Làm chủ công nghệ ngành cơ khí chế tạo: Cần gỡ rào cản về chính sách

Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo đang gặp một số rào cản về mặt cơ chế chính sách, cần nhanh chóng tháo gỡ.

Xung quanh câu chuyện này, Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương.

Trong thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo đã đạt được nhiều thành công, góp phần giảm nhập siêu, tăng tỷ lệ nội địa hóa công nghệ. Ông chia sẻ gì về vấn đề này?

Trong thời gian qua, với các cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, cùng với sự cố gắng của các viện nghiên cứu, doanh nghiệp Việt Nam trong đầu tư nâng cao năng lực, làm chủ công nghệ, các đơn vị trong nước đã gặt hái nhiều thành công trong các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong ngành cơ khí - chế tạo cho nhiều lĩnh vực thủy điện, nhiệt điện, bô xít, xi măng, điện mặt trời, tự động hóa trong quá trình sản xuất… Nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ do Viện Nghiên cứu Cơ khí thực hiện đã được cấp bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

TS. Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí

TS. Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí

Đơn cử, trong lĩnh vực thủy điện, Viện đã được giao nhiệm vụ chủ trì tiếp nhận chuyển giao công nghệ phần thiết kế, chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho các công trình thủy điện theo Quyết định 797/QĐ-TTg của Thủ tướng Chỉnh phủ cho dự án đầu tiên là thủy điện A Vương. Thành công của nhiệm vụ đã mang lại các hiệu quả kinh tế, xã hội cao, đóng góp vào thành công của phát triển ngành.

Đến nay, Viện đã cùng các đơn vị cơ khí trong nước tự lực trong việc thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công cho hơn 29 công trình thủy điện vừa và lớn trong nước, trong đó có công trình thủy điện Sơn La (2400 MW) và Lai Châu (1200 MW), tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho ngành cơ khí trong nước với doanh thu từ mảng việc này mang lại khoảng 8000 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành sản phẩm từ 4,4 USD/1kg sản phẩm xuống còn 1,5 USD/1kg sản phẩm, góp phần phát điện sớm 03 năm với thủy điện Sơn La và 01 năm với thủy điện Lai Châu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các dự án.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực nhiệt điện, NARIME cũng đã từng bước làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống thải tro xỉ, hệ thống bốc dỡ than, hệ thống phòng cháy chữa cháy các nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Thái Bình 1, Sông Hậu 1, Nghi sơn 2. Đặc biệt, dự án nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp và đưa vào vận hành thành công hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 với tỷ lệ nội địa hóa đạt 50,6%, tương đương với thiết bị công nghệ từ các nước G7 là dự án đầu tiên trong nước thực hiện, mở ra hướng phát triển mới cho ngành cơ khí chế tạo trong nước.

Trong lĩnh vực tự động hóa, Viện đã chủ động đầu tư về nhân lực, tài chính, hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước để từng bước làm chủ công tác tính toán, thiết kế, tích hợp các hệ thống tự động ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0. Viện đã thực hiện thành công nhiều dự án tự động hóa các quá trình sản xuất trong các nhà máy công nghiệp như” 02 Dự án “Thiết kế, cung cấp, lắp đặt và hướng dẫn vận hành hệ thống robot bốc xếp hàng tự động” cho công ty Cổ phần Bột giặt LIX; Dự án “Hệ thống SCADA giám sát toàn bộ nhà máy sản xuất bột giặt”; Dự án “Nâng cấp hệ thống điện điều khiển lò đốt tháp 1 và tháp 2"; Dự án "Chế tạo, cung cấp, lắp đặt hệ thống cân tự động đóng túi bột giặt Unilever”... Thành công tại các dự án này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho Chủ đầu tư, tiết kiệm nguồn nhân lực và góp phần hiện đại hóa quá trình sản xuất của các dây chuyền hiện hữu.

