Lãi suất huy động: Liên tục 'thủng' đáy, vẫn có mức 8,6%/năm

10 ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, lãi suất huy động liên tục 'thủng' đáy. Dù vậy, mức cao nhất vẫn là 8,6%/năm.

Lãi suất liên tục “thủng” đáy

Từ ngày 19/6/2023, Ngân hàng Nhà nước có lần thứ tư liên tiếp điều chỉnh giảm lải suất điều hành. Theo đó, “trần” lãi suất kỳ hạn ngắn chỉ còn là 4,75%/năm. Dù vậy, lãi suất huy động cả kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài cũng liên tục thủng đáy.

Ở kỳ hạn ngắn (1 tháng và 2 tháng), nhóm Big 4 (các đơn vị quốc doanh: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – VietinBank và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Agribank) cũng đưa xuống mức “đáy” chỉ 3,4%/năm.

Ở kỳ hạn dài (từ 12 tháng đến 60 tháng), mức thấp nhất cũng xuống chỉ còn 6,3%/năm.

Trong khi đó, một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 12 tháng “thủng” mốc 7%/năm như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – LPBank (6,6%/năm), Ngân hàng TMCP Đông Á – DongA Bank (6,7%/năm), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam - Techcombank (6,9%/năm), Ngân hàng TMCP Sài Gòn – SCB (6,95%/năm).

10 ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, lãi suất huy động liên tục “thủng” đáy. Dù vậy, mức cao nhất vẫn là 8,6%/năm. Ảnh minh họa

Một số đơn vị khác đang “neo” lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 7%/năm như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank, Ngân hàng TMCP Tiên Phong – TPBank, Ngân hàng TMCP Quân đội – MB, Ngân hàng TMCP Kiên Long – KLBank.

Đáng chú ý nhất chính là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank). Trong ngày 19/6 – thời điểm trần lãi suất mới được áp dụng, mức cao nhất tại đơn vị này vẫn lên tới 11,2%/năm áp dụng cho các khoản tiền gửi dưới 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ 23/9, mức cao nhất được điều chỉnh mạnh xuống chỉ còn 7,8%/năm.

Mức cao nhất vẫn đạt 8,6%/năm

Mặc dù lãi suất huy động liên tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, mức cao nhất trên thị trường hiện nay chính là 8,6%/năm tại Ngân hàng Việt Nga (VRB) áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng.

Ngoài ra, hiện tại, VRB có nhiều kỳ hạn ghi nhận lãi suất trên 8%/năm như 8,5%/năm (18 tháng), 8,4% (15 tháng), 8,3% (13 tháng), 8,2% (12 tháng). Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất cũng lên tới 7,8%/năm.

DongA Bank đã điều chỉnh lãi suất giảm rất sâu, xuống dưới 7%/năm (ngoại trừ kỳ hạn 13 tháng). Tuy nhiên, khách hàng của ngân hàng này vẫn có cơ hội được hưởng lãi suất trên 8%/năm nếu có dư dả tiền.

Cụ thể, đối với kỳ hạn 13 tháng, lãi suất cuối kỳ, khách hàng sẽ được cộng thêm 1,2% nếu có khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên. Như vậy, mức cao nhất tại DongA Bank lên tới 8,3%/năm, chứ không phải 7,1% như biểu niêm yết.

Ngoài ra, Ngân hàng Xây dựng – CB cũng niêm yết lãi suất 8,15%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 8,25% cho kỳ hạn 24 tháng.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội – SHB cũng đã áp dụng biểu niêm yết mới. Theo đó, mức cao nhất cũng đã xuống dưới 8%/năm. Đó là mức 7,7%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 thán theo hình thức online.

Còn với chứng chỉ tiền gửi, SHB niêm yết mức 8,6%/năm cho kỳ hạn 6 năm và 8,8%/năm cho kỳ hạn 8 năm.

Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết với các biện pháp điều hành và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần.

Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022).

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.

Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo thông tin mới nhất do Tổng cục Thống kê công bố trong sáng 29/6, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 tăng 0,27% so với tháng trước, tính chung CPI bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Nguyễn Thị Hương, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đánh giá mức tăng trưởng 3,72% trong 6 tháng đầu năm không cao nhưng các cân đối lớn được đảm bảo, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp trong bối cảnh đối diện với nhiều khó khăn thách thức ở cả trong và ngoài nước.

Hoàng Tú

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lai-suat-huy-dong-lien-tuc-thung-day-van-co-muc-86-nam-post254056.html