'Lại đây nào', quá khứ!

'Cha con tôi gắn bó với bốn người chú không phải bằng máu đào mà bằng nước lã' - Le Thuy Diem Thuy (Lê Thụy Diễm Thúy) đã viết như thế trong 'Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm'.

Có một phức cảm bàng bạc trong cuốn tiểu thuyết này, nỗi ám ảnh về nước. Nước trong biển cả mà từ đó con thuyền của người di cư tròng trành lướt đi, nước với tính chất trong suốt của nó lấp lánh thông qua món đồ thủy tinh, “tôi giơ cái đĩa thủy tinh lúc này hệt như chiếc kính viễn vọng lên mắt và qua cơ thể con bướm, tôi thấy Má đang đứng trên một bãi biển xa xăm”. Đại dương chia lìa lục địa này với lục địa khác. Nhưng cũng có thể nói rằng đại dương gắn kết lục địa này với lục địa khác.

Chính biển cả đã chia tách gia đình cô bé sáu tuổi. Hai cha con cô bé đã lạc mất mẹ, để rồi nhiều năm sau, cũng chính biển cả lại đem bà về đoàn tụ cùng họ ở quê hương mới. Có đoàn viên nhưng không trọn vẹn, lần nữa, biển đóng vai trò lớn trong cuộc đời các nhân vật, trở thành nơi vĩnh viễn lưu giữ ký ức đau buồn của họ - một thành viên của gia đình, đứa con máu mủ, không may đã nằm lại trong nước lạnh.

Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm của chia ly và mất mát, nơi nỗi đau không quặn lên như triều dâng mà âm thầm những con sóng ngầm ẩn sâu trong bụng biển. Trong câu chuyện về các di dân trên đất Mỹ, Le Thuy Diem Thuy tiếp tục khắc họa những con người khao khát đời sống tốt đẹp hơn nhưng đồng thời cả đời sẽ ràng buộc với quá khứ của họ, cuộc chiến tranh của họ, một cuộc chiến tranh không tiếng súng, mà vẫn có sức tàn phá cả thế hệ con cái của họ.

Người cha - một cựu binh - một gã du đãng trên đất Mỹ, người bằng đôi tay trần đã làm đủ thứ nghề để mưu sinh trên đất khách, và chính bàn tay ấy đã đánh đập vợ con, đã đánh vào tường đến tóe máu, đã khước từ chuyện bị gọi là một tên du đãng. Vậy thì ai mới là du đãng? Gã du đãng ấy đâu? Có lẽ từ “du đãng” trong tiểu thuyết này đã trở thành biểu tượng cho góc tối nơi tâm hồn con người, hiện diện cho cái phần đau khổ bọc trong bạo lực, một thứ bạo lực không thể biện minh, nhưng kêu đòi sự thông cảm. Chúng ta không ngừng lùng kiếm cái gã du đãng ấy, như lùng kiếm căn nguyên của đau khổ, hay cái khối ung thư không ngừng gặm nhấm lòng ta.

Cuộc tìm kiếm của đứa con gái, nối dài (hay mở rộng) của tìm kiếm của người cha, trong vô định và vô vọng, cứ như quẫy đạp trong làn nước. Thế nên thời gian trong tác phẩm cũng bàng bạc, những câu chuyện phân mảnh, quá khứ, hiện tại chất chồng lên nhau hệt sóng bể hết lớp này đến lớp khác, trong một tâm thức mênh mông của nước.

Nước trong chiếc hồ bơi nhỏ ở khu nhà trọ, cái hồ bơi bị lấp đi vì chủ nhà cảm thấy quá ồn ào, và trồng vào cây cọ. Cây cọ ấy lan rễ trong lòng bàn tay cô bé dưới dáng hình đường chỉ tay số mệnh. Khi cô bé nói rằng “Đôi khi tôi không cảm nhận được đường chỉ tay nào trên tay mình, và đó là lúc tôi tưởng tượng lòng bàn tay tôi chỉ tuyền là cát, sa mạc”; ấy là lúc mà tương lai dường như là điều mơ hồ cũng như quá khứ đã thành tuyệt tích.

