Làm gì để tăng nguồn thu ngân sách từ xăng dầu?

Trong các khoản thu ngân sách nhà nước hằng năm, số thu từ thuế bảo vệ môi trường ngày càng tăng. Nhưng Hải Dương hiện chưa tận thu được nguồn dư địa này từ khối doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Hiện số thuế bảo vệ môi trường trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu của Hải Dương khá lớn đang nộp tỉnh ngoài

Hiện số thuế bảo vệ môi trường trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu của Hải Dương khá lớn đang nộp tỉnh ngoài

Đóng trên địa bàn Hải Dương, nộp thuế cho tỉnh ngoài

Nhìn vào các con số qua từng năm có thể thấy số thu thuế bảo vệ môi trường từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ngày càng tăng cao và chiếm tỷ trọng 99% trong tổng thu từ thuế bảo vệ môi trường của tỉnh. Cụ thể: Năm 2017, tổng thu từ thuế bảo vệ môi trường 352 tỷ đồng, chiếm 99,15 %; năm 2018 thu 337 tỷ đồng, chiếm 100%; năm 2020 thu 925 tỷ đồng, chiếm 99,57 %; năm 2022 thu 711 tỷ đồng, chiếm 99,3%.

Thuế bảo vệ môi trường là khoản thu có điều tiết cho ngân sách cấp tỉnh cao trong số các khoản thu của tỉnh. Năm 2022 chỉ có 48% số thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu phân chia cho ngân sách địa phương, năm 2023 tỷ lệ này tăng lên 60%. Số thu từ thuế bảo vệ môi trường tăng lên vừa tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững của tỉnh.

Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta đang để “chảy máu” nguồn thuế bảo vệ môi trường thu được từ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Trên địa bàn Hải Dương hiện có 3 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nộp trực tiếp thuế bảo vệ môi trường cho tỉnh là Công ty CP Vật tư xăng dầu Hải Dương, Chi nhánh Xăng dầu Hải Dương, Chi nhánh Công ty CP Xăng dầu dầu khí Pvoil Hải Phòng tại Hải Dương; 157 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, trong đó có 9 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là thương nhân phân phối, 148 doanh nghiệp bán lẻ, kinh doanh xăng dầu.

Cơ quan thuế đã thống kê sản lượng mua vào xăng dầu của 157 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, trong đó số lượng mua vào từ các doanh nghiệp tỉnh ngoài của 9 thương nhân phân phối chiếm tỷ trọng từ 86-90% trong tổng số lượng xăng dầu mua vào từ tỉnh ngoài của 157 doanh nghiệp. Năm 2022, 9 thương nhân phân phối đã mua trong tỉnh 59.103 m3 (17.416 m3 xăng, 41.687 m3dầu); mua của doanh nghiệp đầu mối ở ngoài tỉnh Hải Dương là 179.565 m3 (52.587 m3 xăng, 126.997 m3 dầu). 4 tháng đầu năm 2023, 9 thương nhân phân phối đã mua trong tỉnh 27.919 m3 (10.994 m3 xăng, 16.925 m3 dầu), mua của doanh nghiệp không phải đầu mối tại Hải Dương 52.925 m3 (13.205 m3 xăng, 39.719 m3 dầu).

Từ thống kê trên cho thấy, nếu các đơn vị thương nhân phân phối và đại lý bán lẻ xăng dầu mua của các doanh nghiệp đầu mối trong tỉnh thì sẽ nộp thuế bảo vệ môi trường cho ngân sách tỉnh Hải Dương là 2.000 đồng/lít xăng và 1.000 đồng/lít dầu, tương ứng với số thuế bảo vệ môi trường năm 2022 sẽ tăng 232 tỷ đồng, 4 tháng đầu năm 2023 sẽ tăng 66 tỷ đồng.

Ông Tăng Văn Trồi, Giám đốc Chi nhánh xăng dầu Hải Dương đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phát triển mạng lưới bán lẻ

Ông Tăng Văn Trồi, Giám đốc Chi nhánh xăng dầu Hải Dương đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phát triển mạng lưới bán lẻ

Vướng ở đâu?

Thuế bảo vệ môi trường thu từ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là một nguồn dư địa lớn cho ngân sách tỉnh nếu có sự phối hợp, ủng hộ từ phía các thương nhân phân phối trong tỉnh. Chính vì vậy, chiều 24.5, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Hải Dương, từ đó tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh.

Tại buổi đối thoại, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối xăng dầu đã nêu nhiều vấn đề đề nghị tỉnh quan tâm tháo gỡ.

Theo ông Nguyễn Hữu Chưởng, Giám đốc Công ty CP Thương mại Chí Linh, lý do nhiều đầu mối vẫn nhập hàng của tỉnh ngoài bởi: “Hiện doanh nghiệp trong tỉnh chiết khấu cho doanh nghiệp còn thấp, chỉ bằng một nửa mức chiết khấu của đầu mối tỉnh ngoài. Thời gian điều chỉnh giá còn cứng nhắc, chưa linh hoạt”. Để không “chảy máu” thuế bảo vệ môi trường ra tỉnh ngoài theo ông Chưởng phải giải quyết 3 vấn đề: giá cả chiết khấu lại cho doanh nghiệp phân phối, nguồn hàng phải bảo đảm ổn định, không để tắc nghẽn và vấn đề tài chính. Ông Chưởng cũng đề nghị tỉnh phải nghiên cứu để có kho lưu trữ, có bến bãi tạo thuận lợi cho việc nhập, phân phối xăng dầu. “Không có kho, bãi mà để doanh nghiệp chờ nhau có khi 2-3 ngày mới lấy được hàng thì sẽ mất khách”, ông Chưởng nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân đề nghị các doanh nghiệp thương nhân phân phối và đại lý bán lẻ xăng dầu nâng cao tinh thần trách nhiệm cùng tỉnh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân đề nghị các doanh nghiệp thương nhân phân phối và đại lý bán lẻ xăng dầu nâng cao tinh thần trách nhiệm cùng tỉnh

