Làm gì để du khách nâng mức chi tiêu?

Muốn du lịch phát triển bứt phá, bên cạnh việc thu hút khách, ngành Du lịch tỉnh cần có giải pháp để kích thích du khách chi tiêu, nâng cao doanh thu du lịch. Để làm được điều này, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cần sớm có đợt khảo sát nắm bắt thị hiếu, mức chi tiêu của du khách để xây dựng sản phẩm phù hợp, có cách tiếp thị bài bản.

Doanh thu tăng thấp hơn lượng khách

Theo thống kê của Sở Du lịch, ước tính đến hết tháng 10, toàn tỉnh đón khoảng 6,2 triệu lượt khách lưu trú, tăng 175% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch ước đạt gần 29.876 tỷ đồng, tăng 152,7% so với cùng kỳ. Qua thống kê cho thấy, mức tăng doanh thu thấp hơn mức tăng trưởng khách lưu trú (152,7% so với 175%). Như vậy, ngành Du lịch tỉnh vẫn đang ở giai đoạn tăng trưởng về lượng hơn là về chất.

Khách xem sản phẩm của Khu bảo tồn văn hóa trầm hương Hoàng Trầm.

Khách xem sản phẩm của Khu bảo tồn văn hóa trầm hương Hoàng Trầm.

Các đợt điều tra của Tổng cục Thống kê, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam và ngành Du lịch Khánh Hòa những năm trước đều cho thấy, mức tăng trưởng chi tiêu của du khách khá chậm, kể cả du khách quốc tế. Qua thống kê cho thấy, năm 2017 khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu 1.144 USD/người, đến năm 2019 chi tiêu gần 1.152USD/ người, tăng không đáng kể. Trong đó, khách Philippines chi tiêu nhiều nhất với gần 2.258 USD/người; xếp sau lần lượt là khách các nước: Bỉ, Mỹ, Úc, Đan Mạch, Na Uy, Canada, Anh, Đức… Những thị trường khách lớn của du lịch Việt Nam như: Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc đều có mức chi tiêu khá thấp (từ hơn 800 đến 1.000 USD/người).

Ở tầm địa phương, du khách đến Khánh Hòa chi tiêu thấp hơn khách đến Đà Nẵng, Quảng Nam. Theo khảo sát của Sở Du lịch, giai đoạn trước dịch Covid-19, khách du lịch đến Khánh Hòa chi tiêu khoảng 97 USD/khách/ngày. Xét riêng thị trường khách quốc tế, khách Nga có mức chi tiêu cho chuyến đi nhiều nhất với hơn 1.500 USD/người (bình quân hơn 110 USD/ngày/khách). Tiếp đến, khách Hàn Quốc chi tiêu cho chuyến đi bình quân hơn 739 USD/người (bình quân hơn 216 USD/ngày/khách); khách Trung Quốc chi tiêu cho chuyến đi bình quân hơn 583 USD (bình quân hơn 117 USD/ngày/khách). Trong đó, khách dành phần lớn tiền cho việc thuê phòng và ăn uống; số tiền mua hàng hóa, quà lưu niệm còn khá ít.

Cần khảo sát, nắm bắt thị hiếu của du khách

Sau dịch Covid-19, thị trường khách quốc tế đã thay đổi. Do khó khăn về đường bay, khách Nga quay trở lại Khánh Hòa khá ít, khách Hàn Quốc trở thành thị trường khách lớn nhất của ngành Du lịch tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, mức chi tiêu của khách Hàn Quốc cho cả chuyến đi không cao. Theo thông tin từ các doanh nghiệp, khách Hàn Quốc đến Khánh Hòa lưu trú ngắn ngày, chi tiêu cho việc mua sắm và tham quan không nhiều. Kết quả điều tra năm 2019 cho thấy, khách du lịch Hàn Quốc chi tiêu cho việc mua sắm chỉ khoảng 8% chi phí chuyến đi, thấp hơn nhiều so với khách Nga và Trung Quốc. Theo bà Lê Thị Hồng Minh - Giám đốc Công ty Cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh, bên cạnh thói quen chi tiêu của từng thị trường khách, cần phải thấy rằng, du lịch Khánh Hòa còn thiếu điểm mua sắm, dịch vụ hấp dẫn để kích thích khách tiêu tiền. So với khách Trung Quốc, khách Hàn Quốc kỹ tính hơn nên việc họ chi tiêu chưa cao cũng không có gì lạ.

Theo các chuyên gia du lịch, để kích thích du khách tiêu tiền, du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cần có nhiều hơn dịch vụ mua sắm và vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe... Ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam từng khuyến cáo, để hướng đến phát triển bền vững, khai thác du lịch hiệu quả hơn, Nha Trang - Khánh Hòa cần có nhiều trung tâm thương mại cao cấp, các cửa hàng outlet (cửa hàng chính hãng bán đồ giảm giá), các dịch vụ giải trí về đêm. Bên cạnh đó, Khánh Hòa cần có các làng nghề chế tác đồ thủ công mỹ nghệ có những mặt hàng lưu niệm đặc trưng để giới thiệu với du khách. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh đã ban hành Đề án phát triển kinh tế ban đêm với trọng tâm là tăng thêm sản phẩm, dịch vụ vui chơi giải trí để phục vụ du khách. Mới đây, UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức cuộc thi thiết kế sản phẩm quà tặng du lịch Nha Trang - Khánh Hòa nhằm tìm ra những sản phẩm đẹp phục vụ tuyên truyền, đồng thời làm phong phú hơn các mẫu quà lưu niệm cho khách du lịch đến Nha Trang.

Bên cạnh việc phát triển sản phẩm, dịch vụ chất lượng, để kích thích du khách tiêu tiền, các doanh nghiệp cần tăng cường liên kết về khai thác dịch vụ. Thực tế cho thấy, hiện nay, sự liên kết giữa các doanh nghiệp làm tour du lịch với các điểm mua sắm ở Nha Trang - Khánh Hòa còn khá lỏng lẻo. Bằng chứng là rất nhiều đơn vị tổ chức tour du lịch chủ yếu đưa khách đi tham quan, ăn uống, ít ghé đến các điểm mua sắm đặc sản địa phương. Đơn cử, Khánh Hòa nổi tiếng với yến sào và hải sản khô nhưng các tour du lịch chưa kết nối nhiều đến các cửa hàng chuyên bán sản phẩm yến sào, hải sản. Các điểm bán hàng chủ yếu bán cho khách đi lẻ nhiều hơn là khách đi tour.

Để phát triển mạnh, du lịch Khánh Hòa còn nhiều việc phải làm, nhưng việc cần làm ngay đó là mở một cuộc khảo sát về thị hiếu, mức chi tiêu của du khách, đặc biệt là khách quốc tế. “Sau đại dịch Covid-19, thói quen, sở thích của khách du lịch có nhiều thay đổi. Vì vậy, ngành Du lịch Khánh Hòa cần khảo sát, điều tra, từ đó có những định hướng về sản phẩm, đưa ra các giải pháp để kích thích du khách tiêu tiền”, anh Lê Hữu Phúc - hướng dẫn viên du lịch bày tỏ.

XUÂN THÀNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/du-lich/202310/lam-gi-de-du-khach-nang-muc-chi-tieu-cbb320e/