Lại nóng chuyện bạo lực học đường

Những ngày vừa qua, liên tiếp xảy ra những vụ bạo lực học đường tại một số địa phương. Đáng chú ý bạo lực học đường không chỉ xảy ra giữa học sinh với học sinh mà giữa thầy cô giáo với học sinh cũng có xu hướng tăng.

Vấn đề bạo lực học đường vẫn đang là nỗi nhức nhối của toàn xã hội.

Vấn đề bạo lực học đường vẫn đang là nỗi nhức nhối của toàn xã hội.

Xót xa những lời lẽ cay nghiệt

Ngày 29/9, trên mạng xã hội lan truyền clip ghi lại sự việc một nữ sinh lớp 12 Trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) bị cô giáo túm cổ áo giật mạnh, mắng chửi, đuổi ra ngoài hành lang. Nguyên nhân được xác định là do nữ sinh này là Bí thư lớp, được cô giáo giao mua bánh sinh nhật để chuẩn bị tổ chức Trung thu nhưng em đã không mua tại cửa hàng cô giáo chỉ định mà mua của hàng khác. Khi nữ sinh mang bánh đến lớp đã bị cô giáo mắng với lời lẽ rất nặng nề, thậm chí còn bị đe dọa hạ hạnh kiểm, không cho thi tốt nghiệp… Sau đó, nữ sinh bị cô giáo đuổi ra ngoài. Em đã khóc và quỳ ở hành lang, tới khi cô giáo ra em ôm chân cô và xin cô tha thứ, thậm chí lên cơn co giật nhưng cô giáo nói “đừng giả vờ”.

Một câu chuyện chỉ nghe kể cũng cảm thấy đau lòng, phẫn nộ, chưa nói đến nạn nhân, gia đình em và những người trực tiếp chứng kiến vụ việc, những người xem đoạn clip. Cô giáo trong trường hợp này đã mất bình tĩnh, xử lý nóng vội. Nhưng với cương vị là một giáo viên với chuyên môn dạy môn Giáo dục công dân và làm công tác tư vấn tâm lý học đường thì những lời lẽ, hành động của cô giáo đối với học sinh là không thể chấp nhận. Những ngôn từ thô bạo, mang tính chất đe dọa như vậy không thể tồn tại trong nhà trường - nơi có trách nhiệm dạy học sinh nên người. Thầy cô thiếu chuẩn mực như vậy thì làm sao dạy học sinh chuẩn mực?

Cũng gây xôn xao dư luận mấy ngày qua là một đoạn clip hơn 20 giây ghi lại hình ảnh thầy giáo ở Trường THPT Phan Huy Chú (Thạch Thất, Hà Nội) tỏ thái độ bức xúc với một nam sinh trên bục giảng sau khi em làm bài đúng nhưng lại chữa thành sai. Thầy giáo này đã bóp cằm, chỉ vào mặt nam sinh xưng “mày - tao”, thậm chí ở cuối clip, thầy giáo còn dùng lời lẽ xúc phạm với học sinh.

Xót xa cho những học trò đang ở lứa tuổi vô cùng nhạy cảm với các vấn đề tâm lý học đường. Chỉ một lời chửi mắng của giáo viên trước mặt các bạn trong lớp cũng có thể khiến học sinh có suy nghĩ tiêu cực thì vụ việc kéo dài hàng giờ đồng hồ, ngay trong khuôn viên nhà trường, ầm ĩ trên hành lang chứ không chỉ trong lớp học, tại sao không có một giáo viên, một cán bộ quản lý nào của nhà trường xuất hiện? Học sinh đã lên cơn co giật nhưng không được thăm khám y tế, tâm lý ngay sau đó, vai trò của các nhà trường ở đâu? Chỉ đến khi vụ việc được lan truyền trên mạng xã hội mới thấy Ban giám hiệu có động thái vào cuộc là quá muộn. Môi trường học đường phải là nơi an toàn nhất cùng với gia đình thì trong vụ việc này đã không còn đảm bảo an toàn cho các em học sinh nữa.

Hình ảnh từ clip tại Trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) gây xôn xao dư luận.

Hình ảnh từ clip tại Trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) gây xôn xao dư luận.

