Làm Báo Biên phòng để thấu hiểu và trân trọng người lính làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương

Không dám so với các 'cây đa, cây đề' đã làm nên thương hiệu Báo Biên phòng qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (22/4/1959-22/4/2024), nhưng tôi cũng có chút tự hào vì nằm trong hàng ngũ những người có thâm niên trong nghề. Tôi rất vui vì đã trưởng thành từ chính những năm tháng làm Báo Biên phòng với biết bao khó khăn, gian khổ trong hành trình đồng hành cùng cán bộ, chiến sĩ BĐBP và đồng bào các dân tộc nơi biên giới.

Tác giả tác nghiệp tại nhà giàn DK1. Ảnh: Yến Ngọc

Nhà báo phải gắn liền với hơi thở cuộc sống

Vốn là người chịu đi, chịu viết, thích khám phá những địa danh mới nên hàng chục năm qua, tôi đã may mắn có hàng trăm chuyến đi cơ sở. Lúc trước còn trẻ, có những chuyến công tác kéo dài tới 2-3 tuần là thường tình. Còn nhớ, một lần đi Tây Nguyên chuẩn bị viết bài cho ngày thành lập BĐBP (dịp 3/3 hàng năm), đã hơn 2 tuần mà tôi vẫn còn mải mê ở Gia Lai. Báo Tết đã phát hành, không khí xuân đã rộn ràng ở các bản làng biên giới, nhưng tôi vẫn đam mê lặn lội nơi miền biên viễn... Hàng chục năm về trước, miền Tây hay bị lũ lụt, nên cứ vào dịp nước lớn là tôi lại khăn gói về Đồng Tháp, An Giang... Cứ lăn lộn hết chỗ này đến chỗ khác, đi cho đến khi hết lũ thì về. Một số đồng nghiệp còn tếu táo gọi tôi là “nhà báo chạy lũ”.

Thấy tôi đi nhiều, lúc Tây Nam, lúc Tây Bắc, một số bạn bè khuyên đi ít thôi, vất vả quá. Nhưng với tôi, chuyến đi nào cũng là những trải nghiệm không thể quên trong hành trình tác nghiệp. Vì mỗi nơi mỗi vẻ, mỗi vùng đất đều gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển. Mỗi con người, mỗi đơn vị là một câu chuyện hay về cuộc sống và công tác. Qua mỗi chuyến đi, tôi có thêm những người bạn mới, những hiểu biết mới. Muốn có những trải nhiệm thú vị như vậy, phải biết lắng nghe nhịp điệu của cuộc sống, biết hòa mình với con người và cảnh vật xung quanh. Và đặc biệt, phải biết quan sát, đánh giá những sự vật, hiện tượng đã và đang diễn ra xung quanh mình. Đó chính là chất liệu sinh động để làm nên những tác phẩm báo chí hấp dẫn bạn đọc.

Với vai trò của nhà báo, thiết nghĩ, những bài về gương người tốt, việc tốt, những cách làm hay, sáng tạo cũng là góp phần động viên bộ đội, người dân thêm gắn bó với đơn vị, với vùng biên giới. Chính vì lẽ đó nên sau mỗi chuyến đi công tác, tôi thường gửi cho anh em ở các đồn (qua đường bưu điện vì lúc đó chưa có Internet, chưa được đọc báo mạng như bây giờ) các tấm ảnh, những bài báo viết về chính họ và về đơn vị. Có một điều mà tôi không ngờ được là một số bài báo như thế đã được lưu lại tới vài chục năm sau.

Sơ đồ và kế hoạch chuyến đi công tác tháng 7/1996, vẫn được tác giả lưu giữ sau gần 30 năm. Ảnh: Yến Ngọc

Trong những chuyến đi cơ sở sau này, lâu lâu, tôi lại may mắn được gặp lại nhân vật ngày xưa của mình. Và qua chính những câu chuyện họ kể, mới biết được những bài báo ngày xưa mình viết vẫn được bạn đọc lưu giữ làm kỷ niệm. Với người làm báo, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ. Mới đây, trong hành trình đi viết loạt bài về các tỉnh biên giới Tây Bắc, một bạn cùng trang lứa khuyên tôi: Lớn tuổi rồi, sao bạn vẫn chịu lăn lộn thế, vất vả lắm, để lớp trẻ họ đi. Tôi chỉ biết cười và nói lời cảm ơn. Phóng viên Báo Biên phòng mà không đi cơ sở, không lọ mọ vào tới tận các bản làng biên giới, không khề khà, lê la với anh em ở các tổ, chốt trên đường biên thì làm sao có tác phẩm hay, lay động lòng người.

Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm thú vị

Còn nhớ, tháng 7 năm 1996, lần đầu tiên tôi đi tác nghiệp ở Long An với tư cách phóng viên Báo Biên phòng. Lúc đó, huyện Đức Huệ (giáp với huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) là địa bàn nóng về buôn bán, vận chuyển hàng lậu, nhất là thuốc lá ngoại qua biên giới. Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây và Mỹ Thạnh Tây (BĐBP Long An) và các cơ quan chức năng đã có rất nhiều nỗ lực trong tuần tra, chốt chặn, nhưng hiệu quả vẫn không như mong muốn. Vì còn trẻ, lại mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm nên để viết được một bài phóng sự phản ánh thực trạng của vấn đề này theo ý kiến chỉ đạo của Ban Biên tập, tôi đã nằm lại ở đây một tuần. Ngày nào cũng theo chân đội tuần tra, lúc đi bằng tắc ráng, lúc đi bộ, bất kể ban ngày hay ban đêm. Qua quan sát thực tế và qua lời kể của các anh trong Ban chỉ huy đồn, tôi còn cẩn thận vẽ sơ đồ địa bàn, đường đi lối lại của dân buôn lậu...

Bài phản ánh về công tác chống buôn lậu qua biên giới Long An sau khi đăng báo đã được bạn đọc, nhất là cán bộ, chiến sĩ BĐBP Long An đánh giá cao về tính trung thực, sự sinh động, hấp dẫn. Có lẽ, vì thời gian tác nghiệp khá lâu và chịu khó quan sát nên hình ảnh về chuyến đi công tác đó đến nay tôi vẫn còn nhớ khá chi tiết... Kỷ niệm đó tôi vẫn còn giữ, cả sơ đồ và bản thảo viết tay bài báo. Thỉnh thoảng, lục tìm lại những kỷ vật cũ, bất chợt nhìn thấy, tôi vẫn xúc động về một thời làm báo sôi nổi và nhiệt huyết ấy.

Tác giả tác nghiệp tại Tây Trang, Điện Biên. Ảnh: Yến Ngọc

Nghề báo là một trong những nghề vất vả, nhất là người làm Báo Biên phòng. Phóng viên Báo Biên phòng thường phải đi biên giới, hải đảo mới có được bài viết về công tác quản lý, bảo vệ, xây dựng biên giới của cán bộ, chiến sĩ BĐBP, của nhân dân ở khu vực đó. Những sự kiện quan trọng, nhiều lúc nhà báo phải đi hàng ngàn km (cả đi và về) để viết bài, đưa tin. Để có tư liệu cho bài báo, phóng viên còn lặn lội tới các bản làng xa xôi, hẻo lánh để nghe thấy, nhìn thấy và cả cảm nhận. Một số địa phương biên giới ngoài Bắc, việc đi lại vào mùa mưa gió rất khó khăn, thậm chí nguy hiểm. Cá biệt, có nơi phải đi bộ hàng giờ, cắt sông, vượt núi mà tới. Nhưng không có bản làng biên giới, hải đảo nghìn trùng sóng vỗ nào mà không có dấu chân của người làm Báo Biên phòng. Nói vậy để biết được những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ và trách nhiệm của những “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa” BĐBP.

Tự đáy lòng, tôi vẫn thấy rằng: Làm Báo Biên phòng tuy vất vả nhưng rất vui. Vì là nhà báo Báo Biên phòng, tôi mới có dịp được đặt chân tới mọi miền biên cương của đất nước. Được thấy, nghe, hiểu và càng thêm trân trọng về sự chiến đấu, hy sinh, cuộc sống, sinh hoạt của những người lính đã và đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương, bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc...

Từ cậu phóng viên trẻ ngày nào, tôi đã trưởng thành từ những năm tháng làm Báo Biên phòng.

Yến Ngọc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lam-bao-bien-phong-de-thau-hieu-va-tran-trong-nguoi-linh-lam-nhiem-vu-bao-ve-bien-cuong-post474967.html