Lại xảy ra tình trạng học sinh bỏ học lấy chồng, lấy vợ ở huyện vùng cao Nghệ An

Sau Tết Nguyên đán vấn đề lo ngại nhất ở Nghệ An chính là tình trạng học sinh bỏ học hoặc nghỉ học để lấy chồng, lấy vợ ở các huyện rẻo cao. Đây cũng là nguyên nhân kéo theo bao hệ lụy suy giảm chất lượng cuộc sống và đói nghèo.

Nỗi lo học sinh bỏ học sau Tết

Tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) - một điểm nóng về vấn đề tảo hôn. Theo thống kê trên địa bàn huyện mỗi năm có hơn 100 trường hợp tảo hôn. Cụ thể, năm 2023, sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, toàn huyện Kỳ Sơn có 154 học sinh bậc trung học cơ sở nghỉ học, trong đó, 70 em đi làm công ty, 57 em lấy vợ, lấy chồng, lứa tuổi tập trung chủ yếu là 14-15.

Năm nay, sau Tết, tình trạng bỏ học vẫn tiếp tục xảy ra. Trong đó có ít nhất 6 trường hợp tảo hôn lấy chồng sớm. Điều này xuất phát từ tập quán văn hóa và quan niệm hôn nhân cũng như sự bất bình đẳng về giới tính vốn "ăn sâu, bén rễ" trong đời sống của đồng bào.

Thầy cô cùng bộ đội Biên phòng đi kêu gọi các em học sinh ở lại trường sau Tết ở huyện Kỳ Sơn.

Ngoài ra, điều kiện tự nhiên, đời sống của người dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao… nên các em có tâm lý không muốn đi học, thích được đi làm, kết hôn sớm... Những năm qua, việc các em trong độ tuổi học sinh sớm tiếp cận các thông tin trái chiều từ mạng xã hội càng khiến cho việc tuyên truyền gặp nhiều khó khăn.

Trong năm 2023, UBND huyện Kỳ Sơn đã có công văn xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn. "Đây là lần đầu tiên huyện Kỳ Sơn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn. Điều này cho thấy quyết tâm cao của huyện Kỳ Sơn trong đấu tranh, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi vấn nạn này", ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn cho biết.

Các trường hợp bị xử phạt hành chính sẽ được thông tin rộng rãi trong các cuộc họp bản và trong cộng đồng dân cư nhằm nhắc nhở, răn đe, phòng ngừa các vụ việc tương tự. Cùng với xử phạt hành chính, việc tuyên truyền phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết bằng nhiều hình thức tới từng xã, bản, cụm dân cư, từng hộ dân và trường học đã được các ngành chức năng đẩy mạnh thực hiện.

Các cán bộ y tế, dân số tuyên truyền về các chính sách dân số tại bản làng.

Bên cạnh đó, ngành chức năng huyện Kỳ Sơn đã tổ chức cho người dân, học sinh ký cam kết không tảo hôn. Đa dạng về hình thức, phương thức và các kênh tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn đang được đẩy mạnh. Xây dựng và nhân rộng mô hình, CLB "Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống" và "Bản làng không tảo hôn" tại các địa phương trên địa bàn, chủ yếu được xây dựng tại các bản làng xa giáp biên giới.

Ông Vy Hoàng Hà, Trưởng phòng Tư pháp huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cho biết, xử phạt hành chính các đôi tảo hôn nhưng không tách cặp đôi này ra thì xử phạt cũng bằng không, không có sức răn đe. Chúng tôi cũng đang bàn bạc để có thể xử lý hình sự. Tuy nhiên, cái cần làm nhất là tuyên truyền để các em hiểu rõ.

Đến nay, các xã: Nậm Cắn, Tây Sơn, Bắc Lý, Tà Cạ… huyện Kỳ Sơn đã ra mắt nhiều mô hình, câu lạc bộ chống tảo hôn. Đồng thời, chỉ đạo chuyên môn, tích cực hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện lồng ghép đưa nội dung phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong xây dựng Hương ước, Quy ước của bản. Đến nay, 180/191 bản đã hoàn thành việc xây dựng Hương ước, Quy ước của bản.

Không riêng ở huyện Kỳ Sơn, huyện Con Cuông là một trong những địa phương đầu tiên của Nghệ An triển khai đề án phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Mặc dù vậy, đây vẫn là nhiệm vụ hết sức khó khăn và khó hạn chế một cách triệt để.

Chỉ tính riêng trong năm 2023, toàn huyện Con Cuông có 28 trường hợp tảo hôn tập trung chủ yếu ở các xã như Môn Sơn, Thạch Ngàn, Yên Khê, Châu Khê. Trong danh sách thống kê cũng có những trường hợp, cả vợ và chồng đều chưa đủ tuổi kết hôn nhưng đã mang thai ngoài ý muốn.

Bà Nguyễn Hồng Nhung, Trưởng phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện Con Cuông) cho biết, chúng tôi thường xuyên làm công tác tuyên truyền, vận động đến từng thôn bản và tổ chức nhiều buổi tư vấn trực tiếp cho học sinh tại các nhà trường.

Ngoài ra, phối hợp với các ban, ngành liên quan như Phòng Dân tộc, Ủy ban MTTQ để cùng vào cuộc trong công tác tuyên truyền, vận động. Mặc dù ý thức của người dân đã có sự chuyển biến, nhưng để ngăn một cách triệt để tình trạng tảo hôn thì đang còn khó khăn.

Nhiều hệ lụy

Nói thêm nạn tảo hôn, bà Nguyễn Thị Hồng – Cán bộ Phòng truyền thông (Chi Cục DS-KHHGĐ Nghệ An) chia sẻ, việc các em học sinh kết hôn trước độ tuổi theo quy định đã kéo theo bao hệ lụy.

Buổi truyền thông về giới tính tại các trường học tại Nghệ An.

Đó là việc cơ thể chưa phát triển toàn diện đối với cả nam nữ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Hơn nữa, khi người mẹ mang bầu thì thai nhi dễ bị suy dinh dưỡng hoặc mẹ sinh non... việc này ảnh hưởng rất lớn đến cả mẹ, con cũng như hạnh phúc gia đình.

Việc kết hôn sớm khi nghề nghiệp, thu nhập của vợ chồng chưa đảm bảo thì cuộc sống sẽ rất khó khăn. Việc nuôi dạy con sẽ bị ảnh hướng rất lớn, thiệt thòi cho trẻ nhỏ. Bởi vậy, mỗi cán bộ công chức, viên chức, người dân cần hiểu biết, nâng cao nhận thức và có trách nhiệm tuyên truyền phổ biến để mọi người cùng chung tay nói không với tảo hôn vì sức khỏe, cuộc sống hạnh phúc mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

Chính vì lẽ đó, tảo hôn vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của nghèo đói, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống. Trước mắt, với những cặp tảo hôn được thống kê, Nghệ An đã có ít nhất một nửa số trẻ (thuộc về số cặp tảo hôn) thất học; một nửa trẻ sơ sinh không đảm bảo sức khỏe được sinh ra và có chừng đó hộ gia đình mới thành lập rơi vào cảnh đói nghèo...

Nghi phạm chém xe buýt giữa phố bật khóc vì hối hận, 'ước thời gian quay lại' | SKĐS

V. Đồng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lai-xay-ra-tinh-trang-hoc-sinh-bo-hoc-lay-chong-lay-vo-o-huyen-vung-cao-nghe-an-169240301104140883.htm