Lâm Đồng: Ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp bán thô khoáng sản

Một số doanh nghiệp khoáng sản sau khi nổ mìn, thay vì chế biến thì xuất bán đá nguyên khai, làm giảm thuế tài nguyên nộp ngân sách nhà nước.

Xử phạt nhưng chưa quy định truy thu thuế

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vừa đề nghị Cục Thuế tỉnh có ý kiến về dự thảo văn bản gửi Tổng Cục thuế, kiến nghị hướng dẫn xử lý thuế đối với các trường hợp không thực hiện chế biến, kê khai sản phẩm khoáng sản đúng tỉ lệ theo phương án khai thác, chế biến được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Một mỏ khai thác đá tại phường 7, TP Đà Lạt.

Trong đó, đề nghị có ý kiến về việc bổ sung quy định của Luật Quản lý thuế về xử lý hành vi khai thác khoáng sản không gắn với chế biến.

Theo Sở TN-MT, thời gian qua, việc xử lý về thuế đối với các trường hợp không thực hiện chế biến, kê khai sản phẩm khoáng sản đúng tỉ lệ theo phương án khai thác, chế biến được cấp thẩm quyền phê duyệt gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Một số giấy phép trên địa bàn tỉnh sau khi nổ mìn thì doanh nghiệp không tiếp tục chế biến ra thành phẩm theo dự án đầu tư và hồ sơ thiết kế mỏ được thẩm định. Số đá nổ mìn này (đá nguyên khai) được đem bán cho đơn vị khác sử dụng hoặc tiếp tục chế biến.

Với hình thức khai thác này thì việc kê khai thuế tài nguyên chỉ một lần trên sản phẩm bán lần đầu từ đá nổ mìn, giá thấp hơn rất nhiều so với thành phẩm nên doanh nghiệp sẽ giảm tiền thuế tài nguyên nộp ngân sách nhà nước. Điều này sẽ làm thất thu ngân sách, cạnh tranh không công bằng trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Bên cạnh đó, hành vi khai thác khoáng sản không gắn với chế biến theo dự án đầu tư nêu trên sẽ bị xử lý theo Nghị định 04/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, các điều khoản liên quan về việc xử phạt không quy định về việc truy thu hay xử lý về thuế.

Nhiều doanh nghiệp khoáng sản vi phạm

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng liên quan hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, Công ty CP Tân Tú Anh không chế biến hết lượng đá nguyên khai mà chủ yếu bán cho Công ty TNHH SX-TM-DV Nguyên Phát; Công ty TNHH Lâm Phần bán đá nguyên khai cho Công ty TNHH Xây dựng công nghiệp Lâm Đồng; Công ty CP Ngọc Lâm bán đá nguyên khai cho Công ty TNHH Ngọc Bắc Bình.

Việc khai thác không gắn với chế biến sẽ làm thất thu ngân sách cũng như cạnh tranh không công bằng giữa các dự án khai thác khoáng sản.

Về vấn đề nghĩa vụ tài chính liên quan khoáng sản nói chung, theo số liệu từ Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2020-2022, có 21 doanh nghiệp còn nợ nghĩa vụ tài chính đến gần 19,7 tỉ đồng. Trong đó, thuế tài nguyên hơn 10,4 tỉ đồng, tiền cấp quyền khai khác gần 7,8 tỉ đồng, phí bảo vệ môi trường gần 1,3 tỉ đồng.

Đối với việc kiểm tra, xử lý vi phạm, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đánh giá công tác kiểm tra của UBND các huyện, TP Đà Lạt, Bảo Lộc đối với doanh nghiệp được cấp phép ít được thực hiện. Trừ khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, thông tin từ báo chí hoặc phản ánh của người dân thì các địa phương mới triển khai. Các địa phương cũng chủ yếu kiểm tra, xử lý đối với trường hợp khai thác cát trái phép manh mún, nhỏ lẻ.

Dù giữa ngành thuế với ngành TN-MT đã có quy chế phối hợp nhưng quy chế không xác định rõ sự phối hợp kiểm tra chung. Vì vậy, việc phát hiện, xử lý vấn đề phát sinh tại hiện trường khai thác so với hồ sơ chứng từ doanh nghiệp lưu trữ tại thời điểm kiểm tra chưa đồng bộ.

Trường Nguyên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lam-dong-ngan-chan-tinh-trang-doanh-nghiep-ban-tho-khoang-san-196240425103536482.htm