Làm gì để khuyến khích phát triển du lịch nông nghiệp?

Bên cạnh lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, Vĩnh Phúc có nhiều ưu thế để phát triển du lịch nông nghiệp và trên thực tế, loại hình này đã, đang được khai thác. Qua đó, góp phần đa dạng các loại hình du lịch, mang lại sinh kế cho người dân, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, để phát huy tối ưu nguồn tài nguyên này, vẫn cần những chiến lược mang tính dài hơi.

Du khách trải nghiệm tại vườn nho xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên. Ảnh: Nguyễn Lượng

Từ một HTX nông nghiệp thuần túy, chuyên trồng các loại rau, quả sạch, những năm gần đây, HTX Đại Lải (Ngọc Thanh, Phúc Yên) đã kết hợp với một số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn phát triển thêm loại hình du lịch trải nghiệm, biến những ruộng rau, vườn cây ăn trái trở thành một điểm tham quan hấp dẫn.

Trung bình mỗi tháng, HTX đón khoảng 1.500 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, chủ yếu là các nhóm gia đình, học sinh trên địa bàn Vĩnh Phúc, Hà Nội và các tỉnh lân cận. Nhờ thay đổi tư duy, biết khai thác, phát triển du lịch từ lợi thế nông nghiệp, doanh thu của HTX cũng tăng lên đáng kể, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Anh Lâm Văn Trung, Giám đốc HTX Đại Lải cho biết: “Trong bối cảnh du lịch Vĩnh Phúc còn thiếu những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn du khách, mô hình du lịch trải nghiệm gắn với nông nghiệp đang là lựa chọn của nhiều du khách, mở ra nhiều kỳ vọng cho nền công nghiệp không khói tỉnh nhà”.

Ngoài mô hình của anh Trung, gần đây, những cánh đồng, trang trại nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch sinh thái xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn tỉnh. Thay vì chỉ đưa nông sản ra thị trường thông qua các kênh tiêu thụ truyền thống, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh cũng tranh thủ tận dụng mô hình canh tác nông nghiệp để phát triển du lịch trải nghiệm, thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chụp ảnh, trực tiếp thu hoạch, mua sắm.

Một trong những người đi đầu mô hình này, anh Lưu Văn Hải, ở xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên chia sẻ: “Dựa trên khai thác lợi thế vườn nho gần 2ha sẵn có, tôi không chỉ bán được nông sản mà còn đón thêm 4 -5 nghìn lượt khách/vụ đến tham quan, chụp ảnh, góp phần quảng bá văn hóa, đất và người Vĩnh Phúc. Trước xu hướng du lịch nông nghiệp ngày càng phát triển, thời gian tới, tôi sẽ đầu tư cải tạo khuôn viên, vườn tược, trồng thêm hoa và nhiều loại cây ăn trái để thu hút thêm nhiều du khách”.

Theo đánh giá của ngành Du lịch, quá trình triển khai xây dựng các sản phẩm du lịch còn có nhiều bất cập, có sự chồng chéo về sản phẩm giữa khu, điểm du lịch.

Nhiều sản phẩm du lịch của tỉnh còn đơn điệu, chưa phong phú, đa dạng, chưa thực sự hấp dẫn du khách và không có khả năng cạnh tranh so với các địa phương xung quanh, thiếu các phẩm du lịch chất lượng cao.

Bên cạnh đó, các dịch vụ bổ trợ cho du lịch còn hạn chế, chưa khai thác hiệu quả từ các làng nghề, ẩm thực địa phương. Còn thiếu các khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại lớn, khu chợ đêm... phục vụ khách du lịch, làm hạn chế đến lưu lượng khách đến, mức chi tiêu bình quân thấp.

Để từng bước phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, có khả năng canh tranh trong khu vực, ngoài việc phát triển các nhóm sản phẩm du lịch chủ đạo, mang tính đặc thù như du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; du lịch kết hợp với thể thao; du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh; du lịch hội nghị, hội thảo; du lịch bổ trợ kết hợp với mục đích thương mại, việc đầu tư phát triển và nhân rộng mô hình du lịch nông nghiệp là hết sức cần thiết.

Hướng đi này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng và tính hấp dẫn của chương trình du lịch mà còn giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển KT- XH.

Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các mô hình du lịch dựa trên khai thác thế mạnh của nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, đơn điệu, trùng lặp, chưa có sự đầu tư bài bản, chuyên sâu. Kỹ năng phục vụ du lịch của bà con thiếu chuyên nghiệp; cơ sở vật chất cũng chưa được đầu tư bài bản; tính liên kết với các doanh nghiệp lữ hành còn hạn chế, dẫn tới lượng khách còn ít, chưa tận dụng được hết lợi thế để tăng khả năng chi tiêu của du khách.

Để loại hình du lịch nông nghiệp trở thành “con gà đẻ trứng vàng”, các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương cần có những giải pháp mang tính dài hơi như tạo điều kiện về nguồn vốn cũng như các cơ chế hỗ trợ đặc thù khuyến khích người dân chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thuần túy sang nông nghiệp du lịch; hỗ trợ truyền thông, quảng bá các sản phẩm du lịch; đẩy mạnh nghiên cứu, định hướng thị trường, phối hợp xây dựng sản phẩm du lịch gắn liền với phát triển nông nghiệp chất lượng cao.

Qua đó, góp phần đa dạng các loại hình du lịch, thúc đẩy ngành công nghiệp không khói tăng trưởng bền vững.

Phùng Hải

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/77859/lam-gi-de-khuyen-khich-phat-trien-du-lich-nong-nghiep.html