Còn theo anh Phạm Ngọc Hoàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Dầu khí Bách Khoa, Hải Dương chưa có khu lưu trữ, kho bãi phục vụ kinh doanh xăng dầu. Trong khi các địa phương lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh… vừa có lợi thế về vị trí địa lý do nằm ven biển, vừa có hệ thống kho bãi. Nhiều doanh nghiệp của tỉnh đang phải thuê kho bãi của họ và phải nộp phí kho bãi cho họ. Hệ thống kho bãi của Hải Phòng thường xuyên bị tắc đường, nhiều khi 3 ngày chờ đợi mới lấy được hàng, nên nếu Hải Dương có thể xây dựng kho xăng dầu, khí đốt tại vùng bãi sông ở Kinh Môn, Kim Thành thì sẽ thuận lợi cho doanh nghiệp.

Anh Hoàng Diên, Công ty Dịch vụ và Kinh doanh Thương mại Trường Phú cũng có cùng quan điểm đề nghị tỉnh cần mở thêm các bến thủy nội địa. Hải Dương có hệ thống sông ngòi dày đặc, phương tiện vận tải thủy của hơn 20 tỉnh, thành phố phải đi lại qua Hải Dương, nhưng lại không xây dựng được kho bãi ở khu vực bến thủy nội địa do vướng quy hoạch. Đây là một thiệt thòi lớn cho tỉnh khi chỉ là “mảnh đất đi qua”.

Ông Nguyễn Tiến Chín, đại diện Công ty CP Vật tư xăng dầu Hải Dương nêu ý kiến, Bộ Công thương đã phân hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho doanh nghiệp với sản lượng lớn hơn so với năm trước, đi kèm với đó là doanh nghiệp phải tăng nguồn vốn nên mong các ngân hàng quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp. UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải tạo điều kiện cấp phép cho xe vận chuyển xăng dầu của doanh nghiệp được phép đi vào một số tuyến đường nhỏ.

Ông Tăng Văn Trồi, Giám đốc Chi nhánh xăng dầu Hải Dương (Công ty Xăng dầu B12) đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước tạo mọi điều kiện doanh nghiệp đầu mối phát triển mạng lưới bán lẻ. Tăng cường kiểm soát đối với việc kinh doanh xăng dầu nhằm bảo đảm hực hiện đúng quy định của pháp luật, tránh việc gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

 Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu

Giải pháp nào?

Tại hội nghị, đại diện các Sở Công thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ; Ngân hàng TMCP Ngoại thương chi nhánh Hải Dương… đã giải đáp nhiều kiến nghị của doanh nghiệp về các vấn đề quy hoạch bến bãi, cấp phép hoạt động cho xe vận tải xăng dầu; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế đối với đơn vị kinh doanh xăng dầu…

Để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp kinh doanh, phân phối xăng dầu, tăng nguồn thu cho tỉnh, đồng chí Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành của tỉnh phải tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn về vấn đề kho bãi, khó ở đâu phải tìm cách gỡ ở đó. Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển xăng dầu của các doanh nghiệp có mua xăng dầu từ các doanh nghiệp đầu mối của tỉnh. Sở Công thương phải bám sát, đẩy nhanh tiến độ xin bổ sung quy hoạch bến bãi kinh doanh xăng dầu vào quy hoạch tỉnh; học hỏi kinh nghiệm các tỉnh, thành phố bạn về quản lý lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; tham mưu cơ chế chính sách phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu phù hợp. Sở Giao thông vận tải tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thỏa thuận bổ sung, điều chinh quy hoạch các điểm đấu nối từ cửa hàng xăng dầu vào hệ thống quốc lộ, cao tốc trên địa bàn tỉnh… Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị 3 doanh nghiệp đầu mối nắm bắt những thông tin phản hồi của các thương nhân phân phối và đại lý bán lẻ xăng dầu chủ yếu về tỷ lệ chiết khấu, nguồn cung hàng hóa khi có nhu cầu; mức dư nợ tín dụng, bảo lãnh của ngân hàng đối với xăng dầu để đưa ra thỏa thuận hợp tác kinh doanh phù hợp góp phần tăng sản lượng cung cấp xăng dầu cho các thương nhân phân phối và đại lý bán lẻ xăng dầu. Đề nghị các doanh nghiệp thương nhân phân phối và đại lý bán lẻ xăng dầu nâng cao trách nhiệm cùng tỉnh thông qua việc tăng sản lượng nhập xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong tỉnh...

Tại hội nghị, các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối xăng dầu đã ký biên bản ghi nhớ đồng hành cùng tỉnh trong việc xúc tiến tiêu thụ xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối của tỉnh, từ đó gián tiếp nộp thuế bảo vệ môi trường về ngân sách tỉnh, góp phần tăng thu ngân sách.

PV

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te/audio-lam-gi-de-tang-nguon-thu-ngan-sach-tu-xang-dau-235275