Làm gì để tránh tình trạng 'đánh võng' quy trình pháp lý?

Cần tuyên tuyền, tập huấn cho cán bộ thực thi pháp luật về những quy định của luật để tránh tình trạng 'đánh võng' quy trình và đùn đẩy, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đó là ý kiến của doanh nghiệp tại Hội thảo về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024 diễn ra sáng 13/5 tại TP.HCM, do Bộ Tư pháp tổ chức.

Đại biểu tham dự hội thảo (Ảnh: Lệ Hằng)

Doanh nghiệp chưa được tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp cho rằng, Nghị định số 55 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành từ năm 2019 và có Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, tuy nhiên, đến nay nhiều doanh nghiệp chưa được hỗ trợ tuyên truyền pháp luật, nếu có thì cũng rất chậm và thiếu.

Ông Châu Minh Nguyện, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, Hiệp hội chưa từng được mời tham gia đóng góp ý kiến các văn bản pháp luật liên quan đến doanh nghiệp. Những văn bản pháp luật mới Hiệp hội cũng không được sở, ngành nào gửi trực tiếp để phổ biến, tuyên truyền đến doanh nghiệp nên phải lên mạng tìm kiếm và mày mò làm.

Cũng theo ông Nguyện, Nghị định 55 có công nhận mạng lưới tư vấn viên pháp lý nhưng 5-7 năm qua, doanh nghiệp vẫn không biết ai là tư vấn viên, nhóm nào, ở đâu để hỗ trợ cho doanh nghiệp: "Tới thời điểm này, trên địa bàn ở Đồng Nai không biết ai nằm trong mạng lưới tư vấn viên của tỉnh thực hiện theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi không có sở ngành nào công bố, ví dụ như Sở Kế hoạch -Đầu tư hay tổ chức nào đó công bố ai là tư vấn viên pháp lý; hoặc có công bố mà không thông tin cho Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nên chúng tôi không biết. Đây là gút mắc về sự phối hợp của các sở, ngành và các tổ chức hội nghề nghiệp".

Ông Nguyễn Xuân Hiền- Ủy viên Ban chấp hành Hội tin học TP.HCM phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Lệ Hằng)

Tuyên tuyền, tập huấn cho cả cán bộ thực thi

Ông Nguyễn Vĩnh Minh Thành, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần An Cư Lạc Nghiệp, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng: việc tuyên truyền, hỗ trợ pháp luật không chỉ cần cho doanh nghiệp mà kể cả cán bộ thực thi pháp luật cũng cần được tuyên tuyền, tập huấn. Việc này để cán bộ hiểu đúng, vận dụng tốt, tránh tình trạng“ đánh võng” quy trình thủ tục và đùn đẩy, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Xuân Hiền - Ủy viên Ban chấp hành Hội Tin học TP.HCM, việc tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp nên tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp siêu nhỏ, đây là nhóm doanh nghiệp yếu thế và rất dễ bị tổn thương về pháp lý. Bộ Tư pháp nên hỗ trợ bằng cách soạn những cẩm nang với nội dung liên quan đến trực tiếp doanh nghiệp để doanh nghiệp dễ hiểu và vận dụng.

"Một doanh nghiệp riêng việc đọc Luật Doanh nghiệp cũng đã choáng váng, chưa kể những luật khác. Chúng ta chỉ nên tập trung vào nội dung liên quan trực tiếp đến đối tượng đó, soạn ra những cẩm nang. Khâu tuyên truyền nên tổ chức ngay tại cơ sở, các bộ và các địa phương nên phối hợp với nhau. Cẩm nang đó mỗi năm nên cập nhật 1 lần nội dung mới"- ông Nguyễn Xuân Hiền nói.

Ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến Pháp luật -Bộ Tư pháp trao đổi với doanh nghiệp (Ảnh: Lệ Hằng)

Tại hội thảo, ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến Pháp luật -Bộ Tư pháp cho biết: thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ tư pháp cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, chương trình chỉ hỗ trợ chứ không phải là "bà đỡ” nên các doanh nghiệp phải ứng dụng công nghệ thông tin để chủ động cập nhật quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần có đội ngũ tư vấn viên pháp lý chuyên nghiệp để hỗ trợ:

Ông Lê Vệ Quốc cho rằng, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trước hết phải là đội ngũ tư vấn viên và họ thực sự phải chuyên tâm, chuyên nghiệp. Thời gian tới, Cục cố gắng có giải pháp tham mưu cho cấp có thẩm quyền đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng, củng cố đội ngũ này đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, như là một đội quân tinh nhuệ.

Lệ Hằng/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/lam-gi-de-tranh-tinh-trang-danh-vong-quy-trinh-phap-ly-post1094902.vov