Làm giàu từ trồng cỏ và nuôi bò

Từ phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân điển hình vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu trên chính đất quê hương mình. Mô hình kinh tế của anh Hoàng Công Tấn ở thôn Cao Xá, xã Phong Hiền (Phong Điền) là một trong số đó.

Trang trại bò của anh Hoàng Công Tấn

Năm 2010, anh Tấn tham gia xuất khẩu lao động với ước mong thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình. Khi hết hạn lao động ở nước ngoài, anh Tấn trở về địa phương. Với suy nghĩ phải làm giàu cho mình trên chính mảnh đất quê hương, anh loay hoay tìm kiếm mô hình kinh tế thật sự mang lại hiệu quả và phù hợp với thế mạnh của địa phương cũng như kinh tế của gia đình.

Anh quyết định gắn bó với nông nghiệp nhưng không thể làm theo cách làm cũ, phải thay đổi tư duy mới, cách làm hay, muốn thành công phải làm theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong những ngày đầu làm kinh tế gặp phải không ít khó khăn vì thiếu vốn, thiếu kiến thức và kinh nghiệm sản xuất.

Nhưng với ý chí và tinh thần dám nghĩ dám làm của một người thanh niên trẻ cùng với sự quan tâm, khích lệ của các ban ngành, đoàn thể tại địa phương, sự giúp đỡ, động viên của bà con hàng xóm, anh Tấn thành lập trang trại có quy mô lớn đầu tiên tại xã Phong Hiền.

Vào năm 2015, với số vốn ít ỏi của bản thân dành dụm được khi tham gia xuất khẩu lao động, cùng với việc vay mượn từ các nguồn vốn ưu đãi, trên mảnh đất khoảng 2.000m2 tại xứ Cồn, thôn Cao Xá, xã Phong Hiền, anh Hoàng Công Tấn đã bước đầu mày mò xây dựng trang trại. Tận dụng hồ nước nhỏ từ trước, anh đào đất mở rộng lòng hồ để có hồ nước đảm bảo tưới tiêu cho canh tác, bước đầu xây dựng chuồng trại, nhà kho chứa cỏ để nuôi bò.

Bước đầu anh tập trung vào chăn nuôi, anh còn đầu tư phát triển đàn gà thương phẩm để lấy ngắn nuôi dài. Với kinh nghiệm gần như bằng không, anh gặp phải không ít khó khăn khi vật nuôi gặp bệnh, rồi đầu ra sản phẩm không ổn định, không ít lần muốn bỏ cuộc.

Không nản chí, anh liên hệ với các giảng viên Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) để nhờ sự giúp đỡ, rồi tích lũy kinh nghiệm qua quá trình chăn nuôi. Để chủ động trong chăn nuôi, anh xin mở rộng đất để phát triển đồng cỏ tươi. Anh mua sắm nhiều loại máy móc để phục vụ sản xuất, như máy cuộn rơm để tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp nhằm đảm bảo thức ăn tươi cho đàn bò trong mùa mưa kéo dài.

Bên cạnh đó, tận dụng mặt nước có sẵn cho việc tưới tiêu, trang trại của anh đang có kế hoạch nuôi cá thương phẩm nhằm sử dụng tối đa nguồn thức ăn dư thừa từ quá trình chăn nuôi gia súc. Ngoài ra, anh còn xúc tiến thành lập một lò mổ gia súc tập trung ngay gần trang trại của mình nhằm đảm bảo tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch cho trang trại cũng như của bà con nông dân trong vùng.

Đến nay, trang trại của anh có tổng diện tích lên hơn 2,5ha. Trong đó, diện tích chuồng trại và kho rộng hơn 0,5ha, 2ha trồng cỏ chăn nuôi, chưa kể diện tích mặt nước và các công trình phụ trợ. Hiện tại đàn bò của anh mỗi lứa nuôi lên đến 60 con, chủ yếu là bò thịt để cung cấp cho thị trường. Anh cũng tập trung đầu tư vào đàn gà kể cả gà giống và gà thương phẩm, mỗi lứa nuôi có số lượng gần 1.000 con. Hằng năm, tổng doanh thu từ trang trại của anh Hoàng Công Tấn ước đạt trên 450 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí mỗi năm anh lãi ròng 190 triệu đồng. Hiện tại trang trại đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương.

Bài, ảnh: Thanh Nga

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/lam-giau-tu-trong-co-va-nuoi-bo-134875.html