Làm gì để doanh nghiệp chuỗi cung ứng có bước đột phá công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh?

Nhìn vào lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, để không phải tiếp tục thua trên 'sân nhà' đang đòi hỏi các doanh nghiệp chuỗi cung ứng Việt cần khai phá sức mạnh từ những công nghệ có liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Điều này cần có sự nhìn nhận rõ ràng hơn thay vì vẫn còn mơ hồ như hiện tại.

Mới đây, trong Báo cáo Chi phí Xây dựng Trung tâm Dữ liệu năm 2023/24 của Cushman & Wakefield đã chỉ rõ điểm đáng lưu tâm khi Việt Nam có chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu trong nhóm thấp nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Yếu tố thay đổi cuộc chơi cho khối nội

Nhìn từ báo cáo này, bà Trang Bùi, Tổng Giám Đốc Cushman & Wakefield, cho rằng so với các thị trường trưởng thành, thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn sơ khai với tốc độ phát triển “khiêm tốn” hơn.

Để tạo lợi thế cạnh tranh, các DN chuỗi cung ứng Việt cần có sự nhìn nhận rõ ràng về những công nghệ có liên quan đến trí tuệ nhân tạo thay vì vẫn còn mơ hồ như hiện tại.

Để tạo lợi thế cạnh tranh, các DN chuỗi cung ứng Việt cần có sự nhìn nhận rõ ràng về những công nghệ có liên quan đến trí tuệ nhân tạo thay vì vẫn còn mơ hồ như hiện tại.

Trong khi thị trường trung tâm dữ liệu ở trong nước được đánh giá là còn khiêm tốn thì một nghiên cứu hợp tác mang tên “Bối cảnh thay đổi chuyển đổi số trong chuỗi cung ứng: Tác động của Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam” do Đại học RMIT thực hiện mới đây cho thấy, việc phân tích dữ liệu lớn (BDA) cùng với Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) đang nổi lên như những công nghệ cần thiết cho các doanh nghiệp (DN) chuỗi cung ứng ở Việt Nam.

Nghiên cứu này cho rằng việc phân tích dữ liệu lớn được xem là yếu tố thay đổi cuộc chơi cho các DN ở chuỗi cung ứng Việt, không chỉ về tiềm năng dự đoán mà còn trong việc phát triển phân khúc khách hàng và từ đó phát triển hoạt động tiếp thị (marketing) mục tiêu, hiểu biết kinh doanh mới và nhận diện các cơ hội kinh doanh mới.

Trên thực tế, bản chất của thị trường trung tâm dữ liệu thường là thay đổi nhanh chóng, ngay như với các chuỗi cung ứng của các DN Việt, điều này khiến việc dự báo trở nên khó khăn. Tuy nhiên, nếu các DN trong nước theo kịp sự phát triển trong không gian trí tuệ nhân tạo và đầu tư cho việc phân tích dữ liệu lớn thì họ sẽ có vị thế tốt để tận dụng những cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới.

Cũng theo nghiên cứu của RMIT, trí tuệ nhân tạo được ghi nhận có tác động dự đoán cao nhất (61%), giúp cải thiện không chỉ hiệu suất của các nhiệm vụ, mà còn giảm sự thiếu hiệu quả và thay thế công việc thủ công cho các DN Việt trong chuỗi cung ứng.

Một trong những khả năng của công nghệ này là tăng doanh số bán hàng. Nhưng thú vị hơn là khả năng tạo thêm công việc của AI – trái ngược với suy nghĩ thường thấy rằng AI là mối nguy làm mất việc làm, chứ không phải tạo ra việc làm trong quá trình chuyển đổi số.

Theo sau AI là IoT, có tác động tích cực được dự đoán là 22%. Việc quản lý thời gian theo thời gian thực các hoạt động vận hành và chuỗi cung ứng, dự báo bảo trì và dự đoán tiềm năng là những khía cạnh được xem là quan trọng của công nghệ này.

Cùng với tác động mà những công nghệ tiên tiến này có thể mang lại cho ngành chuỗi cung ứng của Việt Nam, nhóm nghiên cứu còn xem xét đến khối lượng đầu tư như một chỉ số về tiềm năng áp dụng các công nghệ của Công nghiệp 4.0.

Theo đó, Robot tiên tiến ở mức 31%, được ghi nhận là công nghệ có khối lượng đầu tư cao nhất, đặc biệt chú trọng vào giáo dục và đào tạo phi chính thức/bổ sung, tiếp theo sau là việc thuê các chuyên gia.

