Lãi ròng tăng 51% nhưng Ngân hàng Sacombank (STB) vẫn 'nói không' với chia cổ tức

Trong năm 2023, lãi ròng của Ngân hàng Sacombank tăng tới 51% so với năm 2022 tuy nhiên ngân hàng này tiếp tục không có kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông năm thứ 8 liên tiếp.

Trong năm nay, Ngân hàng Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 10% so với năm 2023.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Ngân hàng Sacombank, mã cổ phiếu STB - sàn HoSE) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, dự kiến diễn ra vào ngày 26/04.

Theo đó, Ngân hàng Sacombank lên kế hoạch kinh doanh năm nay với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 10.600 tỷ đồng, tăng 10% so với mức thực hiện của năm 2023.

Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng thêm 10%, đạt 724.100 tỷ đồng; tổng huy động tăng 10%, đạt 636.600 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng tăng 11%, đạt 535.800 tỷ đồng; và tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Kết thúc năm 2023, phần lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ còn lại của Ngân hàng Sacombank là 5.717 tỷ đồng, nâng tổng lũy kế lợi nhuận hợp nhất giữ lại của ngân hàng này lên mức 18.387 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngân hàng này tiếp tục không có kế hoạch phân phối lợi nhuận cho cổ đông. Đây là năm thứ 8 liên tiếp Ngân hàng Sacombank không chia cổ tức cho cổ đông.

Việc không chia cổ tức trong thời gian dài là vấn đề được nhiều cổ đông Ngân hàng Sacombank chất vấn tại các kỳ Đại hội cổ đông thường niên. Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2023, ông Dương Công Minh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Sacombank cho biết, Ngân hàng đã từng trình Ngân hàng Nhà nước về kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông, song vẫn chưa được chấp thuận, do Ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu.

Ông Dương Công Minh kỳ vọng sau khi hoàn thành Đề án tái cơ cấu, Ngân hàng Sacombank có thể tính đến các phương án phân phối lợi nhuận cho cổ đông.

Hồi đầu tháng 2/2024, đại diện Ngân hàng Sacombank cho biết sẽ hoàn thành Đề án tái cơ cấu ngay trong nửa đầu năm 2024, trước thời hạn đề ra là năm 2025

Trước đó, hồi cuối tháng 12/2023, ngân hàng này đã xử lý dứt điểm phần lớn các vấn đề tồn tại, hoàn thành nhiều mục tiêu trọng yếu của Đề án tái cơ cấu. Nhờ đó, nợ xấu và tài sản tồn đọng thuộc Đề án giảm 75%, giảm tỷ trọng trong tổng tài sản từ 28,1% (năm 2016) xuống chỉ còn 3,5%.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Đồng thời, Ngân hàng Sacombank đã trích lập đủ 100% dự phòng cho toàn bộ danh mục tài sản tồn đọng còn lại chưa xử lý, qua đó chính thức hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ tài chính tại Đề án tái cơ cấu.

Hiện Ngân hàng Sacombank chỉ còn phải xử lý khoản nợ xấu duy nhất liên quan đến phần cổ phiếu của ông Trầm Bê sau thương vụ sáp nhập giữa Ngân hàng Sacombank và Ngân hàng Phương Nam.

Ngân hàng Sacombank đã trình lên Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng mua lại và bán đấu giá, phấn đấu trong quý 4/2024 sẽ đấu giá thành công.

Nhiều tổ chức tài chính đánh giá việc hoàn thành Đề án tái cơ cấu sẽ tạo ra “sự bùng nổ lợi nhuận” của Ngân hàng Sacombank trong thời gian tới khi ngân hàng này không còn áp lực trích lập dự phòng cho các tài sản tồn đọng; nguồn vốn được gia tăng khi thu hồi xong các khoản nợ xấu; và có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn 11% nhờ điều kiện vĩ mô thuận lợi hơn.

Đáng chú ý, Ngân hàng Sacombank là một trong số ít các ngân hàng niêm yết ghi nhận sự cải thiện về tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) trong năm 2023. Lũy kế cả năm 2023, ngân hàng này báo lãi ròng đạt 9.595 tỷ đồng, tăng 51% so với năm 2022. Ngân hàng Sacombank hiện có quy mô tài sản và lợi nhuận lớn thuộc top 10 toàn ngành.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/lai-rong-tang-51-nhung-ngan-hang-sacombank-stb-van-noi-khong-voi-chia-co-tuc-119294.htm