Những mâu thuẫn âm ỉ

Liên tiếp những vụ việc bạo lực học đường giữa học sinh với học sinh cũng được ghi nhận dù năm học 2023 - 2024 mới bắt đầu được 1 tháng. Ngày 28/9, một nữ sinh lớp 9 trường bán trú THCS thuộc xã Yên Lỗ, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn bị các bạn nữ đánh hội đồng ngay tại lớp học, dù nạn nhân đã khóc lóc, van xin. Nữ sinh này bị khoảng 7 bạn nữ khác hành hung bằng các hành vi xô đẩy, giựt tóc, tát vào mặt, vào đầu...

Trước đó, chiều ngày 20/9, tại Trường THPT Phan Ngọc Hiển, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu cũng xảy ra vụ việc một học sinh học lớp 11 của trường bị một nữ sinh của trường khác dùng mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào vùng đầu.

Cũng cuối tháng 9, tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, một nữ sinh lớp 10 bị 2 người khác đánh ngay tại cổng trường. Trước đó, hai người lạ này vào lớp 10A2 ngồi trong giờ học và bị nữ sinh kia là lớp trưởng, báo cáo sự việc lên cô giáo chủ nhiệm, sau đó hai người bị mời ra khỏi phòng.

Điều đáng nói, hai trong số vụ việc trên đây xảy ra ngay trong trường học, trong khi nhiều học sinh khác đứng ngoài cổ vũ, reo hò, quay clip thay vì can ngăn hoặc báo cáo với giáo viên, Ban giám hiệu để chấm dứt vụ việc. Kỳ lạ hơn là trước khi clip bị đăng tải trên mạng xã hội, không thấy vai trò, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, của Ban giám hiệu nhà trường ở đâu?

Thực tế, nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra xuất phát từ những mâu thuẫn trong lời ăn tiếng nói, sau đó dẫn tới xô xát giữa hai học sinh, cuối cùng mới là đánh hội đồng gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là chết người. Vậy nếu sự việc sớm bị phát hiện, giáo viên có biện pháp phối hợp cùng với gia đình để nhắc nhở, uốn nắn, giảng giải cho học sinh thì sẽ giảm thiểu được rất nhiều những vụ việc đau lòng.

Với kinh nghiệm hàng chục năm là giáo viên chủ nhiệm, cô Lê Tuyết (Trường THCS Trần Phú, Phủ Lý, Hà Nam) chia sẻ, những vụ xô xát đến mức ầm ĩ, nhất là xảy ra trong lớp học thường khó che giấu. Giáo viên ngay khi được thông báo phải có biện pháp xử lý hợp lý, không bao che, thiên vị học sinh nào mới giúp hóa giải được nguy cơ xảy ra những vụ việc đau lòng hơn. Đồng thời, báo về gia đình để cùng giáo dục.

“Khó phát hiện nhất là những vụ việc bạo lực ngấm ngầm như bắt nạt bằng lời nói, xúc phạm nhau trên mạng xã hội, cô lập học sinh trong lớp… Là giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm, cần sát sao để nắm bắt, sớm nhất ngăn chặn những nguy cơ xấu có thể xảy ra” - cô Tuyết nói.

Làm gì để chấm dứt bạo lực học đường?

Ông Nguyễn Xuân An Việt - Phó Vụ trưởng Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ, tình trạng bạo lực học đường nói riêng, tình hình vi phạm pháp luật nói chung là hậu quả của những cá nhân chưa đạt về văn hóa, đạo đức, lối sống, kỹ năng… trong cuộc sống. Đồng thời, những ảnh hưởng của thế giới số đang ngày càng lấn át thế giới thực cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng.

