Lạc vào ảo giác của rừng tre Sagano

Rừng tre Sagano nằm trong công viên Arashiyama, ngoại ô phía tây bắc cố đô Kyoto của Nhật Bản, vì thế còn có tên rừng tre Arashiyama. Các website địa phương giới thiệu, rừng tre Sagano đã nổi tếng từ thời Heian giai đoạn thế kỷ VIII - XII, được mệnh danh là một trong những rừng tre tự nhiên đẹp nhất thế giới.

Từ Tokyo, ngồi tàu cao tốc Shinkansen hơn 2 tiếng tôi đến ga trung tâm Kyoto. Ghé quầy thông tin, tôi nhận được tất cả những hướng dẫn cần thiết cho thời gian lưu lại và khám phá thành phố cổ này.

Có nhiều cách để đến công viên và rừng tre này. Nhiều du khách phương Tây hòa vào nhóm trẻ đạp xe khám phá Kyoto rồi dừng chân ở khu rừng tre. Vì thời gian lưu lại đây không nhiều, tôi chọn xe buýt, vừa nhiều chuyến vừa rẻ. Một điều yên tâm là bất kỳ tại một bến xe buýt nào ở một điểm du lịch tại Kyoto, khách sẽ gặp vài người Nhật lớn tuổi chỉ dẫn cặn kẽ cách và các tuyến xe đến được bất cứ điểm du lịch trong thành phố rồi quay về nơi xuất phát một cách nhanh và dễ dàng nhất. Ngoài ra, các em học sinh cũng rất thân thiện và có thể giao tiếp bằng tiếng Anh luôn nhiệt tình giúp đỡ nếu được hỏi.

Một đoạn đường đi xuyên qua rừng tre Sagano.

Tôi đến công viên Arashiyama đầu giờ chiều. Anh bạn người Nhật của tôi giải thích, công viên Arashiyama là một điểm thư giãn, tái tạo năng lượng rất hiệu quả. Công viên này là một quần thể rộng bao gồm nhiều ngọn đồi liền kề cạnh dòng sông, nhìn ra vùng đô thị phía xa xa, từng được giới nhà giàu, quý tộc xưa kia ưa chọn làm điểm nghỉ dưỡng.

Có nhiều lựa chọn cho người đến đây, kết hợp với việc đi tản bộ quanh rừng tre, có thể viếng chùa Tenryuji, một trong những chùa lâu đời và nổi tiếng gắn với lịch sử văn hóa của vùng. Cạnh đó còn có một quần thể kiến trúc độc đáo là biệt thự Okochi Sanso của nam minh tinh Okochi Denjiro (1896 -1962).

Ngay từ trạm dừng Arashiyama của xe buýt, các mảng lá tre xanh đậm đã hiện ra trong tầm mắt. Ngay bên cạnh ngôi chùa Tenryuji nổi tiếng, dòng người tấp nập đi vào một lối đi nhỏ, lâu lâu né sang bên nhường bước cho xe kéo chạy qua. Đi bộ khoảng 3 phút qua một khu nghĩa trang, khung cảnh yên bình với những hàng tre xanh thẳng tắp cao vút nối tiếp nhau hiện ra. Những tia nắng xuyên qua các tán lá và hàng tre trông như một sân khấu tự nhiên rộng lớn với chiều sâu hun hút, khiến tôi nhớ đến bối cảnh rừng trúc của bộ phim Thập diện mai phục nổi tiếng một thời. Không khí trong lành, màu xanh mát mắt, những tiếng gió xuyên qua rừng trúc tạo nên cảm giác như lạc vào một không gian siêu thực nào đó.

Tôi đã đến đây, một buổi chiều khi lịch hoa anh đào nở trên khắp nước Nhật vừa được công bố, và những nụ hoa anh đào đầu mùa cạnh rừng tre lốm đốm xuất hiện. Ngoài nhóm du khách vừa đi vừa trầm trồ chụp hình, khá nhiều người dân đi bộ và trekking quanh rừng trúc. Hai bạn trẻ đi trekking dừng chân lưng chừng sườn đồi nhìn về phía rừng tre, khoe nơi này mùa nào cũng đẹp. Phía này thì có rừng trúc xanh, phía bên kia là các ngọn đồi đầy những cây anh đào trăm tuổi.

Dưới kia là dòng sông, và một đường ray chạy song song. Khi mùa hoa anh đào nở, hay mùa lá phong chuyển đỏ, tổng thể không gian này như một bức tranh, ảo nhiều hơn thực. “Những lúc như vậy, ở đây rất đông khách đến tận hưởng không gian và ngắm cảnh đẹp”, một bạn nói và cho tôi xem vài tấm hình đã chụp mùa hoa anh đào trước dịch Covid-19.

Vật dụng từ tre bày bán ngay cạnh rừng.

Mỗi thời điểm trong năm, khu rừng tre trưng ra một vẻ quyến rũ độc đáo. Mùa đông, tuyết có thể phủ trắng gốc tre và lối đi, phủ lên những thân cây tre xanh một lớp tuyết như phấn bạc. Ba mùa còn lại, rừng tre luôn đậm sắc xanh xen kẽ với màu thực vật xung quanh, như của hoa anh đào, hoa mộc lan, lá đỏ, lá vàng tùy các mùa. Khách có thể dạo chơi quanh rừng bất cứ giờ nào trong ngày. Các loại tre khác nhau trồng trong khu rừng đều được ghi chú và giới thiệu khá kỹ về nguồn gốc, công dụng, tính chất của từng loại tre.