Tôi muốn nhấn mạnh thêm, chúng tôi đã nhanh chóng triển khai các nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ cao theo hướng công nghệ 4.0 với trọng tâm là các dây chuyền sản xuất tự động, các kho chứa thông minh phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế số đã thể hiện sự nhanh nhạy trong phát triển sản phẩm khoa học và nâng cao không ngừng khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chẳng hạn, Viện đã thiết kế, chế tạo, đưa vào vận hành thành công hệ thống phân loại sản phẩm tự động tại doanh nghiệp logistics. Hệ thống phân loại sản phẩm tự động này có thể hoạt động liên tục trên ca làm việc 8 giờ/ngày, ghi nhận năng suất khoảng 7.500 sản phẩm/giờ (tương ứng khoảng 60.000 sản phẩm/ngày). Trên thực tế, tại thời điểm chạy thử nghiệm và vận hành chính thức chưa phải là dịp cao điểm. Theo tính toán, nếu hoạt động tối đa năng suất thì hệ thống có thể đáp ứng lên tới 70.000 sản phẩm/ngày.

Nhằm đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, ông có đề xuất gì về mặt cơ chế, chính sách?

Tôi cho rằng, cần đánh giá tổng kết Quyết định 319/QĐ-TTg ngày 15/3//2018 của Thủ tướng Chỉnh phủ về Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, cần xem xét, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Chiến lược cho phù hợp với tính hình mới, đặc biệt cần điều chỉnh, bổ sung các sản phẩm cơ khí trọng điểm cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội trong và ngoài nước.

Trên cơ sở Chiến lược phát triển ngành cơ khí được điều chỉnh, cần thiết phải xây dựng một chương trình tổng thể của nhà nước để hỗ trợ cho công tác nghiên cứu và làm chủ công nghệ trong từng lĩnh vực công nghiệp cụ thể được ưu tiên phát triển. Các đề tài/dự án được đăng ký và phê duyệt hàng năm sẽ bám sát theo các mục tiêu đặt ra tại Chương trình này tiến tới đạt được mục tiêu khi hoàn thành các đề tài/dự án đăng ký.

Luật đấu thầu đang cản trở việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, đặc biệt đối với dây chuyền, thiết bị phức tạp mà Việt Nam chưa sản xuất được phải liên danh với nhà thầu nước ngoài.

Theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu liên danh được xác định bằng tổng năng lực, kinh nghiệm của các thành viên liên danh, tuy nhiên phải bảo đảm từng thành viên liên danh đáp ứng năng lực, kinh nghiệm đối với phần việc mà thành viên đó đảm nhận trong liên danh; nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh không đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm thì nhà thầu liên danh được đánh giá là không đáp ứng yêu cầu.

Nếu theo quy định này, mãi mãi các doanh nghiệp trong nước không thể có đủ kinh nghiệm để tham gia các gói thầu tương tự trong tương lai vì mình sẽ không bao giờ có đủ yêu cầu năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu.

Thực tiễn triển khai các đề tài, dự án khoa học công nghệ cũng như quá trình chuyển giao công nghệ các hệ thống thiết bị đồng bộ ở NARIME cho thấy, con đường ngắn nhất, rẻ nhất để tiếp thu công nghệ tiên tiến, phù hợp với Việt Nam là thực hiện chuyển giao thiết kế, công nghệ thông qua kết hợp thực hiện các Đề tài/Dự án khoa học và công nghệ thông qua việc liên danh với nhà thầu nước ngoài để đấu thầu các dự án mà trong nước chưa đủ năng lực kinh nghiệm.

Khi đó, về mặt hình thức, phần thiết kế và công nghệ sẽ được đối tác nước ngoài chuyển giao trong quá trình thực hiện công việc theo nghĩa vụ thực hiện hợp đồng kinh tế, còn các nhà khoa học Việt Nam thực hiện tiếp thu, học hỏi thiết kế, công nghệ của nước ngoài thông qua thực hiện hợp đồng kinh tế với chi phí rất rẻ (do không phải trực tiếp mua bí quyết công nghệ của nước ngoài), nhưng lại vô cùng hiệu quả.

