Làm gì để gỡ khó cho doanh nghiệp trên chặng 'nước rút' cuối năm?

Nhìn từ tình hình biến động giá xăng dầu, cũng như những bất cập, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh sẽ thấy các doanh nghiệp Việt còn đối mặt nhiều thách thức, khó khăn trên chặng 'nước rút' cuối năm. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý và khâu chính sách phải linh động một loạt các giải pháp để hy vọng trong 'cái khó phải ló cái khôn', chuyển nguy nan thành cơ hội cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh cuộc xung đột Israel – Hamas làm cho giá dầu thế giới biến động phức tạp, trong nước, ghi nhận giá xăng, dầu vào ngày 23/10 cho thấy đã cùng tăng lên mức giá mới. Và tính từ đầu năm đến nay, giá nhiên liệu trong nước có 30 đợt điều chỉnh, trong đó 17 lần tăng, 9 lần giảm và 4 kỳ giữ nguyên.

Tránh để biến động giá xăng dầu

Trong khi đó, Bộ Tài chính hiện đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, Bộ này đề xuất tiếp tục giảm 50% thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng dầu, mỡ nhờn trong năm 2024.

Khâu chính sách cần linh động các giải pháp để tránh biến động giá xăng dầu ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của các DN trong chặng “nước rút” cuối năm.

Mới đây, góp ý về Dự thảo này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết sau khi tham khảo ý kiến các doanh nghiệp (DN) và một số chuyên gia đã đồng tình với nội dung của Dự thảo Nghị quyết về việc tiếp tục giảm thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu trong năm 2024.

Thuế BVMT được xem là một trong những yếu tố cấu thành giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Cho nên việc điều chỉnh mức thuế BVMT như Dự thảo đưa ra sẽ tác động trực tiếp đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Việc tiếp tục giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 sẽ tiếp tục góp phần làm giảm sự tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Trên cơ sở đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu thụ xăng dầu và giảm các chi phí gián tiếp từ việc tiêu dùng các sản phẩm khác.

VCCI cho rằng, đây là giải pháp thiết thực nhằm đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ DN và phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Tuy nhiên, do giá bán lẻ xăng dầu trong nước phụ thuộc chủ yếu vào giá xăng dầu thành phẩm thế giới nên mức giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước cụ thể sẽ còn tùy thuộc vào tình hình biến động của giá xăng dầu thành phẩm thế giới.

Đứng ở góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, Ts. Bùi Duy Tùng (Đại học RMIT) cho rằng trong bối cảnh biến động giá xăng dầu như hiện nay thì một trong những giải pháp có thể được xem xét là việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu từ 10 ngày xuống còn 5 ngày.

Theo ông Tùng, điều này sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng ứng phó với những biến động toàn cầu. Độ trễ hiện tại theo quy định là 10 ngày có thể làm tăng áp lực lạm phát trong thời kỳ giá dầu toàn cầu tăng cao giữa bối cảnh xung đột xung đột Israel – Hamas. Điều đáng nói, theo quy định hiện hành, giá xăng dầu trong nước không thay đổi trong 10 ngày, bất chấp biến động của thị trường thế giới.

“Nếu giá dầu toàn cầu tăng vọt do một sự kiện như cuộc chiến Israel – Hamas, người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chịu mức giá cao trong một thời gian dài trước khi có bất kỳ sự can thiệp nào từ Chính phủ diễn ra. Sự chậm trễ này có thể có tác động lan tỏa đến nền kinh tế, làm tăng chi phí vận chuyển, hàng hóa và dịch vụ, từ đó thúc đẩy lạm phát”, ông Tùng lưu ý.

Trong “cái khó phải ló cái khôn”

Cần nhắc thêm, gần đây, tại báo cáo tóm tắt nội dung tờ trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết, trong giai đoạn vừa qua, thời gian điều hành giá xăng dầu đã liên tục được rút ngắn dần, từ 30 ngày xuống 15 ngày và hiện nay là 10 ngày (thực hiện vào các ngày 1, ngày 11 và 21 hằng tháng).

Thế nhưng, có những thời điểm khi thị trường xăng dầu thế giới biến động liên tục với biên độ lớn, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng nhưng chưa được cập nhật kịp thời dẫn đến DN gặp khó khăn trong việc nhập khẩu.

Do vậy, để giá xăng dầu trong nước theo sát và cập nhật kịp thời biến động của giá xăng dầu trên thế giới, Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu xuống còn 7 ngày.

Theo giới chuyên gia, nếu giá xăng dầu duy trì ở mức cao vào thời điểm bước vào mùa mua sắm cuối năm nay sẽ càng ảnh hưởng tiêu cực tới sức mua của người tiêu dùng. Nhất là khi giá xăng dầu đóng vai trò tác động mạnh tới chi phí sản xuất, giá cả hàng hóa và tỷ lệ lạm phát.

Ngoài vấn đề về biến động giá xăng dầu thì việc tiếp sức từ khâu chính sách và các cơ quan quản lý cho DN vượt khó trong thời gian tới là điều cực kỳ quan trọng. Nhất là cần tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ tiếp cận vốn để giúp DN có cơ hội bứt phá.

Chẳng hạn với việc tiếp cận vốn, dù đã có rất nhiều kiến nghị của các DN từ nhỏ cho đến lớn, thế nhưng lãi suất ngân hàng sau 4 lần giảm thì theo đánh giá là vẫn còn ở mức cao.

Như chia sẻ của ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, rất cần tạo thuận lợi hơn nữa cho các DN tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ kinh doanh như vốn, đất đai, lao động. Hiện tại, các DN vẫn còn gặp không ít vướng mắc, chẳng hạn như lãi suất DN vay rất cao, chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của DN, hay thủ tục đất đai còn nhiều phiền hà.

Còn theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, cần đẩy nhanh những giải pháp về tài chính, về ngân sách. Đơn cử như chính sách giảm thuế Giá trị gia tăng (VAT) nên kéo dài thêm một năm nữa để kích thích thị trường (mới đây Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024).

Suy cho cùng, ngoài việc cần chủ động kiểm soát biến động giá xăng dầu (như giảm thuế BVMT, giảm thời gian điều chỉnh giá xăng dầu) thì điều mà các DN mong mỏi để vượt khó khi chạy “nước rút” vào thời điểm cuối năm là rất cần thêm nhiều yếu tố phải “giảm” từ khâu chính sách. Đó là tiếp tục giảm thủ tục, giảm thuế, giảm phí, giảm lãi suất, giảm vướng về vốn vay….Có như vậy mới giúp DN cắt giảm chi phí, cắt giảm mọi rào cản cho DN và tạo mọi thuận lợi tối đa, để hy vọng trong “cái khó phải ló cái khôn”, chuyển nguy nan thành cơ hội cho DN.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/lam-gi-de-go-kho-cho-doanh-nghiep-tren-chang-nuoc-rut-cuoi-nam-1096114.html