Để giải quyết tận gốc của vấn đề này, theo ông Việt, cần tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường; thực hiện nghiêm túc thực chất ứng xử văn hóa trong trường học, giáo dục đạo đức, lối sống kỹ năng sống cho học sinh để “miễn nhiễm” với bạo lực học đường nói riêng và các tệ nạn xã hội. Giữa nhà trường và gia đình cần tăng cường phối hợp trong quản lý giáo dục học sinh, phát huy vai trò của gia đình trong quản lý giáo dục học sinh. Nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

TS Nguyễn Văn Hòa - người sáng lập, Chủ tịch HĐQT Hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) thì nhấn mạnh, phòng chống bạo lực học đường cần bắt đầu từ nhà quản lý. Ban giám hiệu phải luôn đồng hành chia sẻ, hỗ trợ giáo viên trong suốt quá trình giảng dạy học sinh. Đặc biệt, để phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi mang tính bộc phát, lời nói không thỏa đáng trong lúc nóng giận, mất bình tĩnh, trước hết bản thân mỗi giáo viên phải quản lý được cảm xúc bằng cách cân bằng sức khỏe, tâm trí. Khi có áp lực cần biết cách tự giải tỏa, tìm cách chuyển trạng thái tâm lý. Ví dụ như khi căng thẳng nên tránh tiếp xúc với học sinh, ra khỏi lớp để hạ bực tức, uống nước mát cân bằng lại tâm lý... Điều đó sẽ giúp giáo viên phòng, tránh được những hậu quả khôn lường, kiềm chế được nóng giận và những hành vi mang tính bột phát với học sinh.

Bên cạnh sự quan tâm quản lý của nhà trường, giáo viên làm đúng vai trò trách nhiệm của mình thì gia đình cần là điểm tựa để con luôn tin tưởng và chia sẻ, tránh những hậu quả tâm lý đáng tiếc khi xảy ra những vụ bạo lực học đường.

Nhà báo Trần Thu Hà, tác giả nhiều đầu sách về giáo dục trẻ em cho rằng, những đứa trẻ bị bắt nạt dù ở ngoài đời hay trên mạng đều có thể mang tổn thương lâu dài. Khác với sự bạo hành về thể xác cha mẹ có thể nhìn thấy, sự mất mát về tinh thần do bị bắt nạt trên mạng rất khó nhận ra nhưng lại để lại di chứng sâu sắc. Trong khi đó, nhiều trẻ không dám nói ra vì sợ bị cha mẹ đánh hoặc giấu vì sợ làm cha mẹ tổn thương, sợ cha mẹ sống không nổi trước cú sốc của con. Chỉ khi sự việc “bung bét” rồi người lớn mới được biết.

“Cha mẹ phải đóng vai trò là bạn bè với con cái, lắng nghe mọi điều trẻ chia sẻ. Song song đó, phụ huynh phải trang bị cho trẻ kiến thức về an toàn trên mạng để đề phòng, thay vì đợi sự việc xảy ra mới chống” - bà Hà chia sẻ.

PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội):

Chú trọng tham vấn tâm lý trong trường học

Bạo lực học đường thực chất không chỉ xảy ra trong trường mà còn có thể từ bên ngoài trường hay trên mạng Internet… Vì vậy, gia đình, các tổ chức địa phương không thể đứng ngoài cuộc.

Trong đó, về phía nhà trường, cần thiết lập một hệ thống sàng lọc định kỳ để có thể xác định được những em đang gặp phải vấn đề tổn thương về sức khỏe tinh thần, hay có nguy cơ mắc phải những vấn đề về tâm lý, hành vi có khả năng dẫn tới bạo lực. Cần có một quy trình trong đó có những phương thức thuận lợi để mọi người có thể khiếu nại về những hành vi thiếu thân thiện hoặc bạo lực trong nhà trường, sau khi tiếp nhận thông tin về bạo lực thì sẽ xử lý thế nào.

Phải có chương trình phòng ngừa nói chung, trong đó, giáo dục các em về giá trị sống tích cực, có kỹ năng quản lý cảm xúc, giải quyết vấn đề. Cùng với đó, phải có chương trình giáo dục cho giáo viên về cách quản lý lớp học; cho cha mẹ để ứng xử với con theo kỷ luật tích cực để không làm mẫu hình bạo lực cho con cái. Phải đưa vào nguyên tắc ứng xử trong nhà trường những giá trị yêu thương, tôn trọng từ lớp học cho tới nhà ăn. Đặc biệt, cần làm tốt hơn nữa vai trò của nhà tham vấn tâm lý trong trường học cũng như phòng tư vấn tâm lý trong các nhà trường.

THU HƯƠNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lai-nong-chuyen-bao-luc-hoc-duong-5740311.html