Làm cách nào để 'đánh thức' du lịch Ba Vì phát triển?

Để du lịch huyện Ba Vì phát triển theo hướng bền vững cần phải có những giải pháp đồng bộ trên cơ sở phát huy lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, lịch sử văn hóa sẵn có của địa phương.

Vùng đất giầu tiềm năng

Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 53 km, huyện Ba Vì có những cảnh sắc sông nước, núi non, rừng già, nguồn nước khoáng nóng Thuận Mỹ nên được coi là địa phương có điều kiện phát triển du lịch tự nhiên, sinh thái.

Bên cạnh phát triển du lịch sinh thái, khu vực Ba Vì còn có tiềm năng phát triển du lịch tâm linh khi tại đây có khoảng 300 di tích lịch sử, văn hóa như đền thờ Bác Hồ, đền Thượng, đền Trung và những ngôi đình có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam, như Đình Tây Đằng, Thụy Phiêu, Thanh Lũng... Đây cũng là tiềm năng để Ba Vì đẩy mạnh du lịch về nguồn, du lịch tâm linh.

Khách du lịch thăm quan vườn trà tại xã Ba Trại (Ba Vì). Ảnh: Hoài Nam

Khách du lịch thăm quan vườn trà tại xã Ba Trại (Ba Vì). Ảnh: Hoài Nam

Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Trang trại du lịch Đồng Quê (Ba Vì) Ngô Kiều Oanh thông tin, với những tiềm năng sẵn có và thuận lợi về giao thông, lại gần trung tâm TP Hà Nội, Ba Vì luôn là địa điểm được nhiều du khách, công ty hay trường, lớp lựa chọn du lịch hay tổ chức sự kiện vào cuối tuần.

“Ngoài việc thưởng lãm cảnh sắc của núi rừng Ba Vì, du khách còn được trải nghiệm một số sản phẩm mới như du lịch chăm sóc sức khỏe; tắm thảo dược; nghỉ dưỡng tại Thiên Sơn - Suối Ngà, Tản Đà Resort, Melia Resort; thăm vườn hoa hồng tại Paragon Resort hay như du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa - tâm linh tại các xã Vân Hòa, Yên Bài, Ba Vì, Ba Trại, Cổ Đô, Minh Quang…”-bà Oanh chia sẻ.

Du khách được bà con dân tộc Mường (Ba Vì) chào đón khi đến thăm quan, du lịch. Ảnh: Hoài Nam

Du khách được bà con dân tộc Mường (Ba Vì) chào đón khi đến thăm quan, du lịch. Ảnh: Hoài Nam

Trưởng phòng Văn hóa –Thông tin huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu thông tin, sự phát triển du lịch đã đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. ”Nếu như năm 2010, tỷ trọng cơ cấu dịch vụ - du lịch đạt 43% cơ cấu kinh tế địa phương thì năm 2015 đã lên 52% và 56% năm 2020, dự kiến từ nay đến năm 2025 tỷ trọng dịch vụ - du lịch sẽ đạt 55 - 60% trong cơ cấu kinh tế huyện Ba Vì”-ông Nhu chia sẻ.

Để du lịch Ba Vì trở thành ngành kinh tế chủ lực

Mặc dù huyện Ba Vì có nguồn tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, hiện nay, việc khai thác du lịch chưa xứng với tiềm năng lợi thế, sản phẩm du lịch đơn điệu, chưa xây dựng được nhiều sản phẩm mới thu hút du khách. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch chủ yếu dựa vào khai thác những thứ có sẵn từ thiên nhiên làm giảm tác dụng của sinh thái, môi trường… gây phản cảm cho du khách.

Tại buổi tọa đàm Xây dựng mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện Ba Vì do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức ngày 22/11, các đại biểu có chung ý kiến, hạ tầng kết nối du lịch mặc dù được địa phương quan tâm đầu tư nhưng chủ yếu ở quy mô nhỏ gây khó khăn trong việc vận chuyển du khách vào các khu du lịch nên không hấp dẫn du khách.

Khách du lịch thăm quan vườn trà tại xã Ba Trại (Ba Vì). Ảnh: Hoài Nam

Khách du lịch thăm quan vườn trà tại xã Ba Trại (Ba Vì). Ảnh: Hoài Nam

Đặc biệt, Ba Vì chưa có quy hoạch mang tính chiến lược tổng thể nên vẫn xảy ra tình trạng “mạnh ai người ấy làm”, thiếu đi sự kết nối giữa các tour tuyến và các điểm du lịch, thiếu sự kết hợp của các loại hình, sản phẩm… Khách trong và ngoài nước đến với Ba Vì chủ yếu vẫn đi du lịch theo hình thức khám phá tự túc.

Để khắc phục những bất cập này qua đó thu hút du khách đến với Ba Vì, Chủ tịch HĐQT Tản Đà resort Tạ Thị Ngọc Mỹ cho rằng, thời gian tới TP Hà Nội nói chung, Ba Vì nói riêng nên có chính sách huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch; nâng cấp những điểm di tích, danh thắng, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng sản phẩm.

“Trong thời gian tới, huyện Ba Vì cần đầu tư nâng cấp cải tạo các tuyến đường vào khu du lịch; đưa công nghệ thông tin, cung cấp mạng wifi miễn phí tại các điểm du lịch. Ngoài ra, địa phương cần tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng hệ thống cửa hàng giới thiệu đặc sản quê hương tại các khu du lịch” - bà Mỹ kiến nghị.

Khách du lịch tham gia trả nghiệm văn hóa dân tộc với đồng báo Mường (Ba Vì). Ảnh: Hoài Nam

Khách du lịch tham gia trả nghiệm văn hóa dân tộc với đồng báo Mường (Ba Vì). Ảnh: Hoài Nam

Trưởng khoa Du lịch & Khách sạn (Đại học Kinh tế quốc dân) Tiến sỹ Phạm Trương Hoàng cho rằng, Ba Vì cần ưu tiên thu hút đầu tư phát triển nghỉ dưỡng cao cấp là loại hình du lịch chủ đạo. Đồng thời trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch mới cần chú trọng khai thác bản sắc văn hóa bản địa để tạo ra những hoạt động đặc sắc cho du khách. “Ba Vì có lợi thế là “vườn thuốc Nam” để có thể đẩy mạnh phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tắm lá thuốc người Dao, xông hơi, ngâm thảo dược”-ông Hoàng nêu ví dụ.

Đồng tình với ý kiến này chuyên gia du lịch TS Nguyễn Kiều Oanh cho rằng, để thu hút du khách đòi hỏi chính những hộ dân này đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp lữ hành mở tour mới. Ở chiều ngược lại doanh nghiệp du lịch cùng phân chia lợi nhuận qua đó thu hút người dân cũng tham gia hoạt động thu hút du khách đến với Ba Vì.

Dưới góc độ doanh nghiệp du lịch, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Travelogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên đề xuất, để thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, huyện Ba Vì tổ chức công bố các quy hoạch đã được phê duyệt, danh mục các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn huyện. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thông qua việc áp dụng công nghệ số hóa 4.0 vào hoạt động quảng bá, giới thiệu tiềm năng, điểm du lịch Ba Vì

Lê Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lam-cach-nao-de-danh-thuc-du-lich-ba-vi-phat-trien.html