Một dự án nghệ thuật thắp sáng rừng tre hồi tháng 12.2021, khu rừng này được gắn thêm điện và đèn lồng, tạo nên một sức hút khác về đêm. Du khách vẫn đang chờ đợi trải nghiệm lại dự án này, sau khi các nước mở cửa đón khách trở lại sau đại dịch. Không chỉ là một điểm thư giãn, tìm về không gian tĩnh lặng với thiên nhiên, rừng tre còn là một điểm sáng tác thú vị với giới yêu thích ảnh nghệ thuật.

Một điểm độc đáo nữa mà người Nhật tô thêm cho rừng tre của họ chính là âm thanh, cảm hứng từ tiếng lá tre xào xạc, và thân tre chao đảo, va chạm vào nhau khi gió thổi. Đứng giữa rừng tre, nhắm mắt lại và lắng nghe, bạn sẽ hiểu tại sao Nhật Bản đưa âm thanh của rừng tre vào danh sách âm thanh sinh thái cần được bảo tồn, và khuyến khích người dân cảm nhận những âm thanh tự nhiên đặc trưng của quốc gia.

Các bạn trẻ chụp hình trong y phục truyền thống.

Đi một vòng quanh khu rừng, rất dễ bắt gặp các bạn trẻ nam nữ người Nhật và nước ngoài thuê những bộ kimono hay yukata và chụp ảnh. Nhiều cặp đôi thì chọn đi xe kéo truyền thống qua rừng tre Arashiyama, dừng chân tại các điểm độc đáo theo yêu cầu. Đây vừa là cách tiết kiệm thời gian, vừa là cách giúp người kéo xe có thêm thu nhập. Các sản phẩm gia dụng làm bằng tre từ cốc uống nước đến chụp đèn, đũa, muỗng, và các sản phẩm nghệ thuật thủ công khá tinh xảo, xinh xắn được bán ngay tại một số điểm trong rừng tre. Vào rừng tre thì miễn phí, nhưng những dịch vụ sản phẩm khuyến khích du khách tiêu tiền trong rừng thì khá nhiều.

Một điểm nhấn độc đáo mang hơi chút tâm linh trong vườn tre là ngôi đền nhỏ mang tên Nonomiya. Chuyện kể rằng, các Thiên hoàng xưa thường gửi các cô con gái đến ngôi đền lớn Ise trong khu vực tập tu một thời gian. Đền Nonomiya là nơi đầu tiên các công chúa trải qua một thời gian ngắn để thanh lọc chuẩn bị tâm hồn trước khi tham gia lễ rước ở đền Ise. Chính vì thế nơi này được coi là chỗ ẩn cư của các công chúa.

Sau này Nonomiya nổi tiếng và đặc biệt là với phụ nữ, nhiều người tin nếu viếng thăm đền, những cô gái độc thân sẽ gặp tình duyên, hay những người phụ nữ mong cầu có con cũng được toại nguyện.

Du khách viếng và cầu nguyện tại đền Nonomiya.

Nhưng có vẻ người đến thăm thời hiện đại này, nhiều mong muốn hơn thế. Các lời cầu xin còn treo lại ở đền khi tôi ghé thăm, mang nhiều tâm tư trong cuộc sống hơn là cầu xin về tình duyên và con cái. Đọng lại trong tôi là những lời cầu rất đời như: cầu mong cho Ukraine sớm kết thúc chiến tranh và mọi người sống trong hòa bình, cầu cho đậu các trường đại học hàng đầu tại Mỹ tại Nhật, cầu xin cho có sức mạnh để bảo vệ những người thương yêu, hay cầu xin cho việc khởi nghiệp thành công...

Đến rừng tre thư giãn, tận hưởng không gian yên tĩnh, hít không khí trong lành, tâm hồn con người có thể lắng lại, tạo cơ hội cho tâm trí thêm những suy nghĩ tích cực, cùng những suy tư đậm tính người hơn, anh bạn người Nhật của tôi kết luận.

Miền núi Bắc Việt Nam cũng có nhiều rừng tre, trúc gần đây đã được giới du lịch để ý. Các rừng tre, trúc này xuất hiện khoảng 3-4 năm nay, dần được tạo thêm lối đi, cắm biển chỉ đường, hướng dẫn an toàn cho người tham quan. Có thêm các trạm nghỉ chân, ghế, xích đu, bàn trà và trang phục dân tộc cho khách thuê chụp hình. Những tấm hình mà du khách đã chụp được chia sẻ trên mạng xã hội hay đăng trên báo chí, đẹp không kém những bức hình được chụp tại vườn tre Sagano tại Arashiyama. Tuy nhiên, việc tạo ra một chuỗi liên kết, hay tạo thêm những điểm nhấn, cung cấp thêm các dịch vụ đi kèm tại các rừng tre, trúc ở Việt Nam nhằm tạo lợi nhuận gia tăng cho địa phương hay cộng đồng người dân bản địa, dường như vẫn còn bị bỏ dở.

Bài và ảnh: Ninh Hạ

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/lac-vao-ao-giac-cua-rung-tre-sagano-40874.html