Cái thân phận một người nhập cư hoang mang cũng giống như cô bé ngửa bàn tay lên, thì thầm: “Lại đây nào, lại đây nào, lại đây nào”. Tựa một lời mời gọi, nhưng mời gọi điều gì? Một câu trả lời, một niềm an ủi, một thứ hạnh phúc… Le Thuy Diem Thuy sử dụng một thứ bút pháp mơ hồ, nơi hiện thực và mộng tưởng chỉ là hai mặt của đồng xu, còn đồng xu ấy thì vẫn đang quay tròn trên trang giấy. Bút pháp này cho phép nhân vật mở rộng phạm vi tìm kiếm “gã du đãng” của mình, không chỉ trong cái hiện thực thô ráp mà còn cả trong tâm thức.

Nhà văn, nghệ sĩ trình diễn Le Thuy Diem Thuy. Ảnh: T.A.T

“Nắm chặt tay nhau, chúng tôi xuyên qua mây, các múi giờ và những quầng không khí hình thù ma quái. Bên kia đại dương, chúng tôi cùng nhau băng qua cơn mưa bóng mây rồi trèo lên một chiếc ô tô”.

Đoạn văn khiến độc giả hình dung các nhân vật đang di chuyển tự do với đôi chân nhấc khỏi mặt đất để rồi kết thúc bằng một hình động thực tế, tiến vào một không gian nhỏ hẹp là “chiếc ô tô”.

Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm lơ đãng giữa hiện thực và tâm trí, với những câu văn giàu chất thơ. Nó không cố bi kịch hóa số phận, nó không tuyên ngôn, không phán xét, nó là chính mình bằng tất cả sự nhạy cảm của một tâm hồn ngây thơ va đập vào thế giới. Một thế giới hằng hữu chứa chấp những con người hạn hữu, như phù du trong biển cả, mà chúng ta mải miết nhìn vào như cái cách Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm đã khép lại: “Từ trong bóng đêm thăm thẳm của biển cả, từng vạt sóng đem theo những linh thể bé nhỏ phát sáng, nối đuôi nhau dạt vào bờ”.

Sau Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm, các tác giả gốc Việt ở hải ngoại tiếp nối nhau qua Sóng (Wave) - Hoa Phạm, Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian (On Earth We’re Briefly Gorgeous) - Ocean Vương… góp câu chuyện lịch sử cá nhân để nối kết quá khứ với hiện tại, nối kết tâm hồn với tâm hồn.

Le Thuy Diem Thuy sinh năm 1972 ở Phan Thiết. Năm 1978, cô theo cha định cư tại Hoa Kỳ. Năm 1990, cô theo học chuyên ngành nghiên cứu văn hóa và văn chương hậu thuộc địa tại trường Hampshire College ở Massachusetts. Năm 1993, cô sang Paris khảo cứu các thư tịch tàng trữ ở Pháp về Việt Nam. Bên cạnh sáng tác văn chương, cô còn là nghệ sĩ trình diễn.

Năm 2001, cô xuất bản tiểu thuyết đầu tay Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm (The gangster we are all looking for), gây ấn tượng mạnh trên văn đàn và đã nhận được nhiều giải thưởng uy tín: Guggenheim Fellowship (2004), USA Fellowship (2008)… Bản dịch tiếng Việt bởi Tùng Lam vừa được Phương Nam book và NXB Thế Giới phát hành.

Nhà văn Viet Thanh Nguyen (Pulitzer 2016) nhận xét: “Chiến tranh đã định hình nên một thế hệ và cùng lúc đẽo gọt ra thế hệ kế tiếp, như những gì Le Thuy Diem Thuy đã bày ra trong Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm”.

Huỳnh Trọng Khang

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/lai-day-nao-qua-khu-41195.html