Do vậy, cần sửa đổi điều khoản này theo hướng, cho phép thành viên trong liên danh được thực hiện các công việc mình chưa đủ kinh nghiệm trong trường hợp các thành viên còn lại của Liên danh (đã đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm) có cam kết sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm khi thực hiện bởi thành viên này.

Hiện nay, một trong những vướng mắc các nhà khoa học gặp phải đó là cơ chế tài chính đang khiến họ tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu. Xin ông cho biết một số đánh giá về vấn đề này?

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, quá trình đề xuất, phê duyệt, tuyển chọn và ký hợp đồng thực hiện các đề tài khoa học và công nghệ kéo dài, dẫn đến việc thực hiện các đề tài khoa học và công nghệ mất tính thời sự, không còn đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, thậm chí mất tính khả thi do tiến độ các dự án áp dụng kết quả đề tài nhanh hơn tiến độ đề tài. Do vậy, cần có cơ chế lập kế hoạch, đề xuất, phê duyệt, tuyển chọn các đề tài nhanh, linh hoạt hơn để đáp ứng các nhu cầu đột xuất, cấp bách của thực tiễn.

Thực tế, hầu hết các đề tài/dự án khoa học và công nghệ cấp nhà nước không thể thanh toán phần lương chuyên gia nước ngoài do thiếu định mức tiền lương để thuê chuyên gia nước ngoài tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (ví dụ, các đề tài thuộc dự án giàn khoan Tam đảo 3, nhiệt điện 600 MW…).

Thông thường chi phí lương chuyên gia nước ngoài do ngân sách nhà nước hỗ trợ chỉ chiếm không quá 10% giá trị lương của hạng mục tương ứng được thanh toán từ vốn đối ứng. Do vậy cần xây dựng các qui định cụ thể, khả thi để thuê các chuyên gia nước ngoài tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (như có thể cho phần lương chuyên gia này được thanh toán theo chi phí lương chuyên gia của dự án đã được đấu thầu theo quy định).

Do các quy định về vốn đối ứng và có cam kết địa chỉ ứng dụng khi thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, nên khi đề xuất đề tài rất khó để được phê duyệt thực hiện (các doanh nghiệp không sẵn sàng cam kết áp dụng sản phẩm đề tài và cung cấp vốn đối ứng ở giai đoạn chưa biết rõ về sản phẩm; mặt khác do các qui định của Luật đấu thầu nên nếu doanh nghiệp cam kết vốn đối ứng sẽ không đúng qui định của Luật đấu thầu).

Vì vậy, cần xem xét lại các quy định về vốn đối ứng và cam kết sử dụng sản phẩm khi tuyển chọn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ để phù hợp với Luật đấu thầu. Theo đó, nên chăng quy định sản phẩm đầu cuối, có nghĩa là chỉ nghiệm thu sản phẩm khi đã được ứng dụng thành công.

Mặt khác, các quy định pháp luật về xử lý tài sản hình thành sau khi thực hiện các đề tài sử dụng ngân sách nhà nước chưa đầy đủ, khả thi nên các doanh nghiệp lo ngại các thủ tục phức tạp, rườm rà để được áp dụng kết quả của các đề tài nghiên cứu triển khai. Vì vậy, cần ban hành các hướng dẫn phù hợp, khả thi về xử lý tài sản hình thành sau khi thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước để khuyến khích các nhà khoa học, các tổ chức khoa học và công nghệ và doanh nghiệp tham gia thực các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Ngoài ra cần xây dựng các cơ chế ưu đãi có thời hạn đối với các dự án sử dụng các sản phẩm khoa học và công nghệ được nghiên cứu thành công nhằm khuyến khích các chủ đầu tư sử dụng kết quả nghiên cứu.

Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Nga (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lam-chu-cong-nghe-nganh-co-khi-che-tao-can-go-rao-can-ve-chinh-sach-321053.html