trưởng là người điều hành, quản lý toàn bộ các hoạt động của lớp và của từng thành viên trong lớp, thực hiện các nhiệm vụ: tổ chức, quản lý lớp thực hiện các nhiệm vụ học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động xã hội được nhà trường phát động; theo dõi, đôn đốc lớp chấp hành đầy đủ và nghiêm chỉnh nội quy, quy chế, quy định về học tập và sinh hoạt của nhà trường.

Đồng thời, xây dựng và thực hiện nền nếp tự quản đối với các thành viên trong lớp; truyền đạt và tổ chức lớp thực hiện các chỉ thị, thông báo, văn bản của Nhà trường; phản ánh tình hình của lớp, đề xuất những kiến nghị của lớp; chịu sự điều hành, quản lý trực tiếp của giáo viên chủ nhiệm, phối hợp với chi Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên trong các hoạt động của lớp cũng như hoạt động của trường.

Cũng theo cô giáo Nguyễn Thị Thu Hoài, để các em đảm nhiệm được tốt những vai trò trên, các giáo viên trong trường, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm hay cố vấn học tập ở bậc đại học phải có kế hoạch hướng dẫn, chia sẻ với học sinh ở vị trí lớp trưởng những kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm phù hợp. Bên cạnh đó, thầy cô cần luôn đồng hành, thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của các em.Có như vậy, vị trí lớp trưởng đối với học sinh, sinh viên mới ý nghĩa, giúp các em trau dồi thêm nhiều trải nghiệm, kỹ năng và hiểu bản thân hơn.

Cô giáo Thu Hoài cũng nhấn mạnh, giáo viên chủ nhiệm mới là người đóng vai trò chủ đạo trong việc quản lý học sinh chứ không phải đổ dồn trách nhiệm lên lớp trưởng. Nếu giáo viên không tinh tế, khéo léo trong việc dẫn dắt học sinh, rất có thể, các lớp trưởng sẽ phải chịu những áp lực và tổn thương không đáng có.

Hồng Phương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/lam-lop-truong-khong-phai-la-phan-thuong-179230609162122132.htm