Làm giàu từ mô hình tổng hợp

Sau thời gian làm việc xa nhà, anh Nguyễn Phú Hưng, ngụ ấp Đường Xuồng, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) quyết định về quê tái khởi nghiệp bằng mô hình tổng hợp. Năng động, nhạy bén trong sản xuất nông nghiệp, anh Hưng hái quả ngọt. Mô hình này đem lại thu nhập cho anh mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

19 tuổi, anh Nguyễn Phú Hưng bắt đầu làm nghề lái xe phiêu bạc nhiều nơi.

Hơn 20 năm xa nhà, năm 2020 anh Hưng về quê ở ấp Đường Xuồng, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng để thực hiện mô hình tổng hợp với số vốn ban đầu hơn 600 triệu đồng. Anh Hưng đầu tư sản xuất nông nghiệp, từ 7 công đất ruộng của cha mẹ để lại, anh lên liếp trồng khóm xen dừa, ổi, xoài, rau màu và đào mương kết hợp nuôi cá, ốc, ếch, heo, bò…

Mô hình kinh tế tổng hợp của anh Nguyễn Phú Hưng, ngụ ấp Đường Xuồng, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang).

Mô hình kinh tế tổng hợp của anh Nguyễn Phú Hưng, ngụ ấp Đường Xuồng, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang).

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, anh Hưng tận dụng lục bình, lá bông súng, cỏ làm thức ăn cho ếch, ốc, bò; chất thải chăn nuôi được anh làm hầm biogas để xử lý môi trường và tận dụng làm chất đốt; làm phân bón… tiết kiệm nhiều chi phí. Từ năm 2021 đến nay, mô hình tổng hợp của anh Hưng cho thu nhập ổn định từ 150-200 triệu đồng/năm.

Anh Hưng cho biết: “Ngoài trồng khóm, tôi trồng thử nghiệm xen cây ăn trái như sầu riêng, măng cụt, xoài cũng cho hiệu quả khá, nhất là xoài. Tôi nhân giống ốc bươu đen để ốc lớn lên thích nghi với nước, thức ăn tại chỗ sẽ sinh trưởng nhanh hơn. Nguồn thức ăn tự nhiên ở đây dễ tìm và dồi dào nên thuận lợi cho mô hình cây, con phát triển”.

Để mô hình đạt hiệu quả, anh Hưng học hỏi, tìm hiểu từ những nông dân làm kinh tế giỏi, các mô hình hay; tìm hiểu qua sách, báo để bổ sung thêm kiến thức.

Theo anh Hưng, người làm mô hình tổng hợp vất vả nhất là công chăm sóc, phải theo dõi chặt chẽ từng giai đoạn của cây, con, nhất là giai đoạn ra hoa, kết trái của cây; vật nuôi thì phải chọn thức ăn cho phù hợp từng giai đoạn… thì cây, con mới phát triển tốt.

Anh Nguyễn Phú Hưng, ngụ ấp Đường Xuồng, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng tận dụng mặt nước nuôi ếch thịt, ốc bươu đen.

“Thời gian đầu thực hiện mô hình tôi không được anh em ủng hộ vì trước giờ tôi chưa biết nhiều về làm nông, nhưng vì sự đam mê nên tôi quyết tâm thực hiện mô hình này. Thời gian tới, tôi mở rộng diện tích, quy mô làm vườn sinh thái để phục vụ khách tham quan”, anh Hưng chia sẻ.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Thạnh Lê Thị Kim Phượng cho biết: Mô hình tổng hợp của anh Nguyễn Phú Hưng bước đầu tạo hiệu ứng lan tỏa trong nông dân. Ban điều hành quỹ hỗ trợ nông dân huyện Giồng Riềng đã giải ngân nguồn vốn dự án quỹ hỗ trợ nông dân cho anh Hưng vay 20 triệu đồng và kết hợp giải ngân nguồn vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho anh vay thêm 15 triệu đồng. Từ đó, anh Hưng đã mở rộng quy mô của mô hình.

Thời gian tới, Hội Nông dân xã Long Thạnh tuyên truyền, nhân rộng mô hình tổng hợp trong toàn xã, góp phần giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế gia đình.

Bài và ảnh: BÍCH THÙY

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/kinh-te/lam-giau-tu-mo-hinh-tong-hop-16558.html