Lái mới và cỗ xe cũ

Tướng mới tên Thành ra mắt không thành với HAGL, tướng Thắng cũng chưa thể thắng cùng Thể Công- Viettel, còn HLV Iwamasa bất lực nhìn dàn sao Hà Nội FC gục ngã ở xứ Thanh… Ngay cả chiến thắng của Công an Hà Nội với thuyền trưởng Kiatisuk cũng có cái gì đó xưa cũ.

Hà Nội FC (áo sẫm) lần đầu thua Đ. Thanh Hóa sau 5 năm.

Dù thua trên sân Hà Tĩnh, HLV Vũ Tiến Thành vẫn khen học trò, rằng đã “khỏe” hơn trước. Điều này có thể đúng, nhưng khỏe chưa hẳn là… mạnh. Những chiến thắng trong các trận giao hữu trước vòng 9 của LP Bank HAGL chưa nói lên giá trị thật. Cỗ xe phố Núi vẫn chạy với động cơ cũ, bước vào cuộc đua khắc nghiệt như V.League ắt bộc lộ khiếm khuyết về công suất, ảnh hưởng đến cách vận hành.

Cũng được kỳ vọng vực dậy sức ỳ của Thể Công - Viettel, nhưng HLV Nguyễn Đức Thắng cũng chỉ mang về 1 điểm ít ỏi trước đội bóng yếu Khánh Hòa. Có vẻ, thời gian hơn 1,5 tháng chưa đủ để hậu vệ kỳ cựu truyền tải tinh thần chiến binh lứa đàn em. Nhiều người chỉ trích Hoàng Đức chơi dưới sức, nhưng “cánh én không làm nên mùa xuân”, HLV Nguyễn Đức Thắng biết rõ sức mạnh của đội bóng áo lính luôn nằm ở tính tập thể. Cần cả Đức Chiến, Khuất Văn Khang, Nhâm Mạnh Dũng… tìm lại phong độ, tốc độ vốn có.

Với HLV người Nhật Iwamasa, sự mờ nhạt của nhạc trưởng Văn Quyết không phải là tất cả nguyên nhân khiến Hà Nội FC thua Đ. Thanh Hóa lần đầu sau 5 năm. Cỗ xe ấy đã xộc xệch từ khi nhiều trụ cột ra đi và tuổi tác bắt kịp Văn Quyết, Hùng Dũng. Với hàng thủ bị rút ruột, giờ thì đội bóng giàu thành thích nhất V.League phải trông chờ vào sức trẻ Tuấn Hải, Văn Tùng, Văn Trường… trên hàng công. Song, hình như thời gian chưa đủ để Iwamasa lắp ráp những bộ phận này hợp lý nhất để có động cơ trơn tru và đạt công suất nhất.

Trong số 4 tân HLV, có vẻ HLV Kiatisuk “mát vía” nhất, người hâm mộ nói thế sau trận thắng 2-0 của Công an Hà Nội trước CLB TPHCM. Nhưng hãy xem thực lực 2 đội như thế nào, chưa nói đến đây chính là CLB có “ơn” với đội bóng mà HLV Phùng Thanh Phương đang dẫn dắt mùa trước và 2 trụ cột quan trọng của TPHCM là Patrik Le Giang và Sầm Ngọc Đức đang thuộc biên chế Công an Hà Nội. Vì vậy, cứ xem chiến thắng vừa qua của thầy trò HLV Kiatisuk là đương nhiên, chính xác hơn là Công an Hà Nội đã “đổi vận” Zico Thái. Còn việc chiến lược gia này “mát tay” đến cỡ nào phải chờ xem những cuộc đối đầu với Đ. Thanh Hóa, Thể Công - Viettel và đặc biệt là T. Nam Định trong phần còn lại của giải đấu.

Rõ ràng, kết quả một trận, một lượt trận chưa thể nói lên tất cả chất lượng chuyên môn, nhưng ít nhiều thể hiện thực tế nội tình trong một đội bóng, một giải đấu. Đặc biệt, với trận đấu. lượt đấu khai xuân như vòng 9, khi mà ai cũng đồn hết tâm huyết, tinh hoa nhằm có “đầu xuôi”, càng dễ khiến người ta tin rằng kết quả nói lên sự thật.

Chính CLB Công an Hà Nội mới là tác nhân “đổi vận” HLV Kiatisuk.

Và, câu chuyện không chỉ gói gọn ở nhóm CLB vừa thay tướng. Với những đội bóng ổn định bộ máy từ cầu thủ đến vị trí lái trưởng, câu chuyện cũng không đơn giản. Thất bại của M. Bình Định trước dàn cầu thủ trẻ SLNA, Hải Phòng trước T. Nam Định, hay B. Bình Dương bị Quảng Nam chia điểm cũng đang được phân tích, mổ xẻ. Có nhiều điều rất khác khi V.League trở lại. Một hiện tượng khiến người hâm mộ lo lắng vượt tầm V.League là chấn thương của Đình Bắc, Văn Toàn, Văn Lâm- những tuyển thủ quốc gia hay sự cố bất tỉnh của Hà Minh Tuấn ở giải hạng Nhất. Hình như, bóng đá Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng lắm cho những quãng nghỉ “đứt khúc” như V.League 2023/24, trong lần đầu áp dụng lịch thi đấu “chuẩn AFC” và “chuẩn châu Âu”?. Một lần nữa, câu chuyện khoa học thể thao, y tế- dinh dưỡng thể thao hay sự thích ứng- hòa nhập, độ chênh lệch múi giờ- lịch sinh hoạt Ta- Tây… được đề cập ở hai phía cũ- mới. Điều này đặt ra cho các HLV, CLB, VPF và cả VFF phương án, kế hoạch để dung hòa từng cấp độ, hướng đến “lộ trình” hợp lý nhất, khoa học nhất có lợi cho cầu thủ, CLB, các giải đấu trong nước và cả đội tuyển quốc gia.

T.S

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/lai-moi-va-co-xe-cu-post291033.html