Lãi suất thấp, tiền từ ngân hàng chảy sang vàng, chứng khoán, bất động sản...

Thanh khoản ngân hàng đã bớt dư thừa, khi tiền rời khỏi hệ thống chảy vào các kênh có lợi nhuận cao hơn. Nhiều ngân hàng đã có động thái tăng lãi suất thời gian gần đây.

Lãi suất huy động đã ở vùng đáy

Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, lãi suất huy động tại một số ngân hàng, thậm chí ở cả ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước đã có động thái quay đầu nhích tăng. Tính từ đầu tháng 4/2024 đến nay, đã có khoảng chục ngân hàng tăng lãi suất huy động, như: VietinBank, HDBank, MSB, Eximbank, NCB, KienLongBank, VPBank, Bac ABBank, GPBank…

Điều này cho thấy, lãi suất huy động có thể đã chạm đáy và đang bắt đầu xoay chiều khi thanh khoản nhiều ngân hàng đã eo hẹp hơn. Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cũng thừa nhận, lãi suất huy động thời gian tới khó có thể giảm thêm.

“Chúng tôi cho rằng, lãi suất huy động khó có thể duy trì như những tháng đầu năm. Khả năng lãi suất sẽ đi ngang hoặc tăng từ nay đến cuối năm”, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MB nhận định.

Tương tự, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank cũng cho rằng lãi suất huy động hiện nay đã ở vùng đáy. “Lãi suất huy động chỉ giảm được ở mức độ nào đó, giảm quá thì khách hàng không gửi tiền. Hiện nay lãi suất đã ở đáy, và hiếm khi nào thấp như vậy” – ông nói.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động là do thời gian qua, tiền gửi tiết kiệm thấp kỷ lục, trong khi nhiều kênh đầu tư khác như vàng, ngoại hối “sốt nóng”, chứng khoán, bất động sản cũng nhúc nhích phục hồi. Theo đó, một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn cũng chảy sang các kênh đầu tư khác mà không quay trở lại ngân hàng.

Lãi suất huy động nhiều kỳ hạn đang thực âm

Dẫn con số tổng tiền gửi hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 3/2024 là 13,4 triệu tỷ đồng, giảm 0,76% so đầu năm, TS Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng dòng tiền đã dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán.

Trong đó, riêng đối với vàng trong quý I giá đã tăng 23%, do đó, chỉ cần nắm vàng từ đầu năm đã lãi 23%. Dòng tiền vào vàng lớn vì giá tăng cao, doanh số mua bán vàng ở các công ty vàng trong nước rất cao như Công ty PNJ doanh số trên 30 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng; SJC doanh thu trên 30 nghìn tỷ đồng…

Tiền vào chứng khoán cũng tăng cao, dòng tiền trong nước cân toàn bộ lượng bán ròng của khối ngoại. Số lượng tài khoản mở mới tăng, giao dịch bình quân trung bình 27.000 tỷ đồng một phiên.

Cùng với đó, tiền vào thị trường bất động sản cũng có sự phục hồi đáng kể với hàng loạt yếu tố tích cực.

Dẫu vậy, theo TS Phạm Xuân Hòe, với xu hướng nhích lãi suất tiền gửi từ nay tới cuối năm thì tiền gửi ngân ngân cũng sẽ phục hồi.

Lãi suất cho vay vẫn cần giảm thêm

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa, lãi suất huy động quá thấp (lãi suất huy động nhiều kỳ hạn hiện nay đang thực âm) sẽ khiến người dân bỏ qua kênh tiền gửi ngân hàng mà tìm đến các kênh đầu tư khác. Khi đó, ngân hàng sẽ phải đối mặt với “bẫy thanh khoản”, điều này lại càng đáng lo trong bối cảnh tín dụng phục hồi.

Theo tính toán của ông Nghĩa, với tỷ lệ lạm phát 3 - 4%, lãi suất thực dương cho tiền gửi tiết kiệm phải từ 4%/năm trở lên

Nhiều nhận định cũng cho rằng, với điều kiện hiện nay, lãi suất huy động có thể sẽ nhích tăng từ nay đến cuối năm. Công ty cổ phần Quản lý quỹ Dragon Capital, lãi suất huy động có thể sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản trong các tháng tới. Đây có thể được coi như một đợt điều chỉnh lãi suất giữa chu kỳ giảm lãi suất để giảm bớt áp lực tỷ giá.

Tương tự, nhóm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng dự báo, mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng đã tạo đáy và có thể nhích nhẹ trong thời gian còn lại của năm.

Đối với lãi suất cho vay, các chuyên gia cho rằng do áp lực chi phí vốn giảm nên lãi vay vẫn có cơ hội giảm thêm.

TS Phạm Xuân Hòe cho rằng, tiền ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa rẻ khi lãi suất thực cho vay trừ đi lạm phát vẫn còn cao hơn 4-5%.

“Lãi suất tiền vay bây giờ, tôi hỏi các doanh nghiệp thì thấy chỉ những doanh nghiệp tốt mới được vay lãi suất thấp 5-6% vốn ngắn hạn nhưng thông thường thì vay vốn ngắn hạn lãi suất 7-8,5% và 9-10% lãi trung và dài hạn. Lãi suất vẫn quá cao và tiền không rẻ", vị chuyên gia nói.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/lai-suat-thap-tien-tu-ngan-hang-chay-sang-vang-chung-khoan-bat-dong-san-post574254.antd