Làm đường sắt đô thị từ Hà Nội đi Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, thời tới sẽ triển khai các tuyến đường sắt đô thị kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh của Hà Nội; nghiên cứu đầu tư các tuyến đường sắt đô thị kết nối Hà Nội với các tỉnh xung quanh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam...

 Làm đường sắt đô thị từ Hà Nội đi Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam.

Làm đường sắt đô thị từ Hà Nội đi Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai chương trình phát triển vùng dồng bằng sông Hồng diễn ra tại Quảng Ninh sáng 12/2, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến vành đai vùng (vành đai 4, vành đai 5), cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, Nội Bài - Hạ Long, Cổ Tiết - Chợ Bến, các tuyến liên kết vùng để phát triển các hành lang, cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế - đô thị, tạo đột phá phát triển vùng; mở rộng một số đoạn tuyến quốc lộ trong vùng theo quy hoạch và các đoạn tuyến đường bộ ven biển để đáp ứng nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế biển.

Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin: Bộ GTVT sẽ tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có, nâng cao kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế qua cửa khẩu Lào Cai, Đồng Đăng. Đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân. Đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng kết nối đến cảng biển Đình Vũ, Lạch Huyện; đầu tư đường sắt khu đầu mối Hà Nội; hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị trong khu vực đô thị trung tâm Hà Nội; triển khai các tuyến đường sắt đô thị kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội; nghiên cứu đầu tư các tuyến đường sắt đô thị kết nối Hà Nội với các tỉnh xung quanh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam...

Đồng thời, cải tạo, đưa vào cấp kỹ thuật các tuyến đường thủy nội địa, kết nối thuận lợi từ Hải Phòng, Quảng Ninh về Hà Nội, Việt Trì, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình; nâng cấp tĩnh không cầu Đuống; xây dựng mới cảng container, các cảng khách đầu mối tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Văn Thắng cũng nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục có các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả cảng quốc tế Lạch Huyện; tiếp tục đầu tư các bến cảng tại cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh; phát triển cảng tại các huyện đảo với quy mô phù hợp đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; chú trọng đầu tư đồng bộ giữa luồng và bến, kết nối liên hoàn giữa cảng biển trong vùng với phương thức vận tải khác, đầu mối vận tải khu vực; đầu tư các cảng cạn để hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics.

Cùng với đó, sẽ tiếp tục nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi đáp ứng nhu cầu trong từng thời kỳ; khai thác hiệu quả cảng hàng không Vân Đồn.

Để đạt được các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo động lực tăng trưởng cho Vùng đồng bằng sông Hồng, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, cần đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương trong quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng. Cần đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông do Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh/TP, đặc biệt là các công trình đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không để phát huy tính chủ động của các địa phương trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Ngô Sơn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/lam-duong-sat-do-thi-tu-ha-noi-di-bac-ninh-vinh-phuc-hung-yen-ha-nam-322656.html