Lâm Đồng: Chuyển Di tích Dinh Tỉnh trưởng cũ và Dinh Nguyễn Hữu Hào cũ từ nhóm 1 xuống nhóm 2

Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa ra Quyết định 53/2023/QĐ-UBND Ban hành Quy định quản lý, sử dụng biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt.

Dinh Tỉnh trưởng thuộc khu vực Trung tâm thành phố Đà Lạt. Ảnh tư liệu: Quốc Hùng- Đặng Tuấn/TTXVN

Đáng chú ý, công trình Tư dinh Tỉnh trưởng cũ ở số 1 Lý Tự Trọng, Phường 1, thành phố Đà Lạt đã được đưa từ nhóm 1 (nhóm có giá trị đặc biệt về kiến trúc, cảnh quan) xuống nhóm 2 ở cấp có giá trị bảo tồn thấp hơn.

Theo Quyết định số 53/2023/QĐ-UBND có hiệu lực từ ngày 22/9/2023, quỹ biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt có 166 biệt thự, chia làm 3 nhóm: Nhóm 1 có 3 biệt thự, Nhóm 2 có 69 biệt thự và Nhóm 3 có 94 biệt thự. Đáng chú ý, theo Quyết định này, Nhóm 1 là nhóm biệt thự có giá trị điển hình về nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan và có giá trị lịch sử, văn hóa chỉ còn Dinh I, Dinh III (đều là Dinh Bảo Đại cũ) và Dinh II (Dinh Toàn quyền Đông Dương cũ). Còn Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt cũ cùng với Dinh Nguyễn Hữu Hào cũ (nay là Cung Nam Phương hoàng hậu ở Bảo tàng Lâm Đồng) không còn nằm trong Nhóm 1 như theo Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND ngày 8/12/2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng mà chuyển xuống Nhóm 2.

Tại Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND ban hành quy định bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt, xác định, biệt thự Nhóm 1 là những biệt thự có giá trị về lịch sử, văn hóa; có giá trị đặc biệt về kiến trúc, cảnh quan; còn bền vững về kết cấu chính. Việc quản lý, sử dụng "không làm thay đổi kiểu dáng kiến trúc, các chỉ tiêu quy hoạch và công năng, tính chất sử dụng ban đầu của biệt thự".

Trong khi đó, tại Quyết định số 53/2023/QĐ-UBND quy định việc cải tạo nhà biệt thự được thực hiện theo quy định pháp luật về nhà ở, xây dựng, quy hoạch, kiến trúc, quản lý di sản văn hóa, các quy định khác có liên quan. Cụ thể: "Đối với nhà biệt thự Nhóm 1, khi cải tạo phải giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao; đối với nhà biệt thự Nhóm 2, khi cải tạo phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài… Đối với nhà biệt thự thuộc khu vực đã có quy hoạch chi tiết thực hiện theo quy hoạch chi tiết được duyệt…".

Trước đó, từ ngày 14/8/2020, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có nhiều bài viết về việc Lâm Đồng lấy ý kiến về phương án kiến trúc đồi Dinh Tỉnh trưởng ở thành phố Đà Lạt. Trong đó, tỉnh tổ chức trưng bày, lấy ý kiến 3 phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng thuộc quy hoạch chi tiết khu Trung tâm Hòa Bình trước khi đưa vào thực hiện. Theo đó, trong 8 phương án đưa ra, có 3 phương án được lựa chọn để lấy ý kiến của các chuyên gia cũng như người dân lựa chọn. Phương án 1 nâng Dinh Tỉnh trưởng lên cao 28m so với hiện nay, bên dưới là hệ thống công trình không gian như vườn thực vật, trung tâm hội nghị, sự kiện, thương mại, nhà hàng; không gian lưu trú. Phương án 2 giữ nguyên Dinh Tỉnh trưởng, bao quanh là khu vực khách sạn cao cấp 6 sao hình chữ U cao 10 tầng, trung tâm hội nghị quốc tế và các không gian phụ trợ; khu vườn thiết kế theo phong cách vườn Pháp. Phương án 3 vẫn giữ nguyên Dinh Tỉnh trưởng nhưng bên cạnh đó xây dựng khối khách sạn hình vòng cung…

Kết thúc trưng bày, Ban tổ chức nhận được 243 phiếu góp ý tại chỗ, 26 phiếu góp ý online và đang tổng hợp để báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện. Sau khi đưa ra trưng bày, trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội có ý kiến cho rằng, các phương án kiến trúc trên mang nặng lợi ích quy hoạch địa ốc chứ chưa nghĩ đến lợi ích cộng đồng. Cả 3 phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng đang được trưng bày đều thể hiện “ý chí của nhà đầu tư” biến khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng thành cụm khách sạn đồ sộ nhằm sử dụng diện tích khu đất đã được phê duyệt 16.904 m2, với những công trình xây dựng lên tới 10 tầng, chiều cao tối đa tới 55m…

Sau đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có văn bản số 86/KT ngày 15/9/2020 gửi tới Chủ tịch UBND tỉnh và Sở Xây dựng, kiến nghị tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến phản biện của các chuyên gia, kiến trúc sư trên cả nước và không nên xây dựng công trình khách sạn trên đồi Dinh Tỉnh trưởng. Hội Kiến trúc sư Việt Nam nêu quan điểm: Hội đã nhận được nhiều ý kiến của các kiến trúc sư thể hiện sự không đồng tình với cả 3 phương án kiến trúc khách sạn, có quy mô 10 tầng với khối tích lớn tại khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng.

Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận thấy ý kiến của nhiều kiến trúc sư là có cơ sở, thể hiện đạo đức nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm của kiến trúc sư đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản kiến trúc Dinh Tỉnh trưởng và cảnh quan khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng. Đây là đặc trưng, độc đáo của kiến trúc cảnh quan đô thị Đà Lạt nhằm phục vụ nhu cầu cuộc sống đương đại của người dân thành phố và cả nước.

Trên thực tế, đồi Dinh Tỉnh trưởng là mảng xanh hiếm hoi còn tồn tại ở khu vực Trung tâm Hòa Bình của thành phố Đà Lạt. Trong quá trình đô thị hóa ồ ạt những năm gần đây, “Thành phố trong rừng thông” này bị bê tông hóa, giống như mọi thành phố khác của Việt Nam nên việc giữ lại những mảng xanh hiếm hoi như đồi Dinh Tỉnh trưởng là tâm nguyện của nhiều người dân Đà Lạt.

Chu Quốc Hùng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/lam-dong-chuyen-di-tich-dinh-tinh-truong-cu-va-dinh-nguyen-huu-hao-cu-tu-nhom-1-xuong-nhom-2-20230908110329453.htm