AI và xe tự hành (AVs) được ghi nhận xu hướng đầu tư tương tự nhau ở mức 12% cho mỗi công nghệ, trong đó AI tập trung vào phát triển kỹ năng và kiến thức, còn AVs chú trọng hơn đến các chiến lược vận hành để tiết kiệm chi phí nhiên liệu, lái xe và giảm ô nhiễm.

Hai lĩnh vực thú vị với tỉ lệ đầu tư đáng kể là blockchain (34%) và IoT (33%), nơi tiền đầu tư được dùng vào đào tạo kỹ năng, phát triển kiến thức và quan hệ hợp tác, cho thấy lối đi tiềm năng để sử dụng các công nghệ này trong tương lai.

Cần nhìn nhận rõ ràng thay vì mơ hồ

Cần nhắc thêm, việc đưa AI tạo sinh (generative AI - một loại trí tuệ nhân tạo tập trung vào việc tạo ra nội dung/dữ liệu mới dựa trên dữ liệu hiện có) đang nổi lên như một công nghệ có khả năng thay đổi cuộc chơi, hứa hẹn “cách mạng hóa” trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, liệu các DN Việt có thực sự sẵn sàng cho việc nắm bắt, tích hợp công nghệ này hay không?

Như trong một cuộc khảo sát mới nhất của Công ty tư vấn Deloitte Đông Nam Á (trong đó có 2/3 số người được hỏi là các nhân sự cấp cao hoặc hội đồng quản trị và quản lý cấp trung tại Việt Nam) thì thấy rằng chưa đến một nửa số DN phản hồi là họ đang chuẩn bị phần nào để tích hợp AI tạo sinh.

Ông Mark Teoh, Giám đốc điều hành Deloitte Consulting nhận định, con người làm chủ AI sẽ thay thế con người không làm chủ AI. Bất chấp lợi thế cạnh tranh của AI tạo sinh, vẫn còn rất nhiều điều về công nghệ này chưa được biết đến.

Thực ra, mặc dù các DN chuỗi cung ứng Việt biết về công cụ mới nổi này và hy vọng sẽ nắm bắt được các ứng dụng và kết quả của nó, tuy nhiên họ vẫn lo lắng, mơ hồ về việc áp dụng và rủi ro kèm theo, trong khi khả năng tích hợp vào chuỗi cung ứng vẫn chưa được các DN hiểu biết đầy đủ.

Điều đáng nói, trong các DN nội địa trong chuỗi cung ứng còn mơ hồ với các công nghệ có liên quan đến trí tuệ nhân tạo thì những DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào chuỗi cung ứng và thị phần lớn ở Việt Nam lại đang cho thấy họ là DN tiên phong ứng dụng các công nghệ như AI, IoT hay BDA để tạo ra lợi thế cạnh tranh ngay trên “sân nhà” của các DN Việt.

Như chia sẻ của ông Hamza Harti, Giám đốc điều hành của FM Logistic Việt Nam (một DN có 100% vốn ngoại) - hiện đang đầu tư và đưa vào sử dụng kho hàng có diện tích trải rộng đến 20.000m2 ở tỉnh Bình Dương, việc ứng dụng các công nghệ tân tiến có liên quan đến trí tuệ nhân tạo, cũng như việc lấy khách hàng làm trung tâm là điều rất quan trọng để nâng cao hiệu quả và độ tin cậy của chuỗi cung ứng đa kênh bền vững.

“Chú trọng đổi mới từ cốt lõi, chúng tôi đang khai thác hệ thống quản lý kho hàng (WMS) và công nghệ theo dõi hàng tồn kho tiên tiến. Thông qua sự tích hợp này, chúng tôi cho phép năng động điều phối các hoạt động trong thời gian thực, thiết lập các tiêu chuẩn mới về hiệu quả và độ chính xác trong chuỗi cung ứng”, ông Harti nói.

Xét cho cùng, nhìn vào lợi thế cạnh tranh về mặt công nghệ của các DN FDI, để không phải tiếp tục thua trên “sân nhà” đang đòi hỏi các DN chuỗi cung ứng Việt cần khai phá sức mạnh từ những công nghệ có liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Điều này cần có sự nhìn nhận rõ ràng thay vì vẫn còn mơ hồ như hiện tại. Nhất là họ cần điều chỉnh và tinh chỉnh chiến lược của mình khi áp dụng các công nghệ mới, đảm bảo tích hợp, kết nối hài hòa để đạt được hiệu quả tối đa.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/lam-gi-de-doanh-nghiep-chuoi-cung-ung-co-buoc-dot-pha-cong-nghe-tao-loi-the-canh-tranh-1096458.html